Phiên giao dịch chiều 13/7: EIB có biến lớn

Phiên giao dịch chiều 13/7: EIB có biến lớn

(ĐTCK) Mọi con mắt của nhà đầu tư trong phiên chiều nay dường như dõi theo giao dịch tại cổ phiếu EIB của Eximbank với lực mua bất tận. Kịch bản về việc gom phiếu trước đại hội là khả năng không loại trừ.

Hoạt động tái cấu trúc ngành ngân hàng đang bước vào giai đoạn mới và nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Chính nhờ hiệu quả của hoạt động tái cấu trúc, cùng kỳ vọng nới room đã giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng có chuỗi tăng điểm ấn tượng từ đầu năm đến nay, nhất là trong 1 tháng qua, trở thành nhóm dẫn dắt VN-Index liên tiếp phá các kỷ lục của năm.

Cuối tuần qua, Sacombank (STB) đã tổ chức ĐHCĐ bất thường để bàn về phương án sáp nhập Southern Bank và cổ đông của Sacombank đã thông qua phương án sáp nhập. Sau cặp đôi này, sẽ có các cặp đôi tiếp theo và sau khi Dong A Bank tìm được cổ đông chiến lược là Kinh Đô để phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng, thì mọi con mắt dồn về cặp đôi Nam A Bank - Eximbank.

Câu chuyện “hôn nhân” giữa Nam A Bank và Eximbank đã có thông tin từ 1 năm trước, nhưng chưa bên nào chính thức lên tiếng về chuyện này. Theo thông tin mới nhất, vào ngày 21/7 tới đây, Eximbank sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2014 sau nhiều lần tạm hoãn.

Trong đại hội này, vấn đề được nhiều người quan tâm chính là câu chuyện “hôn nhân” với Nam A Bank. Trong các ứng viên ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ mới của Eximbank giai đoạn 2015 -20120 có 2 ứng viên đến từ Nam A Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm, nguyên CEO và Phó tổng giám đốc Nam A Bank.

Trước đó gần 1 tuần, Nam A Bank sẽ tiến hành ĐHCĐ bất thường. Trong thông báo mời cổ đông dự họp ĐHCĐ bất thường lần này, Nam A Bank cũng không cho biết nội dung cụ thể, mà chỉ thông báo thư mời họp và tài liệu sẽ được gửi đến cổ đông, được đăng tải trên website của Ngân hàng trước ngày tổ chức ĐHCĐ.

Một diễn biến mới nữa cũng gây chú ý cho giới đầu tư về cuộc “hôn nhân” giữa Eximbank - Nam A Bank là ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank (vừa được bổ nhiệm giữ chức danh này từ ngày 27/3/2015 tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên 2014) đã bất ngờ từ nhiệm. Việc từ nhiệm của ông Toàn sẽ được thông qua tại ĐHCĐ bất thường tới đây.

Trở lại với diễn biến trên sàn chứng khoán, trong khi phương án sáp nhập Southern Bank khiến một bộ phận nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu STB không mấy hài lòng, thì câu chuyện câu chuyện Eximbank - Nam A Bank lại giúp cổ phiếu EIB trở thành nỏi nam châm lớn trong phiên hôm nay.

Lực mua mạnh tiếp tục được duy trì, giúp EIB được kéo lên mức giá trần với thanh khoản tăng vọt, bất ngỡ dẫn đầu sàn HOSE. Đặc biệt, trong đợt khớp lệnh giá đóng cửa, dù lực bán tranh thủ khá lớn, nhưng lực mua ATC được dồn vào rất mạnh, giúp EIB hấp thụ hoàn toàn hơn 1,11 triệu đơn vị bán ra ở mọi mức giá.

Chốt phiên, EIB được khớp hơn 11 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần 14.900 đồng hơn 340.000 đơn vị. Đây là phiên EIB có tổng khối lượng khớp lệnh lớn nhất từ trước tới nay.

Với những diễn biến kịch tính trong câu chuyện sáp nhập thì kịch bản gom cổ phiếu trước đại hội là khả năng có thể xảy ra. Và nếu như vậy, trong các phiên tiếp theo, giao dịch tại EIB là một điểm rất đáng cần lưu ý.
Trong khi đó, như đã nói ở trên, STB lại đóng cửa giảm khá mạnh 3,55%, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 19.000 đồng với gần 1 triệu đơn vị được khớp.

Ngoài EIB, các mã ngân hàng khác như CTG, MBB, BID cũng có sự trở lại ấn tượng, góp phần giúp VN-Index có sự chắc chắn trong phiên giao dịch chiều. Trong khi VCB chỉ quẩn quanh mốc tham chiếu và đóng cửa ở mức giá này.

Ngoài nhóm ngân hàng, sự chắc chắn của nhóm bảo hiểm, cùng đà tăng mạnh ở nhóm dầu khí, đặc biệt là PVD, cùng một số bluechip khác giúp VN-Index có được đà tăng vững chắc trong phiên chiều, thậm chí có lúc đã vượt qua ngưỡng 635 điểm, trước khi hạ nhiệt nhẹ trong đợt ATC.

Kết thúc phiên đầu tuần, VN-Index tăng 6,78 điểm (+1,08%), lên 634,06 điểm với 103 mã tăng và 104 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 140,49 triệu đơn vị, giá trị 2.559,88 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,2 triệu đơn vị, giá trị 287,39 tỷ đồng.

Khiêm tốn hơn, HNX-Index chỉ tăng 0,34 điểm (+0,38%), lên 88,58 điểm với 87 mã tăng và 82 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,35 triệu đơn vị, giá trị 625,3 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,55 triệu đơn vị, giá trị 15,4 tỷ đồng.

Trong khi sàn HOSE có nhiều điểm nhân, thì sàn HNX lại không có nhiều điểm đáng chú ý. ACB vẫn chỉ duy trì mức tăng tối thiểu, nhóm dầu khí dù đảo chiều, nhưng cũng chỉ có mức tăng nhẹ. Nhóm bảo hiểm và HPC lực mua tăng thêm chỉ để khẳng định sức hút của các mã này, chứ giao dịch gần như không có do bên nắm giữ không ra hàng.

Có chăng, SHN tạo một chút ít chú ý khi nới rộng đà tăng trong phiên chiều với lực mua và bán khá mạnh. Kết thúc phiên, SHN tăng 7,09%, lên 15.100 đồng với hơn 2 triệu đơn vị được khớp. Trong khi 2 mã được khớp mạnh nhất là SCR với hơn 6 triệu đơn vị và SHB với hơn 5,6 triệu đơn vị đều tăng nhẹ 1 bước giá.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay vẫn mua ròng khá mạnh với lượng mua ròng hơn 2,5 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 88,69 tỷ đồng trên HOSE. Trên HNX, khối này mua ròng 513.880 đơn vị, giá trị mua ròng hơn 8 tỷ đồng.

Tin bài liên quan