Phiên chiều 9/5: VHM thỏa thuận khủng, VN-Index giảm phiên thứ 6 liên tiếp

Phiên chiều 9/5: VHM thỏa thuận khủng, VN-Index giảm phiên thứ 6 liên tiếp

(ĐTCK) Tâm lý thận trọng cao độ trước diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến thị trường giao dịch trầm lắng và VN-Index có phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp. Thanh khoản tăng vọt trong phiên hôm nay chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, VN-Index mở cửa trong sắc xanh khi khá nhiều bluechips tăng điểm. Tuy nhiên, sự tích cực này không giữ được lâu khi tâm lý thận trọng bắt đầu gia tăng. Thị trường sau đó diễn biến giằng co quanh tham chiếu trước khi giảm điểm khi kết thúc phiên sáng.

Sáng nay, thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm trước lo ngại căng thẳng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang. Đây cũng được cho là nguyên nhân tác động đến TTCK Việt Nam, bên cạnh việc khối ngoại tiếp tục đà bán ròng.

Bước vào phiên chiều, áp lực bán gia tăng mạnh khiến VN-Index giảm nhanh về mức 945 điểm. Nhờ một số mã lớn còn tăng tốt nên đà giảm chỉ số được hãm lại phần nào khi kết phiên.

Đóng cửa, với 114 mã tăng và 179 mã giảm, VN-Index giảm 4,21 điểm (-0,44%) xuống 947,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 181,39 triệu đơn vị, giá trị gần 6.227,59 tỷ đồng, tăng 31% về khối lượng và 98% về giá trị so với phiên 8/5.

Thanh khoảng vọt tăng trong phiên này chủ yếu nhờ giao dịch thoả thuận, khi đóng góp hơn 66,53 triệu đơn vị, giá trị gần 3.839 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 34,483 triệu cổ phiếu VHM, giá trị xấp xỉ 3.000 tỷ đồng và 10 triệu cổ phiếu TCB, trị giá 245,5 tỷ đồng. Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận, giá trị khớp lệnh trên HOSE vẫn ở mức thấp, chỉ gần 2.400 đồng, phản ánh thực tế ảm đạm của thị trường.

Với VHM, dù được thỏa thuận khủng, song điều này không tác động tích cực lên thị giá khi kết phiên giảm 1,3% về 84.500 đồng và là một trong những mã tạo gánh nặng nhất lên chỉ số.

Các mã gây sức ép lớn khác có thể kể đến như GAS -2,2% về 106.600 đồng, BID -3,9% về 31.100 đồng, CTG -1,7% về 20.100 đồng, BVH -2,9% về 72.800 đồng, MBB -1,4% về 21.000 đồng...

Ở chiều ngược lại, các mã SAB +1,6% lên 246.000 đồng, VCB +0,6% lên 65.500 đồng, DHG +2% lên 32.320 đồng, EIB +5,2% lên 18.200 đồng, HDB +1,7% lên 26.750 đồng... giúp VN-Index hạn chế đà giảm.

Về mặt thanh khoản, rổ VN30 chỉ có 9 mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị, tính rộng trên toàn sàn là khoảng 30 mã. Trong số này, chỉ có 4 mã tăng, 2 mã đứng giá, còn lại là giảm điểm.

ROS khớp lệnh 9,7 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn và giảm 0,3% về 30.300 đồng. Tiếp đó là STB với 6,64 triệu đơn vị và PVD với 4,2 triệu đơn vị, giảm tương ứng 2,1% về 11.900 đồng và 0,3% về 19.800 đồng.

Sắc đỏ cũng phổ biến trên nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Đáng chú ý, VHG giảm sàn phiên thứ 4 liên tiếp về 1.150 đồng và là phiên sàn thứ 9 trong 10 phiên gần nhất. VHG khớp 1,18 triệu đơn vị. Tương tự, PPI có phiên giảm sàn thứ 8 liên tục về mức 800 đồng.

Ngược lại, KMR giữ vững sắc tím, đạt 3.500 đồng và là phiên trần thứ 4 liên tiếp, khớp lệnh 0,766 triệu đơn vị. Trong khi đó, DXG để mất sắc tím cuối phiên, kết phiên tăng 6,1% lên 19.000 đồng, qua đó chấm dứt chuỗi 7 phiên liên tục không tăng (trong đó có 6 phiên giảm), khớp lệnh 3,95 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sức cầu yếu ớt nên thanh khoản cũng trong trạng thái èo uột. Thiếu lực đỡ, nên mỗi khi áp lực gia tăng, đà giảm nhanh chóng được nới rộng.

Đóng cửa, với 71 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index giảm 0,65 điểm (-0,61%) xuống 105,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,31 triệu đơn vị, giá trị 251 tỷ đồng, giảm 10% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên 8/5. Trong đó, giao dịch thoả thuận không đáng kể.

Nhiều mã lớn giảm điểm đã tác động tiêu cực lên chỉ số chung, cho dù độ rộng thị trường cân bằng. Chẳng hạn, ACB -1,4% về 29.100 đồng, PVS -1,7% về 22.900 đồng, VCS -1,9% về 60.900 đồng., VGC -0,5% về 20.100 đồng..., các mã VCG, SHB, PVI... đứng giá.

Số ít mã lớn tăng tốt như NTP +1,5% lên 34.600 đồng, NVB +2,2% lên 9.200 đồng, TV2 +4% lên 149.100 đồng...

Trong rổ HNX30, chỉ có 2 mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị là PVS (3 triệu đơn vị) và SHB (1,43 triệu đơn vị), tính trên toàn sàn là 5 mã khi có thêm MST (2,84 triệu đơn vị), BII và ART, trong đó BII và ART cùng giảm sàn. MST tăng 5% lên 4.200 đồng.

Trên sàn UPCoM, diễn biến cũng kém tích cực trong phiên chiều khi đà giảm tăng dần về cuối phiên. Điểm đáng ghi nhận là thanh khoản tăng trở lại.

Đóng cửa, với 95 mã tăng và 72 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,41%) về 54,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11,78 triệu đơn vị, giá trị 188 tỷ đồng, tăng 47% về khối lượng và 38% về giá trị so với phiên 8/5. Trong đó, giao dịch thoả thuận đóng góp 4,5 triệu đơn vị, giá trị 69,8 tỷ đồng, trong đó có 3,4 triệu cổ phiếu HFS trị giá 39,1 tỷ đồng.

BSR là mã thanh khoản cao nhất sàn và cũng là mã duy nhất đạt mức khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị, nhưng giảm 1,5% về 13.100 đồng. Cùng trong sắc đỏ còn có QNS, ACV, LTG, DVN, MSR, SEA...

Ngược lại, các mã tăng như VGT, CTRSDI, VGG... thì thanh khoản không cao. Khá nhiều mã nhỏ trên sàn này tăng trần như VPC, VNA, TOP, BVG, CD), NNG...

Tin bài liên quan