Phiên chiều 29/3: Nỗi buồn ATC

Phiên chiều 29/3: Nỗi buồn ATC

(ĐTCK) Áp lực bán bất ngờ gia tăng trong đợt khớp ATC khiến thị trường đảo chiều giảm điểm. Trong đó, VHM là tác nhân chính đẩy VN-Index về mốc 980 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 29/3.

Sau khi chinh phục được mốc 980 điểm, thị trường tiếp tục duy trì đà tăng khi bước vào phiên sáng cuối tuần, tuy nhiên, tâm lý thận trọng khá lớn khiến VN-Index thiếu động lực để bật cao và chỉ giao dịch giằng co quanh mốc 985 điểm trong suốt cả phiên sáng.

Bước vào phiên chiều, sau hơn 40 phút giao dịch lình xình, áp lực bán dần xuất hiện đã đẩy VN-Index về sát mốc tham chiếu. Những tưởng thị trường thoát hiểm và sẽ lấy lại đà tăng trong thời gian còn lại nhưng đột biến đã diễn ra trong đợt khớp lệnh ATC.

Trong khi lực cầu vẫn giao dịch khá hạn chế thì áp lực chốt lời gia tăng mạnh và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip trong 15 phút cuối của phiên đã lấy đi sắc xanh của thị trường, chỉ số VN-Index lùi về mốc 980 điểm khi kết phiên.

Đóng cửa, sàn HOSE có 151 mã tăng và 146 mã giảm, chỉ số Vn-Index giảm 2,22 điểm (-0,23%) xuống 980,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 173,91 triệu đơn vị, giá trị 3.870,38 tỷ đồng, giảm 19,86% về lượng và 5,47% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đạt gần 42 triệu đơn vị, giá trị 853,8 tỷ đồng, trong đó GEX thỏa thuận 4,4 triệu đơn vị, giá trị 99,44 tỷ đồng; TCB thỏa thuận hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 111,55 tỷ đồng; VPB thỏa thuận 5,53 triệu đơn vị, giá trị 120,86 tỷ đồng; VRE thỏa thuận gần 4,1 triệu đơn vị, giá trị 141.72 tỷ đồng…

Mặc dù trong phiên sáng, cổ phiếu lớn VHM vẫn đóng vai trò hỗ trợ dù không còn giữ được phòng độ như phiên hôm qua, nhưng sang phiên chiều, áp lực bán gia tăng mạnh khiến cổ phiếu này đảo chiều giảm, đã trở thành “vật” cản thị trường. Với mức giảm 1,7%, cổ phiếu VHM đóng cửa tại mức giá thấp nhất ngày 91.500 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, người anh cả VIC cũng không còn duy trì đà tăng điểm và lùi về mốc giá tham chiếu 115.900 đồng/CP. Ngoài ra, các mã lớn khác như VNM, GAS, SAB, BVH nới rộng biên độ giảm hơn cũng tác động thiếu tích cực tới thị trường.

Mặt khác, ở nhóm ngân hàng, ngoại trừ VCB duy trì mức tăng gần 1% trong phiên sáng, còn lại đều tiến lại dần mốc tham chiếu hơn hoặc đảo chiều giảm như CTG, VPB, MBB.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, ITA sau diễn biến rung lắc trong suốt gần cả phiên đã hồi phục với mức tăng nhẹ 0,6% lên 3.230 đồng/CP nhờ lực cầu tăng mạnh, khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HOSE đạt 6,54 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã vừa và nhỏ khác như OGC, HSG, HAG, FLC, DLG, VHG… cũng có khối lượng khớp lệnh vài triệu đơn vị.

Cổ phiếu GTN tiếp tục đón nhận thêm phiên giảm sâu sau khi HĐQT ra Nghị quyết không chấp thuận cho VNM chào mua công khai cổ phiếu GTN. Kết phiên, GTN giảm 4% xuống 16.600 đồng/CP và khớp 545.030 đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng xuất hiện khiến thị trường rung lắc hớn, tuy nhiên dòng tiền tham gia khá tích cực đã giúp HNX-Index lấy lại sắc xanh.

Kết phiên, HNX-Index tăng 0,1 điểm (+0,09%) lên 107,44 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 31 triệu đơn vị, giá trị 439,1 tỷ đồng, tăng 20,72% về lượng và 8,69% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 12 triệu đơn vị, giá trị 195,66 tỷ đồng, trong đó riêng DNP thỏa thuận 6,75 triệu đơn vị, giá trị hơn 116 tỷ đồng.

Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đã diễn biến không mấy tích cực như phiên sáng khi ACB và VGC cùng quay về mốc tham chiếu, bên cạnh VCS duy trì sắc đỏ, cặp đôi lớn khác là SHB và PVS cũng chịu áp kwcj bán và quay đầu giảm.

Trong khi đó, VCG sau phiên lao dốc mạnh hôm qua đã nhanh chóng đảo chiều hồi phục và là một trong những điểm tựa hỗ trợ tốt cho thị trường. Kết phiên, VCG tăng 5,1% lên mức 27.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 4,24 triệu đơn vị, vươn lên vị trí dẫn đầu  về thanh khoản trên sàn HNX.

Trên UPCoM, diễn biến cũng rung lắc nhưng chỉ số UPCoM-Index đã hồi phục khá tốt về cuối phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,2%) lên 57,5 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 12,24 triệu đơn vị, giá trị 213,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,78 triệu đơn vị, giá trị 66,22 tỷ đồng, trong đó riêng KLB thỏa thuận 4 triệu đơn vị, giá trị 46 tỷ đồng.

BSR vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ khi giảm sâu hơn phiên sáng 1,55% và kết phiên tại mức giá 12.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 2,3 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, SVH bất ngờ giao dịch sôi động với khối lượng giao dịch đạt 3,33 triệu đơn vị và đóng cửa tại mệnh giá 10.000 đồng/CP.

Tin bài liên quan