Phiên chiều 23/12: BID và VCB hướng đến đỉnh lịch sử, VN-Index vẫn lỗi hẹn mốc 960

Phiên chiều 23/12: BID và VCB hướng đến đỉnh lịch sử, VN-Index vẫn lỗi hẹn mốc 960

(ĐTCK) Mặc dù dòng bank giao dịch tích cực với điểm sáng là cặp đôi BID và VCB đang hướng đến vùng đỉnh lịch sử, nhưng VN-Index vẫn lỗi hẹn với mốc 960 điểm do áp lực bán gia tăng trong phiên chiều.

Mặc dù có chút ngập ngừng nhưng dòng tiền hoạt động tích cực cùng sự trở lại của dòng bank đã tiếp sức giúp VN-Index chinh phục thành công thử thách 960 điểm trong phiên sáng đầu tuần 23/12.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường có phần kém khởi sắc hơn do áp lực bán dần xuất hiện. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip với gánh nặng chính đến từ VNM và MSN đã đẩy VN-Index về dưới mốc 960 điểm, bất chấp cặp đôi nhà bank VCB – BID đang hướng đến đỉnh lịch sử.

Đóng cửa, sàn HOSE có 141 mã tăng và 162 mã giảm, VN-Index tăng 3,02 điểm (+0,32%), lên 959,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 241,52 triệu đơn vị, giá trị 4.740,53 tỷ đồng, tăng hơn 8,5% về khối lượng nhưng giảm 10,86% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (20/12). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 51,38 triệu đơn vị, giá trị 1.352,6 tỷ đồng.

Nhóm VN30 phân hóa với 17 mã tăng và 12 mã giảm, trong đó các cổ phiếu ngân hàng vẫn là điểm sáng với VCB +2,9% lên 90.900 đồng/CP, BID +4,7% lên 44.750 đồng/CP, CTG +1% lên 20.550 đồng/CP, TCB +1,3% lên 23.100 đồng/CP, STB +2% lên 10.200 đồng/CP; còn các mã SAB, HPG, NVL, MWG… chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%.

Ở chiều ngược lại, như đã nói ở trên, cặp đôi lớn VNM và MSN là lực cản chính khiến VN-Index lỗi hẹn với ngưỡng kháng cự 960 điểm. Trong đó, VNM -1,7% xuống mức thấp nhất ngày 118.000 đồng/CP, còn MSN -6,2% xuống gần mức giá sàn 51.600 đồng/CP. Như vậy, chỉ tính trong hơn 1 tháng qua (từ 8/11 đến nay), cổ phiếu MSN đã để mất tới gần 33%.

Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác cũng duy trì đà giảm nhẹ như VHM, VIC, VRE, BVH… ROS chưa thoát khỏi sắc đỏ nhưng biên độ đã thu hẹp đáng kể khi -0,2% và kết phiên tại mức giá cao nhất ngày 23.550 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 36,84 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu penny vẫn hoạt động tích cực. Trong đó, HQC +6% lên 1.230 đồng/CP và khớp 9,46 triệu đơn vị, FLC +0,4% lên 4.800 đồng/CP và khớp 9,44 triệu đơn vị, DLG +5,3% lên 1.800 đồng/CP và khớp 8,32 triệu đơn vị, KBC +1,6% lên 15.500 đồng/CP và khớp 5,82 triệu đơn vị…

Đáng kể, FIT, TSC, TTB, HCD cùng kết phiên tại mức giá trần với khối lượng khớp lệnh 1 vài triệu đơn vị và lượng dư mua trần khá lớn.

Trên sàn HNX, giao dịch giằng co khá mạnh, chỉ số HNX-Index liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu.

Đóng cửa, sàn HNX có 29 mã tăng và 40 mã giảm, HNX-Index giảm 0,07 điểm (-0,07%), xuống 102,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 28,85 triệu đơn vị, giá trị 254,38 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,28 triệu đơn vị, giá trị 220,84 tỷ đồng.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX, chỉ có duy nhất ACB giữ sắc xanh nhạt khi +0,4% lên 22.800 đồng/CP, 2 mã ngân hàng là SHB và NVB đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm.

Cụ thể, PVS -1,1% xuống 17.600 đồng/CP, VCG -0,4% xuống 27.000 đồng/CP, VCS -3% xuống 77.500 đồng/CP, DGC -1,2% xuống 25.500 đồng/CP, PHP -2% xuống 9.800 đồng/CP.

Dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX vẫn là mã penny KLF với khối lượng khớp vượt trội, đạt 7 triệu đơn vị và kết phiên tại mức giá trầm 1.900 đồng/CP.

Đứng ở vị trí tiếp theo, SHB khớp hơn 2 triệu đơn vị, còn các mã HUT, ACB, CEO, PVS cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sắc xanh chỉ duy trì trong ít phút khi bước sang phiên chiều đã nhanh chóng chuyển đỏ trước áp lực bán gia tăng.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,35%), xuống 55,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,6 triệu đơn vị, giá trị 99,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,95 triệu đơn vị, giá trị 135,75 tỷ đồng.

Sau tuần giảm khá sâu, cổ phiếu BSR đã hồi phục và có phiên giao dịch tích cực. Kết phiên, BSR +3,7% lên 8.400 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản với hơn 2 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Trong khi đó, GVR vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ khi -5,9% xuống 11.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,27 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tương lai tăng và 2 hợp đồng tương lại giảm, trong đó VN30F2001 vẫn dẫn đầu về thanh khoản với gần 76.690 đơn vị được khớp lệnh và đóng cửa -0,15% xuống 868.100 đồng/CP.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ quay trở lại với 28 mã giảm, trong khi chỉ còn 7 mã tăng và 3 mã đứng giá, với CHPG1909 khớp lệnh cao nhất đạt hơn 28.500 đơn vị và kết phiên giảm 4,51%, xuống 1.270 đồng.

Tin bài liên quan