Phiên chiều 3/12: Thương vụ của Masan - Vingroup níu thị trường

Phiên chiều 3/12: Thương vụ của Masan - Vingroup níu thị trường

(ĐTCK) Thị trường diễn biến không như mong đợi khi áp lực bán mạnh trở lại trong phiên chiều tập trung tại nhóm bluehips, đặc biệt tại cổ phiếu của MSN (Masan) và VNM khiến VN-Index có thêm một phiên giảm mạnh.

Sau phiên lao dốc đầu tuần, tâm lý nhà đầu tư tiếp tục bị đè nặng bởi ngay khi mở cửa phiên sáng nay 3/12, VN-Index lại giảm nhanh về ngưỡng 950 điểm trước áp lực bán lớn. Tuy nhiên, cũng tại mốc điểm này, cầu bắt đáy đã được khởi động và duy trì khá tích cực, qua đó giúp VN-Index dần hồi phục và vượt qua tham chiếu trước khi kết phiên sáng.

Những tưởng sự tích cực này sẽ tiếp tục duy trì trong phiên chiều, song diễn biến đã không như kỳ vọng. Áp lực xả mạnh một lần nữa được tung ra ngay khi bước vào phiên chiều, đẩy VN-Index rơi trở lại mốc 950 điểm. Khác với phiên sáng, cầu bắt lại tỏ ra dè dặt nên chỉ số không thể hồi phục và kết phiên ở mức sâu nhất ngày.

Phiên chiều ghi nhận đột biến từ giao dịch thỏa thuận với giá trị gần 4.200 tỷ đồng. Nếu ngoại trừ giao dịch này, giá trị khớp lệnh trên HOSE chỉ hơn 3.600 tỷ đồng và điều này phản ánh thực tế giao dịch trong phiên chiều nay.

Đóng cửa, với 129 mã tăng và 190 mã giảm, VN-Index giảm 5,88 điểm (-0,61%) về 953,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 264,93 triệu đơn vị, giá trị hơn 7.458 tỷ đồng, tăng 26% về khối lượng và 65% về giá trị so với phiên 2/12. Trong đó, dịch thỏa thuận đóng góp hơn 88,5 triệu đơn vị, giá trị 4.162,5 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 30 triệu cổ phiến VHM giá trị 2.754 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu bluechips tiếp tục chịu sức ép lớn trong phiên chiều nay. Đặc biệt là việc giảm sàn của MSN về mức 64.200 đồng và tiếp tục rời xa mức đáy 2 năm. MSN khớp lệnh 2,27 triệu đơn vị.

Tin tức đáng chú ý mới nhất liên quan tới MSN là Tập đoàn này vừa nhận sáp nhập VinEco và Vincommerce của Tập đoàn Vingroup. Ngày hôm qua, MSN công bố các thông tin liên quan đến niêm yết Masan MeatLife.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu họ Vin lại có diễn biến không quá tiêu cực khi VIC, VRE về tham chiếu, VHM giảm nhẹ.

Góp phần đè chỉ số còn có nhóm ngân hàng khi đa phần giảm điểm, trong đó VPB -4% về 18.700 đồng, VCB -1,8% về 82.000 đồng, STB -2,5% về 9.750 đồng, CTG -1% về 19.600 đồng. Các mã lớn giảm mạnh khác có PLX -1,4%, BVH -2,6%, POW -2,6%, VNM -1,6%...

Trong đó, cổ phiếu VNM có phiên giảm thứ 5 liên tiếp và phiên giảm thứ 8 trong 10 phiên gần nhất. Tính từ đầu tháng tháng 11 tới nay, cổ phiếu VNM đã mất 13,7% giá trị.

Ngược lại, các mã BID, HPG, HVN, MBB, MWG, PNJ… tăng khá tích cực, góp phần hãm bớt đà rơi của chỉ số. HPG khớp 9,33 triệu đơn vị, đứng thứ 2 HOSE; MBB khớp 3,26 triệu đơn vị…

Tại nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, song một số mã đã đi ngược thị trường như FLC, HAI, FIT, AMD, HSG, TCH, SCR, PDR… đi kèm thanh khoản tích cực. Đáng chú ý, thông tin FLC họp báo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu Bamboo Airways tiếp tục hỗ trợ nhóm cổ phiếu họ FLC cả về thanh khoản lẫn điểm số, trong đó HAI và FIT tăng trần. FLC khớp 6,59 triệu đơn vị, HAI là 5,27 triệu đơn vị, FIT là 2,44 triệu đơn vị. ROS phiên này khớp tới 32,29 triệu đơn vị và cũng đã về được tham chiếu 24.500 đồng khi kết phiên.

Trên sàn HNX, áp lực bán mạnh cũng khiến đà tăng tích lũy được trong phiên sáng suy giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, sàn này vẫn giữ được sắc xanh khi kết phiên.

Đóng cửa, với 62 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,17%) lên 101,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,1 triệu đơn vị, giá trị 364 tỷ đồng, tăng 13% về khối lượng và 39% về giá trị so với phiên 2/12. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 7,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 156 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn trên sàn HNX duy trì được đà tăng để giúp chỉ số HNX-Index trụ vững trước áp lực bán mạnh, đó là PVS +1,2% lên 16.900 đồng, VCS +0,8% lên 76.400 đồng, SHB +1,7% lên 6.000 đồng, các mã DGC, PHP, NTP… cũng đều tăng trên 1%.

Mã vốn hóa lớn nhất sàn ACB đứng giá tham chiếu 22.600 đồng. Tương tự là HUT, CEO, MBS, VCG, DDG, PVI… Các mã vốn hóa lớn giảm mạnh có NVB -1,1%, SHS -2,56%...

NVB dẫn đầu thanh khoản với 2,04 triệu đơn vị, các mã SHB, PVS, ACB, HUT và ART cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.

Một mã khác trong họ FLC là KLF cũng đạt được sắc tím, trong khi ART giảm nhẹ.

Trên sàn UPCoM, diễn biến giằng co khá mạnh quanh tham chiếu trong phiên chiều với phần lớn thời gian giữ sắc đỏ, nhưng đã may mắn thoát hiểm trong cuối phiên.

Đóng cửa, với UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%) lên 55,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,3 triệu đơn vị, giá trị 495 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chính yếu với 11,88 triệu đơn vị, giá trị hơn 364 tỷ đồng, phần lớn là 3,49 triệu cổ phiếu VCP, trị giá 227,4 tỷ đồng.

Đa phần các cổ phiếu lớn trên sàn UPCoM đều giảm điểm, song mức giảm không mạnh như BSR, GCR, VIB, LPB, OIL, VEA… Trong khi đó, các mã HTM, MCH, VRG… có được mức tăng tốt.

BSR và GVR là 2 mã có thanh khoản cao nhất với hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh, trong đó dẫn đầu là BSR với 1,49 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, giao dịch cũng không tích cực khi cả 4 hợp đồng kều kết phiên trong sắc đỏ. Trong đó VN30F1912 giảm 0,33% về 875,1 điểm, khối lượng giao dịch 131.387 đơn vị, khối lượng mở 18.228 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, có 19 mã giảm, 18 mã tăng và 2 mã đứng giá, trong đó CHPG1902 giảm điểm và khớp lệnh cao nhất đạt 278.113 đơn vị, tiếp theo là CHPG1905 khớp 65.105 đơn vị và tăng điểm.

Tin bài liên quan