Phiên chiều 21/10: Họ FLC bay cao, VN-Index rơi sâu

Phiên chiều 21/10: Họ FLC bay cao, VN-Index rơi sâu

(ĐTCK) Áp lực bán bất ngờ gia tăng mạnh trong đợt khớp ATC đã khiến thị trường cắm đầu đi xuống, chỉ số VN-Index bị đẩy xuống mức thấp nhất ngày. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu đầu cơ tiếp tục dậy sóng với hàng loạt mã nhỏ được kéo lên kịch trần.

Sau khi dẫm chân tại mốc 989 điểm trong 2 phiên cuối tuần qua, thị trường tiếp tục giao dịch khá ảm đạm trong phiên sáng đầu tuần 21/10. Bên cạnh trạng thái lình xình dưới mốc tham chiếu cùng diễn biến phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip trong suốt cả phiên sáng, các cổ phiếu “nhà FLC” vẫn tiếp tục dậy sóng lớn.

Bước sang phiên chiều, lực bán tiếp tục gia tăng đẩy VN-Index xuống mốc 985 điểm và một lần nữa chỉ số này đã bật ngược đi lên ngay lập tức. Dù chưa thể chạm mốc tham chiếu do lực cầu chưa đủ mạnh nhưng cũng giống phiên sáng, đà giảm đã thu hẹp đáng kể.

Tuy nhiên, kịch bản của phiên sáng đã không lặp lại khi áp lực bán ồ ạt gia tăng trong đợt khớp ATC đã khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index bị đẩy xuống mức thấp nhất ngày và chính thức chia tay ngưỡng kháng cự 985 điểm.

Chốt phiên, VN-Index giảm 5,64 điểm (-0,57%), xuống 983,56 điểm với 135 mã tăng và 173 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 200,33 triệu đơn vị, giá trị 4.140,07 tỷ đồng, tăng 14,85% về khối lượng và tăng 16,94% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 37,46 triệu đơn vị, giá trị 993,2 tỷ đồng, riêng GEX thỏa thuận 11,29 triệu đơn vị, giá trị 231,3 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn 9 mã tăng và có tới 19 mã giảm, trong đó một số mã giảm khá mạnh như BID giảm 2% xuống 39.300 đồng/CP, CTG giảm 1,6% xuống 21.250 đồng/CP, MSN giảm 1,3% xuống 75.000 đồng/CP, SAB giảm 2,8% xuống 245.000 đồng/CP, TCB giảm 2% xuống 23.900 đồng/CP, hay các mã VHM, VCB, VIC cũng điều chỉnh nhẹ.

Trong khi đó, VNM vẫn đi ngược xu hướng chung nhưng đà tăng đã thu hẹp đáng kể với biên độ chỉ 0,8% và kết phiên tại mức giá 133.600 đồng/CP và là mã đóng góp tích cực cho thanh khoản thị trường khi có hơn 2 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Bên cạnh đó, ROS vẫn là mã giao dịch vượt trội thị trường với hơn 24,96 triệu đơn vị được khớp lệnh. Lực cầu tăng mạnh cũng đã giúp ROS hồi phục thành công sau một tuần điều chỉnh, với mức tăng nhẹ 0,6% lên 25.600 đồng/CP.

Tâm điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu thị trường, bên cạnh các thành viên nhà FLC với FLC, HAI, AMD giữ vững sắc tím, các mã nhỏ khác như FTM, HAR, SKG, VOS, HVG… cũng được kéo lên trần với lượng dư mua trần khá lớn. Trong đó, FLC vẫn là tiêu điểm với khối lượng khớp gần 10,26 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 11,6 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng trong phiên chiều khiến thị trường giảm sâu hơn.

Trong nhóm HNX30, nhiều mã nới rộng biên độ giảm đã tác động khá mạnh tới thị trường như ACB giảm 2,9% xuống mức thấp nhất ngày 23.400 đồng/CP, DGC giảm 1,9% xuống 25.700 đồng/CP, MAS giảm 6,2% xuống 43.600 đồng/CP, TNG giảm 2,4% xuống 16.400 đồng/CP, SHB giảm 1,5% xuống 6.500 đồng/CP…

Trái lại, chỉ có 6 mã giữ được sắc xanh như VCS tăng 0,6% lên 85.700 đồng/CP, SLS tăng 2,9% lên 49.000 đồng/CP, SHS tăng 2,5% lên 8.200 đồng/CP, PVI tăng 0,9% lên 32.400 đồng/CP, NRC tăng 2,3% lên 22.500 đồng/CP.

Trong đó, SHB dẫn đầu thanh khoản sàn HNX với gần 4,54 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công. Tiếp theo đó là HUT khớp 3,48 triệu đơn vị, ACB khớp 2,74 triệu đơn vị, cặp đôi họ FLC là KLF và ART cùng khớp hơn 2,4 triệu đơn vị…

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,47 điểm (-1,39%), xuống 104,01 điểm với 32 mã tăng và 51 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 27,33 triệu đơn vị, giá trị 2711,7 tỷ đồng, tăng 16% về khối lượng nhưng giảm nhẹ gần 2% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,41 triệu đơn vị, giá trị 71,74 tỷ đồng.

Trên UPCoM, diễn biến khá rung lắc trong phiên chiều nhưng UPCoM-Index đã may mắn bảo toàn được đà tăng điểm.

Không chỉ các mã ngân hàng niêm yết giảm mạnh, cặp đôi nhà bank trên thị trường UPCoM cũng giao dịch thiếu tích cực với VIB giảm 2,8% xuống 17.600 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 1,88 triệu đơn vị; còn LPB giảm 1,3% xuống 7.500 đồng/CP với 491.900 đơn vị được giao dịch thành công.

Trong khi đó, BSR vẫn đứng giá tham chiếu với gần 1,5 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Ngoài ra, một số mã lớn cũng giao dịch thiếu tích cực như VGI giảm 1,9% xuống 31.500 đồng/CP, GVR giảm 0,7% xuống 13.500 đồng/CP, OIL giảm 1,8% xuống 10.700 đồng/CP, VEA giảm 1,9% xuống 52.100 đồng/CP, ACV giảm 0,8% xuống 77.500 đồng/CP…

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,24%), lên 56,6 điểm với 29 mã tăng và 29 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 7,61 triệu đơn vị, giá trị 142,2 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 259.319 đơn vị, giá trị 15,74 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều kết phiên trong sắc đỏ, trong đó, hợp đồng VN30F1911 đáo hạn 21/11/2019 giảm 0,36% xuống 918,1 điểm với 47.353 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 13.321 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm thế áp đảo với 14 mã giảm, trong khi chỉ có 4 mã tăng, 4 mã đứng giá. Trong đó, CVNM1901 vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 69.914 đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 7,87% lên 690 đồng. Trong đó, khối ngoại mua ròng 37.470 đơn vị.

Tiếp theo là CHPG1906 với 61.096 đơn vị được khớp, đóng cửa giảm 15% xuống 170 đồng.

Tin bài liên quan