Phiên chiều 4/2: CTG tăng trần, VN-Index tạm ngắt chuỗi giảm

Phiên chiều 4/2: CTG tăng trần, VN-Index tạm ngắt chuỗi giảm

(ĐTCK) Không còn tình trạng tháo chạy, tâm lý thị trường phiên hôm nay đã ổn định hơn giúp VN-Index có phiên tăng nhẹ, cho dù sức cầu không thực sự tốt. Góp công vào phiên tăng này của chỉ số là mức tăng trần của CTG.

Sau 3 phiên hoảng loạn, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ổn định trở lại trong phiên giao dịch hôm qua (3/2) khi mức giảm được thu hẹp rất đáng kể, từ mức giảm gần 45 điểm lúc đầu phiên về còn giảm hơn 8 điểm khi kết phiên. Đồng thời, lực cầu bắt đáy mạnh mẽ giúp thanh khoản tăng cao.

Sự tích cực này được kỳ vọng tiếp tục duy trì trong phiên hôm nay (4/2) và thực tế VN-Index đã sớm bật tăng ngay đầu phiên lên vùng 935 điểm. Tuy nhiên, sự hưng phấn không duy trì được lâu khi áp lực bán mạnh nhanh chóng xuất hiện trở lại, nhấn chỉ số giảm ngược về vùng 920 điểm. Dẫu vậy, việc cầu mua giá thấp xuất hiện đúng thời điểm VN-Index lùi sâu đã giúp chỉ số dần hồi trở lại sau đó, cho dù không thực sự tốt.

Cũng dễ hiểu cho sự dè dặt này của nhà đầu tư, bởi trong xu hướng giá xuống như hiện tại, việc mua đuổi là rất mạo hiểm, bởi bất kỳ lúc nào thị trường cũng có thể bị đạp đáy, dẫn đến tình trạng call margin. Hơn nữa, dịch cúm Corona – nguồn cơn gây hoảng loạn trên thị trường tài chính toàn cầu cũng như tại Việt Nam những phiên vừa qua đang diễn biến ngày một phức tạp khi số ca nhiễm bệnh và tử vong tăng lên.

Một phiên tăng nhẹ sau chuỗi phiên liên tiếp giảm mạnh chưa nói lên điều gì. Nhưng quan trọng là nhịp hồi này phần nào tạo tâm lý ổn định để kỳ vọng vào những phiên giao dịch tích cực hơn.

Đóng cửa, với 148 mã tăng và 187 mã giảm, VN-Index tăng 0,95 điểm (+0,1%) lên 929,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 197,68 triệu đơn vị, giá trị 3.941,56 tỷ đồng, giảm 28% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên 3/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,68 triệu đơn vị, giá trị gần 619 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, sự hồi phục của VN-Index phiên này có đóng góp lớn từ CTG nói riêng và nhóm ngân hàng nói chung. Sức cầu mạnh mẽ giúp CTG vọt tăng ngay từ đầu phiên và tăng kịch biên độ 7% trước khi đóng cửa, lên 26.900 đồng, khớp lệnh tới gần 15,8 triệu đơn vị và bên mua trắng lệnh, dẫn đầu thị trường.

Các mã VCB, BID, TCB, VPG, MBB, HDB, TPB tăng từ 1-4%, thanh khoản cao với lượng khớp từ 1-5 triệu đơn vị, riêng MBB khớp 9,46 triệu đơn vị, chỉ sau CTG.

Một số mã lớn khác cũng tăng tích cực để hỗ trợ chỉ số, trong đó VJC tăng 2,8% lên 129.800 đồng.

Ngược lại, các mã VNM, VRE, SAB, POW, BHN cùng giảm mạnh từ 3-5%, NVL và HVN giảm gần 2%..., tạo sức ép lớn lên chỉ số. Trong số này, POW khớp lệnh tốt nhất với 3,64 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường tiếp tục phân hóa mạnh. Các mã DLG, FLC, KBC, HAI, SCR, ASM, AMD, DIG, DIC… tăng điểm, trong đó DLG tăng trần lên 1.710 đồng với 8,57 triệu đơn vị được khớp, qua đó ngắt chuỗi 3 phiên giảm sàn liên tiếp trước đó.

Ngược lại, các mã LDG, HSG, ROS, JVC, HAG, ITA, HQC, HHS… giảm điểm, trong đó LDG và ROS cùng giảm sàn về tương ứng 6.120 đồng và 8.08 đồng, khớp lần lượt 5,74 triệu và 3,92 triệu đơn vị. Đây là phiên đo sàn thứ 3 liên tục của 2 mã này.

Trên sàn HNX, khác với sự chậm chạp trên HOSE, chỉ số HNX-Index đã bứt phá mạnh trong thời điểm cuối phiên ghi nhận mức tăng cao nhất ngày, cho dù thanh khoản chưa thực sự tích cực.

Đóng cửa, với 69 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index tăng 1,26 điểm (+1,25%) lên 102,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 30,98 triệu đơn vị, giá trị hơn 314 tỷ đồng, giảm 50% về khối lượng và 47% về giá trị so với phiên 3/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,18 triệu đơn vị, giá trị 23,9 tỷ đồng.

Sự ổn định của nhóm cổ phiếu trụ, đặc biệt là các mã vốn hóa lớn nhất như ACB, SHB và PVS, đã giúp sàn HNX hồi phục mạnh trong phiên này. ACB +2,7% lên 23.200 đồng, khớp 2,39 triệu đơn vị. PVS +0,7% lên 15.700 đồng, khớp 3,16 triệu đơn vị. SHB +4,6% lên 23.200 đồng, khớp 7,88 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn.

Các mã VCG, PVI, NVB, NTP… đứng giá tham chiếu. NVB khớp 2,4 triệu đơn vị. Ở chiều giảm, các mã VCS, CEO, PGS, SHS… giảm từ 2-4%, thanh khoản không cao.

Trên sàn UPCoM, đà tăng ổn định hơn so với 2 sàn niêm yết khi nhiều mã lớn trên sàn này tăng điểm, thanh khoản khá tích cực.

Đóng cửa, với 90 mã tăng và 53 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,37 điểm (+0,67%) lên 54,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 10,28 triệu đơn vị, giá trị hơn 173 tỷ đồng, giảm 30% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên 3/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,75 triệu đơn vị, giá trị 26,8 tỷ đồng.

Đa phần các mã lớn và có thanh khoản tích cực đều tăng điểm trong phiên này như BSR, LPB, VIB, CTR, GVR, VGI, QNS, VEA, OIL, MPC… Trong đó, BSR khớp 2,44 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn, tăng 5,5% lên 7.700 đồng.

EVF tăng trần lên 6.900 đồng với hơn 0,47 triệu đơn vị được sang tên.

DVN và ACV là 2 mã lớn giảm điểm, trong đó DVN giảm 11% về 12.900 đồng, qua đó chấm dứt chuỗi 13 phiên không giảm điểm, trong đó có 9 phiên tăng. ACV giảm 7,1% về 55.000 đồng.

Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tương lai tăng điểm, 1 giảm và 1 không có giao dịch. Trong đó, hợp đồng có kỳ hạn đáo hạn gần nhất ngày 20/2 là VN30F2002 tăng 0,14% lên 842,2 điểm với 194.912 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 19.494 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, số lượng mã tăng giảm cân bằng với cùng 22 mã và 2 mã đứng giá. Trong đó, CREE1905 giao dịch mạnh nhất với khối lượng khớp lệnh đạt 51.673 đơn vị, kết phiên giảm 5,38% về 1.230 đồng/CCQ.

Tin bài liên quan