Phiên chiều 30/10: Bluechip trợ lực, VN-Index cán mốc 1.000 điểm sau 7 tháng

Phiên chiều 30/10: Bluechip trợ lực, VN-Index cán mốc 1.000 điểm sau 7 tháng

(ĐTCK) Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực, VN-Index cũng chinh phục thành công ngưỡng kháng cự tâm lý lịch sử 1.000 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch hôm nay. Đây là lần đầu tiên sau 7 tháng, VN-Index đóng cửa ở mốc điểm lịch sử này.

Trong phiên sáng, sau ít phút giằng co đầu phiên, VN-Index đã dần leo lên và chinh phục ngưỡng kháng cự lịch sử 1.000 điểm nhờ sự hỗ trợ của VIC, VCB, VHM, VRE… Tuy nhiên, lực cầu yếu khiến VN-Index không thể giữ được ngưỡng điểm lịch sử này.

Ngay khi bước vào phiên chiều, lực cầu bất ngờ gia tăng tại nhiều mã, trong đó có các bluechip giúp sắc xanh lan tỏa và chiếm ưu thế so với sắc đỏ. VN-Index theo đó cũng được kéo nhẹ nhàng qua ngưỡng 1.000 điểm lên mức đỉnh của ngày 1.000,4 điểm. Ở vùng điểm này, lực cung gia tăng đẩy chỉ số này xuống. Dù vậy, nhờ lực đỡ của mã trụ, VN-Index cuối cùng vẫn giữ được mốc điểm lịch sử khi chốt phiên giao dịch hôm nay.

Chốt phiên, VN-Index tăng 5,02 điểm (+0,50%), lên 1.000,89 điểm với 173 mã tăng và 146 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 181,2 triệu đơn vị, giá trị 3.687 tỷ đồng, giảm 27% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 21 triệu đơn vị, giá trị 567,9 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên sau 7 tháng (kể từ ngày 20/3), VN-Index mới lại đóng cửa ở mốc 1.000 điểm.

Việc VN-Index giữ được mốc điểm lịch sử nhờ sự hỗ trợ của VIC, VCB, VHM, GAS, VRE, VJC, PLX và một số bluechip khác.

Trong đó, VIC tăng 1,53% lên 119.600 đồng, khớp 0,6 triệu đơn vị. VCB tăng 1,62% lên 87.800 đồng, khớp 0,6 triệu đơn vị. VHM tăng 1,37% lên 88.800 đồng, khớp 0,74 triệu đơn vị. GAS tăng 0,98% lên 103.200 đồng, khớp 0,34 triệu đơn vị. VRE tăng 1,99% lên 144.800 đồng, khớp 3,54 triệu đơn vị. VJC tăng 0,91% lên 144.800 đồng, khớp 0,71 triệu đơn vị…

Ngoài ra, còn phải kể đến sự hỗ trợ của SAB, TCB, CTG, NVL, MBB, POW, HDB, STB, TPB, PNJ… Trong khi đó, thị trường lại gặp lực cản từ VNM khi giảm 1,57% xuống 132.000 đồng, BID, HPG, MWG, VPB, HVN…

Với họ FLC, cặp đôi ROS và FLC vẫn duy trì sự trái chiều trong suốt phiên, nhưng ROS hãm bớt đà giảm và vươn lên là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, còn FLC thu hẹp đà tăng.

Chốt phiên, ROS giảm 1,17% xuống 25.300 đồng với 23,2 triệu đơn vị được khớp, còn FLC tăng nhẹ 1,8% lên 5.100 đồng với 18,2 triệu đơn vị.

Ngoài cặp đôi trên, SCR vẫn được sắc xanh và sự sôi động trong phiên chiều khi khớp 5,7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,14% lên 6.210 đồng. Tuy nhiên, gây ấn tượng nhất trong phiên chiều là cổ phiếu DLG. Sau khi công bố kết quả kinh doanh quý III tích cực đã khởi sắc với mức tăng trần lên 1.570 đồng với 7 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần khá lớn.

Cụ thể, theo Báo cáo kết quả kinh doanh vừa công bố, doanh thu lũy kế 9 tháng của DLG đạt 2.118 tỷ đồng, hoàn thành 66% kế hoạch năm, lợi nhuận cán mốc 96,2 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với lợi nhuận cùng kỳ năm trước, vượt 106% so với mục tiêu 9 tháng và hoàn thành 80% kế hoạch năm.

Trên HNX, với sự vững vàng của ACB và một vài mã bluechip khác, HNX-Index giữ vững đà tăng mạnh và đóng cửa nhỉnh hơn phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,21 điểm (+1,15%), lên 105,89 điểm với 65 mã tăng và 60 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 94,3 triệu đơn vị, giá trị 1.893 tỷ đồng, gấp 4,7 lần khối lượng phiên hôm qua và gấp 7,8 lần về giá trị so với phiên hôm qua. Tuy nhiên, sự đột biến về thanh khoản phiên hôm nay trên HNX đến chủ yếu từ giao dịch thỏa thuận khi đóng góp 66,9 triệu đơn vị, giá trị 1.510,7 tỷ đồng, trong đó ACB có tới 60,7 triệu đơn vị, giá trị 1.446,4 tỷ đồng được sang tay trong phiên thỏa thuận.

Không chỉ sôi động trong phiên thỏa thuận, ACB còn khởi sắc trong phiên khớp lệnh khi đóng cửa tăng 2,53% lên 24.300 đồng với 7,43 triệu đơn vị được khớp, vượt trôi so với phần còn lại. Ngoài ra, còn có PVS tăng 1,62% lên 18.800 đồng với 2,7 triệu đơn vị được khớp. NVB tăng 1,12% lên 9.000 đồng, khớp 1,18 triệu đơn vị. VCS tăng 0,23% lên 85.400 đồng, khớp 0,19 triệu đơn vị. SHB đứng tham chiếu 6.600 đồng, khớp 1,48 triệu đơn vị.

Ngoài ra, thanh khoản tốt còn có TIG với 2,15 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 6,38% xuống 4.400 đồng. KLF khớp 1,59 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 1.400 đồng.

Trên UPCoM, sau khi nới rộng đà tăng trong nửa đầu phiên chiều, UPCoM đã hồi trở lại trong nửa cuối phiên và đóng cửa hãm bớt đà giảm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,19%), xuống 56,26 điểm với 77 mã tăng và 81 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,6 triệu đơn vị, giá trị 199 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1 triệu đơn vị, giá trị 30 tỷ đồng.

Trên thị trường này chỉ duy nhất BSR khớp trên 1 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,04% xuống 9.600 đồng. Các mã lớn khác có sự phân hóa, nhưng cũng chủ yếu dao động trong biên độ hẹp.

Trên thị trường phái sinh, tất cả 4 hợp đồng đều tăng giá khi đóng cửa. Trong đó, hợp đồng có thời gian đáo hạn ngày 21/11 tăng 0,26% lên 928,4 điểm với 65.856 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở đạt 19.001 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sự phân hóa cũng diễn ra rõ nét. Chốt phiên hôm nay, có 17 mã tăng và 22 mã giảm, 2 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, CVRE1901 là mã có thanh khoản nhất với 626.310 đơn vị được khớp, đóng cửa ở mức tham chiếu 160 đồng. Tiếp đến là CVNM1901 với 580.230 đơn vị, đóng cửa giảm 17,54% xuống 470 đồng. CHPG1906 và CHPG1902 khớp trên 400.000 đơn vị và cũng đều đóng cửa giảm với mức giảm lần lượt là 28,57% xuống 50 đồng và 30% xuống 70 đồng.

Tin bài liên quan