Phiên chiều 2/4: Bán mạnh cuối phiên

Phiên chiều 2/4: Bán mạnh cuối phiên

(ĐTCK) Lực bán gia tăng mạnh trong phiên chiều đã khiến VN-Index nhanh chóng quay đầu giảm điểm và đóng cửa phiên hôm nay (2/4) trong sắc đỏ.

Trong phiên sáng, VN-Index tăng khá mạnh khi mở cửa, thử thách ngưỡng 995 điểm, nhưng lực cung gia tăng đã khiên VN-Index hạ nhiệt lui về vùng 990 điểm khi chốt phiên.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau khoảng 30 phút giằng co quanh ngưỡng đóng cửa phiên sáng, lực cung gia tăng mạnh đã kéo VN-Index rơi gần như theo chiều thẳng đứng xuống ngưỡng 985 điểm trước khi nảy trở lại. Tuy nhiên, lực cung gia tăng trong đợt ATC đã khiến VN-Index một lần nữa đẩy VN-Index trở lại và đóng cửa với sắc đỏ sau phiên tăng tốt đầu tuần.

Chốt phiên, VN-Index giảm 2,72 điểm (-0,28%), xuống 985,81 điểm với 142 mã tăng và 150 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 236 triệu đơn vị, giá trị 4.934 tỷ đồng, tăng hơn 25% về khối lượng và 14,7% về giá trị so với phiên đầu tuần. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 96,6 triệu đơn vị, giá trị 2.148,5 tỷ đồng.

Áp lực bán mạnh khiến trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất chỉ có 3 mã giữ được sắc xanh nhạt khi chốt phiên, còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, giảm mạnh nhất là BID với mức giảm 1,97% xuống 34.800 đồng với 1,45 triệu đơn vị được khớp. Tiếp đến là SAB giảm 1,48% xuống 246.000 đồng, còn lại giảm nhẹ dưới 0,5%.

Liên quan đến BID, trong khi đa số các ngân hàng khác đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, thì ngân hàng này lại vừa có công văn xin UBCK gia hạn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018. UBCK cũng đã có văn bản chấp thuận cho BID được gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 trong thời gian 100 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, nhưng không quá 10 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký vào báo cáo tài chính.

Trong nhóm cổ phiếu lớn này, VRE là mã có thanh khoản tốt nhất với 3,25 triệu đơn vị và đóng cửa quay đầu giảm 0,28% xuống 36.000 đồng, trong khi phiên sáng tăng tốt 1,7% lên 36.700 đồng. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài giao dịch khá mạnh khi mua vào gần 1,19 triệu cổ phiếu và bán ra gần 1,02 triệu cổ phiếu (bán ròng 170.000 đơn vị).

Ngoài nhóm cổ phiếu lớn trên, nhiều cổ phiếu bluechip khác cũng giảm giá, trong đó các mã ngân hàng giảm khá mạnh. Cụ thể, CTG giảm 1,12% xuống 22.000 đồng, HDB giảm 2,54% xuống 28.800 đồng, STB giảm 1,61% xuống 12.200 đồng, EIB giảm 2,33% xuống 16.800 đồng, TPB giảm 1,55% xuống 22.250 đồng, VPB giảm nhẹ hơn khi chỉ mất 0,49% xuống 20.150 đồng. Ngoại trừ, MBB đi ngược xu hướng của nhóm khi tăng 0,22% lên 22.450 đồng với 3,13 triệu đơn vị.

Ngoài ra, sắc đỏ cũng xuất hiện tại nhiều mã bluechip khác, nhưng mức giảm không lớn, trong đó ROS giảm 0,62% xuống 31.950 đồng với 7,23 triệu đơn vị được khớp, đứng đầu trong nhóm.

Trong nhóm dầu khí, dù phiên sáng có mức tăng khá tốt nhờ phản ứng với diễn biến tăng mạnh của giá dầu thô thế giới, lên mức cao nhất năm 2019, nhưng trong phiên chiều, áp lực cung đã đẩy GAS và PLX quay đầu giảm giá, trong đó PLX giả khá mạnh 1,15% xuống 60.300 đồng. Tuy nhiên, với PVD, nhờ các thông tin tốt liên tiếp được công bố như điều chỉnh tăng 10 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán, kéo dài thời gian khấu hao giàn khoan thêm 15 năm, “tiết kiệm” hàng trăm tỷ đồng chi phí mỗi năm, hay trước đó là thông tin cho thuê các giàn khoan cho đối tác tại Malaysia, nên cổ phiếu PVD vẫn duy trì đà tăng tốt. Chốt phiên, PVD tăng 1,09% lên 18.600 đồng với 3,55 triệu đơn vị được khớp.

Nhóm cổ phiếu nhỏ cũng có sự phân hóa, nhưng biên độ dao động giá không lớn, chốt phiên cũng chỉ tăng/giảm nhẹ. Trong đó, ITA là mã có giao dịch sôi động nhất với 11,6 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HOSE và đóng cửa ở tham chiếu. Các mã DLG, FLC, HQC cũng có thanh khoản tốt với 5,35 triệu đơn vị, 4,64 triệu đơn vị và 3,47 triệu đơn vị, trong đó FLC và HQC tăng nhẹ, còn DLG giảm 3,85% xuống 1.750 đồng.

HBC sau khi đưa ra thông tin về kiểm soát chất lượng khoản phải thu và các khoản nợ, đã nhận được sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư khi đóng cửa tăng 0,77% lên 19.550 đồng với 2,57 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua ròng gần 0,6 triệu đơn vị.

Trên HNX, lực bán diễn ra sớm hơn nên HNX-Index cũng nhanh chóng chớm sắc đỏ sớm hơn VN-Index. Dù nỗ lực trở lại, nhưng trước lực cung lớn, trong khi sức cầu yếu, HNX-Index cũng đóng cửa trong sắc đỏ.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,22%), xuống 107,48 điểm với 76 mã tăng và 84 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,27 triệu đơn vị, giá trị 409,88 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,78 triệu đơn vị, giá trị 31 tỷ đồng.

Trên sàn này, nhóm cổ phiếu lớn có sự phân hóa, trong đó VCG với thông tin về đấu đá nội bộ giữa các cổ đông lớn khiến giá giảm mạnh 3,94% xuống 26.800 đồng với 1,9 triệu đơn vị được khớp.

Trước đó, trong phiên 28/3, thông tin về việc ngày 27/3, Tòa án Nhân dân quận Đống Đa có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1 tại Vinaconex đã khiến cổ phiếu VCG bị bán tháo, đẩy giá cổ phiếu lao dốc xuống mức sàn 25.700 đồng, làm vốn hóa bay 1.236 tỷ đồng.

Sau khi Vinaconex liên tiếp có các văn bản khiếu nại gửi Viện kiểm sát nhân dân quận Ba Đình và Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội, giá cổ phiếu VCG đã hồi phục trở lại trong 2 phiên 29/3 (+5,06%) và ngày 1/4 (3,33%), lấy lại gần hết những gì đã mất trong phiên 28/3.

Tuy nhiên, sau cuộc trao đổi báo chí chiều hôm qua (1/4) với những thông tin cho thấy các cổ đông lớn của Vinaconex đang có một khoảng cách khá lớn và khó tìm được tiếng nói chung trong thời gian sớm, khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ thất vọng, bản mạnh cổ phiếu VCG trong phiên hôm nay, đẩy giá cổ phiếu này giảm mạnh trở lại.

Cũng giảm giá còn có SHB mất 1,3% xuống 7.600 đồng với gần 1,9 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, PVS tăng 0,95% lên 21.200 đồng với 3,74 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HNX và VGC tăng 0,97% lên 20.800 đồng với 2,45 triệu đơn vị được khớp. ACB đứng giá tham chiếu 30.300 đồng với 1,18 triệu đơn vị được khớp.

Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, ART có giao dịch sôi động với 2,45 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa tăng 3,85% lên 2.700 đồng.

Trên thị trường UPCoM, chỉ số UPCoM-Index chủ yếu dao động trong sắc đỏ suốt phiên chiều, nhưng hãm bớt đà rơi trong nửa cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,29%), xuống 57,1 điểm với 108 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,29 triệu đơn vị, giá trị 317 tỷ đồng, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3 triệu đơn vị, giá trị 85,9 tỷ đồng.

Trên thị trường này chỉ có duy nhất BSR là mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị (1,84 triệu), đóng cửa tăng 0,79% lên 12.700 đồng.

Tin bài liên quan