Phiên chiều 24/9: ROS độc diễn

Phiên chiều 24/9: ROS độc diễn

(ĐTCK) Dù VN-Index giữ được sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn, nhưng thanh khoản thấp và cả thị trường dường như nhường sân cho ROS độc diễn.

Sau 2 phiên giảm liên tiếp, mất hơn 11 điểm, VN-Index hồi phục trở lại trong phiên sáng nay, lấy lại mốc 990 điểm nhờ sự hỗ trợ của một số mã ngân hàng lớn và VNM. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh so với phiên trước đó khi nhà đầu tư thận trọng chọn cách đứng ngoài để chờ đợi các thông tin từ bên ngoài.

Bước vào phiên chiều, đà tăng của VN-Index được nới rộng thêm, nhưng khi vừa vượt qua ngưỡng 991 điểm, lực cung gia tăng đã đẩy VN-Index trở lại. Trên bảng điện tử, sắc đỏ chiếm ưu thế so với sắc xanh, nhưng nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn, nên VN-Index vẫn giữ được sắc xanh nhạt khi đóng cửa phiên chiều với thanh khoản sụt giảm.

Chốt phiên, VN-Index tăng 2,38 điểm (+0,24%), lên 988,13 điểm với 144 mã tăng và 170 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 165 triệu đơn vị, giá trị 4.080,8 tỷ đồng, giảm 20,5% về khối lượng và 22,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá lớn với 45,46 triệu đơn vị, giá trị 1.407,8 tỷ đồng.

Dù chỉ lình xình dưới tham chiếu và chỉ có may mắn mới thoát khỏi sắc đỏ khi chốt phiên, nhưng phiên hôm nay có thể nói là màn “độc diễn” về giao dịch của ROS khi mã này có thanh khoản tới 17,45 triệu đơn vị, vượt trội so với các mã còn lại trên sàn.

Mã đứng thứ 2 về thanh khoản là “người anh em” FLC với 4,93 triệu đơn vị và đóng cửa tăng nhẹ 1,11% lên 3.650 đồng. Tiếp đến là ASM với 4,67 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,69% xuống 7.230 đồng.

Trong các mã lớn, VCB, VNM vẫn giữ được mức tăng tốt 2,03% lên 80.0600 đồng và 1,93% lên 126.900 đồng. Ngoài ra, VIC tăng 0,92% lên 120.100 đồng, VRE tăng 0,3% lên 33.800 đồng là những nhân tố giúp VN-Index giữ được sắc xanh.

Trong khi đó, áp lực bán cuối phiên khiến nhiều mã quay đầu hoặc nới rộng đà giảm như SAB, BID, TCB, CTG, PLX…

Trong khi đó, trên HNX, do không nhận được sự hỗ trợ của các mã lớn, nên sau khi nhảy vọt xác lập mức đỉnh trong những phút đầu phiên chiều, HNX-Index đã nhanh chóng bị đẩy ngược trở lại, giằng co quanh tham chiếu trước khi yêu đà dần trong nửa cuối phiên và đóng cửa trong sắc đỏ.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,36%), xuống 104,01 điểm với 62 mã tăng và 65 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,7 triệu đơn vị, giá trị 311 tỷ đồng, giảm 21% về khối lượng và giảm 12,3% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,1 triệu đơn vị, giá trị 55,8 tỷ đồng.

Thanh khoản trên sàn này cũng rất kém khi chỉ có 7 mã có khối lượng khớp trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 2 mã khớp trên 2 đơn vị là SHB (2,87 triệu đơn vị) và DST (2,2 triệu đơn vị). Tuy nhiên, cả 2 mã này đều giảm giá, thậm chí DST giảm sàn xuống 1.300 đồng, còn SHB giảm 1,52% xuống 6.500 đồng.

Mã có thanh khoản đứng thứ 3 là ART lại rất tích cực với 1,69 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa ở mức trần 2.000 đồng, còn dư mua giá trần và ATC.

Về giá, ngoài SHB, các mã lớn khác trên HNX cũng giảm giá trong phiên hôm nay như ACB giảm 0,43% xuống 23.200 đồng, VCS giảm 0,62% xuống 96.900 đồng, PVS giảm 0,49% xuống 20.200 đồng, PVI giảm 2,04% xuống 33.600 đồng.

Trên UPCoM, chỉ số chính của sàn này giao dịch trong sắc đỏ từ nửa cuối phiên sáng và hầu hết phiên chiều. Tuy nhiên, sau khi xác lập mức đáy của ngày, chỉ số này đã bật trở lại và đảo chiều thành công ngoạn mục.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (+0,33%), lên 56,87 điểm với 66 mã tăng và 97 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11 triệu đơn vị, giá trị 206 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,79 triệu đơn vị, giá trị 43,9 tỷ đồng.

Trên thị trường này cũng ghi nhận sự độc diễn về giao dịch của BSR khi đây là mã duy nhất khớp trên 1 triệu đơn vị. Chốt phiên, BSR khớp 2,4 triệu đơn vị, nhưng giảm 2,11% về giá, xuống 9.300 đồng.

Các mã hỗ trợ cho UPCoM-Index đảo chiều thành công là VEA, ACV, VIB, VGT, trong khi sắc đỏ ngoài BSR còn xuất hiện tại GVR, CTR, VGI, OIL, MSR, SDI.

Trên thị trường phái sinh, dù VN30 chỉ có mức tăng nhẹ chưa tới 0,1%, nhưng cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số này đều có mức tăng tốt. Trong đó, tăng mạnh nhất là VN30F1910 đáo hạn 17/10 với 0,32% lên 909,9 điểm, thanh khoản đạt 70.421 hợp đồng và khối lượng mở còn 16.320 hợp đồng.

Trong khi đó, hợp đồng tương lai trái phiếu cả 3 hợp đồng đều không có thanh khoản.

Trên thị trường chứng quyền, giống như thị trường cơ sở, số mã giảm chiếm ưu thế với 10 mã, trong khi chỉ có 5 mã tăng và 1 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CVNM1901 với 526.410 đơn vị, đóng cửa tăng 23,44% lên 790 đồng.

Tin bài liên quan