Phiên chiều 23/9: Lực bán gia tăng, thị trường chìm trong sắc đỏ

Phiên chiều 23/9: Lực bán gia tăng, thị trường chìm trong sắc đỏ

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index chia tay ngưỡng 985 điểm dù nhận được sự hỗ trợ khá tích cực từ trụ cột VNM.

Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng trụ cột VNM đã giúp thị trường giao dịch hồi phục sắc xanh trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, biên độ tăng của các lực đỡ này chưa đủ mạnh để giúp VN-Index leo lên mức 995 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau 30 phút nỗ lực cầm cự, áp lực bán dần gia tăng khiến thị trường hạ độ cao và chỉ sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số này đã đảo chiều giảm điểm.

Đà giảm ngày càng nới rộng hơn trước áp lực bán dâng cao. Số mã giảm điểm chiếm áp đảo bảng điện tử, trong đó nhóm cổ phiếu bluechip cũng gia tăng sức ép, đẩy VN-Index về mốc 985 điểm.

Đóng cửa, trên sàn HOSE, cố mã giảm (207 mã) gấp hơn 2 lần số mã tăng (101 mã tăng), chỉ số VN-Index giảm 4,61 điểm (-0,47%) xuống 985,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 207,5 triệu đơn vị, giá trị 5.287,73 tỷ đồng, tăng 1,92% về lượng nhưng giảm 6,27% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (20/9).

Giao dịch thỏa thuận có đóng góp tích cực với 66,16 triệu đơn vị, giá trị 2.219,31 tỷ đồng, trong đó VHM thỏa thuận 5,6 triệu đơn vị, giá trị 498,4 tỷ đồng; MWG thỏa thuận 2,23 triệu đơn vị, giá trị 300,41 tỷ đồng…

Một trong những điểm tựa chính giúp thị trường duy trì đà tăng trong phiên sáng là dòng bank hầu hết đã đảo chiều giảm trong phiên chiều. Đáng kể, VCB giảm 2,5% xuống mức thấp nhất ngày 79.000 đồng/CP, TCB giảm 2,2% xuống 22.650 đồng/CP, BID, CTG, EIN cũng lần lượt điều chỉnh.

Bên cạnh đó, bộ 3 nhà Vin là VIC, VHM, VRE cũng lần lượt lùi về dưới mốc tham chiếu. Dù biên độ giảm không quá lớn nhưng cũng gia tăng sức ép cho thị trường bởi đều là các mã có vốn hóa lớn.

Trái lại, má phanh giúp thị trường không quá giảm sâu trước áp lực bán gia tăng mạnh không ai khác chính là VNM khi kết phiên tăng 2% và đứng tại mức giá 124.500 đồng/CP với thanh khoản tích cực, đạt hơn 1,56 triệu đơn vị.

Trong nhóm VN30, cặp đôi ROS và STB vẫn giao dịch sôi động nhất và cũng là các mã dẫn đầu thanh khoản thị trường. Cụ thể, ROS đã đảo chiều hồi nhẹ khi tăng 0,75% lên 27.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 18,13 triệu đơn vị.

Còn STB dù nhận thêm sự hỗ trợ từ nhà đầu tư ngoại khi được mua ròng hơn 2 triệu đơn vị nhưng áp lực bán trong nước khiến cổ phiếu này hạ độ cao. Kết phiên, STB tăng 1,93% lên mức 10.550 đồng/CP và khớp 10,25 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã quen thuộc như SCR, KBC, DXG… cũng giao dịch trong sắc đỏ. Trong đó, ASM cũng ngắt nhịp sau 5 phiên tăng mạnh khi quay đẩu giảm 4,3% xuống mức thấp nhất ngày 7.280 đồng/CP và khớp 4,66 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, ngay khi bước vào phiên chiều, sự nới rộng đà tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp HNX-Index vượt mốc 105 điểm, tuy nhiên ngưỡng kháng cự này đã không được giữ vững đến hết phiên.

Đóng cửa, với 42 mã tăng và 45 mã giảm, HNX-Index tăng 0,24 điểm (+0,23%) lên 104,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,54 triệu đơn vị, giá trị 284,5 tỷ đồng, giảm 7,03% về khối lượng và 3,14% về giá trị so với phiên 20/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,8 triệu đơn vị, giá trị 70,42 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường hạ độ cao là do các bluechip thu hẹp khoảng cách như ACB chỉ còn tăng 0,4% lên 23.300 đồng/CP, VCS chỉ tăng 0,6% lên 97.500 đồng/CP, SHB và PVS vẫn giữ mức tăng nhẹ 100 đồng/CP, còn PVI tăng 3,9% lên 34.300 đồng/CP.

Trái lại, NTP giảm 2,8% xuống 37.500 đồng/CP, DGC giảm 2,2% xuống 26.800 đồng/CP, PVB giảm 1% xuống 20.700 đồng/CP, VCG giảm 0,4% xuống 26.400 đồng/CP…

Top 5 mã dẫn đầu thanh khoản trên HNX gồm SHB khớp 3,42 triệu đơn vị, ACB khớp 2,87 triệu đơn vị, PVS khớp gần 1,7 triệu đơn vị, CEO khớp 1,28 triệu đơn vị, NVB khớp 1,13 triệu đơn vị.

Trong khi đó, trên UPCoM, diễn biến giằng co xuất hiện ngay khi bước vào phiên chiều và UPCoM-Index đã đảo chiều giảm do lực bán gia tăng.

Đóng cửa, với 29 mã tăng và 42 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,49%) xuống 56,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 7,86 triệu đơn vị, giá trị 133,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 3,39 triệu đơn vị, giá trị 64,34 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR tiếp tục nới rộng biên độ khi giảm gần 3,1% và kết phiên tại mức giá 9.400 đồng/CP, nhưng vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt 1,89 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng tác động thiếu tích cực tới thị trường như ACV giảm 0,8% xuống 76.400 đồng/CP, GVR giảm 2,2% xuống 13.500 đồng/CP, VGI giảm 2,5% xuống 30.900 đồng/CP…

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, cả 3 hợp đồng tương lai trái phiếu đều không có thanh khoản.

Còn với hợp đồng tương lai VN30, chỉ có duy nhất 1 mã giữ được đà tăng, còn lại 3 mã đảo chiều giảm. Trong đó, mã VN30F1910 đáo hạn ngày 17/10 vẫn dẫn đầu thanh khoản với 57.886 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 16.067 đơn vị, đóng cửa giảm 0,77% xuống 907 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, trong 16 mã đang niêm yết, chỉ có 1 mã tăng là CVNM1901, 2 mã đứng giá và có tới 13 mã giảm. Trong đó, có thanh khoản tốt nhất là CREE1901 với 43.271 đơn vị được giao dịch, tiếp đến là CHPG1904 với 32.672 đơn vị.

Tin bài liên quan