Phiên chiều 9/7: VN-Index may mắn thoát hiểm, HNX-Index tăng vọt

Phiên chiều 9/7: VN-Index may mắn thoát hiểm, HNX-Index tăng vọt

(ĐTCK) Lực bán mạnh tiếp tục được duy trì trong phiên chiều, song nhờ nhiều mã bluechips còn tăng điểm giữ nhịp nên VN-Index thoát khỏi phiên giảm điểm tiếp theo. Trong khi đó, HNX-Index lại tăng vọt nhờ sự khởi sắc của các mã lớn.

Áp lực chốt lời từ phiên trước đó tiếp tục ảnh hưởng tới VN-Index trong phiên giao dịch sáng nay khi chỉ số giảm nhanh ngay khi mở cửa. Vào những nhịp thị trường giảm mạnh, cầu bắt đáy bắt đáy hoạt động khá tích cực, song chưa đủ mạnh so với lực xả nên mỗi khi VN-Index về được tham chiếu là ngay lập tức giảm trở lại. Do đó, VN-Index chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ trong phần lớn phiên sáng.

Bước vào phiên chiều, sức cầu bất ngờ gia tăng, tập trung vào nhóm bluechips giúp nhiều mã trong nhóm này tăng điểm, qua đó kéo VN-Index vọt qua mốc 970 điểm. Lên nhanh, xuống cũng nhanh, áp lực bán giá cao một lần nữa đẩy VN-Index rơi trở lại tham chiếu.

Những tưởng diễn biến này sẽ khiến chỉ số sẽ gặp khó trong thời gian cuối phiên thì khá bất ngờ là sức cầu tốt tại nhóm bluechips vẫn được duy trì, giúp nhiều mã trong nhóm này giữ được đà tăng. Nhờ đó, sắc xanh của VN-Index được giữ đến khi kết phiên. Bên cạnh điểm số, dòng tiền tích cực còn giúp thanh khoản phiên này tăng mạnh trở lại.

Đóng cửa, với 161 mã tăng và 138 mã giảm, VN-Index tăng 2,7 điểm (+0,28%) lên 969,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 169,48 triệu đơn vị, giá trị 4.386,39 tỷ đồng, tăng 2% khối lượng và 26% về giá trị so với phiên 8/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với hơn 43 triệu đơn vị, giá trị 1.664 tỷ đồng, trong đó có gần 830 tỷ đồng của hơn 6,7 triệu cổ phiếu VNM.

Mặc dù khá phân hóa, nhưng việc nhiều mã trụ như VCB, VHM, VRE, GAS, VNM hay MWG, FPT, HDB, HVN, BVH... tăng điểm đã tạo bệ đỡ tốt cho VN-Index. Trong đó, tăng nổi bật có VCB +0,9% lên 71.900 đồng, GAS +1,4% lên 104.400 đồng, VRE +1,7% lên 36.400 đồng, MWG +2,7% lên 97.000 đồng, FPT +1% lên 46.750 đồng..., thanh khoản cũng tích cực từ 0,9-2,8 triệu đơn vị.

Ngược lại, các mã gây áp lực lên chỉ số có TCB -1% về 20.700 đồng và khớp 1,94 triệu đơn vị, HPG -1,8% về 21.350 đồng và khớp 6,3 triệu đơn vị, POW -1% về 14.500 đồng...

Với phiên tăng này, các mã cổ phiếu được chọn làm chứng quyền như MWG, FPT đã ngắt được chuỗi giảm liên tiếp vừa qua. Trong khi với HPG, đây là phiên giảm thứ 9 trong 12 gần nhất.

Đối với nhóm cổ phiếu thị trường, áp lực chốt lời khiến đa phần nhóm này giảm điểm như ROS FLC, SCR, ASM, KBC, HNG..., trong đó có ROS -0,5% về 29.250 đồng và khớp lệnh 11,39 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE. FLC -0,7% về 4.210 đồng và khớp 2,1 triệu đơn vị.

Một số mã tăng như HAG, AAA, HQC, DLG..., trong đó HAG +2,2% lên 5.610 đồng, khớp lệnh 7,9 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau ROS.

Trên sàn HNX, diễn biến lại tích cực hơn hẳn so với HOSE khi được nhiều mã vốn hóa lớn nâng đỡ, đồng thời dòng tiền cũng hoạt động tích cực.

Đóng cửa, với 79 mã tăng và 54 mã giảm, HNX-Index tăng 1,29 điểm (+1,24%) lên 105,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,64 triệu đơn vị, giá trị 350 tỷ đồng, tăng 53% khối lượng và 45% về giá trị so với phiên 8/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,4 triệu đơn vị, giá trị 53,6 tỷ đồng.

Việc HNX bật tăng mạnh trong phiên này có đóng góp từ mã vốn hóa lớn nhất sàn là ACB khi tăng mạnh 2,8% lên 29.800 đồng, cũng là mã có thanh khoản cao nhất sàn với 2,7 triệu đơn vị khớp lệnh. Cùng với đó là PVS +1,3% lên 23.600 đồng và khớp 2,15 triệu đơn vị, VCS +1,6% lên 69.100 đồng, PGS +3,3% lên 34.000 đồng...

SHB đứng giá tham chiếu 6.700 đồng và khớp 1,2 triệu đơn vị. Đây cũng là 1 trong mã 3 trên sàn HNX có thanh khoản tốt nhất.

Ngược lại, các VCG, NTP, PTI, PHP... giảm mạnh, trong đó PHP giảm sàn về 9.100 đồng (-9,9%).

Trên UPCoM, cho dù giằng co mạnh, sắc xanh cũng sớm xuất hiện và được duy trì trong hầu hết thời gian giao dịch, thanh khoản cũng tăng vọt.

Đóng cửa, với 106 mã tăng và 69 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+1,36%) lên 55,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 13,79 triệu đơn vị, giá trị 287 tỷ đồng, tăng 73% khối lượng và 126% về giá trị so với phiên 8/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,47 triệu đơn vị, giá trị gần 73 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cả 5 mã thanh khoản cao nhất sàn đều không tăng, trong đó 2 mã dẫn đầu là BSR với lượng khớp 1,11 triệu đơn vị, giảm -1,6% về 12.000 đồng và GVR khớp 1,03 triệu đơn vị, đứng giá 13.200 đồng. Ngoài ra, các mã như VIB, QNS, OIL, KLB, ACV cũng giảm điểm.

Một số mã tăng tốt có SDI, VGI, SEA, KOS, VEA....

Trên thị trường phái sinh, đối với sản phẩm phái sinh VN30, có 2 sản phẩm tăng giá là VN30F1907 (đáo hạn ngày 18/7) và VN30F1909 (đáo hạn 19/9), với mức tăng lần lượt là 0,11% và 0,06% lên 874,5 điểm và 882,2 điểm. Còn VN30F1908 (đáo hạn 15/8) và VN30F1912 (đáo hạn 19/12) cùng giảm 0,1% xuống tương ứng 878,8 điểm và 884,9 điểm.

Về thanh khoản, VN30F1907 là hợp đồng có thanh khoản tốt nhất với 118.178 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 25.613 hợp đồng.

Đối với sản phẩm phái sinh trái phiếu chính phủ, cả 3 mã gồm GB05F1901 (đáo hạn ngày 13/9/2019), GB05F1912 (đáo hạn ngày 13/12/2019) và GB05F2003 (đáo hạn ngày 13/3/2020) đều không có giao dịch.

Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 3 mã tăng là CMWG1901, CMWG1902 và CPNJ1901 là tăng điểm, mã CMBB1901 đứng giá, 6 mã còn lại đều giảm. Trong đó, CMWG1902 là mã tăng mạnh nhất với +5,26% lên 4.200 đồng, còn mã giảm mạnh nhất là CFPT1901 với -2% về 3.920 đồng.

Mã có thanh khoản mạnh nhất là CHPG1901 với 334.660 đơn vị được chuyển nhượng, kết phiên giảm 9,09% về 600 đồng.

CVNM1901 là mã bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất với 124.640 đơn vị, kết phiên giảm 3,33% về 1.160 đồng.

Tin bài liên quan