Thị trường nhanh chóng đuối sức ngay khi thử thách ngưỡng 985 điểm do sức cầu khá yếu. Giao dịch diễn ra khá ảm đạm và buồn tẻ trong bối cảnh vắng bóng dòng tiền mạnh. Cùng với thanh khoản hạn chế, chỉ số VN-Index lình xình đi ngang trên mốc tham chiếu trong hơn 2/3 thời gian còn lại của phiên sáng.
Bước sang phiên giao dịch chiều, sau hơn 30 phút cầm cự sắc xanh, thị trường đã bị đẩy lùi về dưới mốc tham chiếu trước áp lực bán gia tăng. Tuy nhiên, áp lực bán không quá lớn, VN-Index chỉ biến động nhẹ dưới mốc tham chiếu và nhanh chóng bật ngược trở lại giúp chỉ số này bảo toàn mốc 980 điểm.
Đóng cửa, sàn HOSE khá phân hóa với 142 mã tăng và 147 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 1,03 điểm (+0,11%) lên 981,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 158 triệu đơn vị, giá trị 4.257,7 tỷ đồng, giảm 20,2% về lượng và 13,2% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (16/8).
Giao dịch thỏa thuận có đóng góp tích cực với 50,11 triệu đơn vị, giá trị gần 1.817,5 tỷ đồng, trong đó riêng VIC thỏa thuận 8 triệu đơn vị, giá trị 936 tỷ đồng.
Dòng bank có phần thiếu tích cực hơn khi chỉ còn CTG nhích nhẹ, BID duy trì đà tăng 1,8% lên 36.650 đồng/CP, còn lại đều lùi về dưới mốc tham chiếu, đáng kể là cặp đôi lớn VCB giảm 1,4% xuống 76.800 đồng/CP, TCB giảm 1,6% xuống 21.550 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các mã vốn hóa lớn hầu hết đều khởi sắc nhưng biên độ tăng khá khiêm tốn khiến, chỉ đủ giúp thị trường bảo toàn sắc xanh, như VNM tăng 0,6% lên 124.900 đồng/CP, VHM tăng 0,7% lên 84.100 đồng/CP, GAS tăng 0,9% lên 101.800 đồng/CP, MSN tăng 0,1% lên 77.100 đồng/CP…
Ở chiều ngược lại, mặc dù lực cầu sôi động giúp thanh khoản ROS tăng vọt nhưng áp lực bán khiến cổ phiếu này chưa thể thoát khỏi sắc đỏ và tiếp tục ghi nhận phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Kết phiên, ROS giảm 1,9% xuống mức 25.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt hơn 12,6 triệu đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý của thị trường trong phiên 19/8 chính là nhóm cổ phiếu bất động sản. Bên cạnh những mã quen thuộc giao dịch khởi sắc như KBC, DXG, NLG… đều tăng khá tốt, các mã IJC, HDC cũng được kéo lên trần với khối lượng khớp lệnh sôi động.
Trong đó, IJC kết phiên tại mức giá trần 15.450 đồng/CP và khớp 1,74 triệu đơn vị; còn HDC đứng tại mức giá 20.550 đồng/CP với khối lượng khớp 1,43 triệu đơn vị và dư mua trần 31.310 đơn vị.
Trên sàn HNX, áp lực bán cũng khiến HNX-Index rung lắc mạnh hơn và liên tục đổi sắc. Tuy nhiên, nhận tín hiệu xanh từ sàn HOSE, chỉ số này cũng đã may mắn thoát hiểm trong 30 phút cuối phiên.
Kết phiên, HNX-Index tăng 0,24 điểm (+0,23%) lên 102,58 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 17 triệu đơn vị, giá trị 274,1 tỷ đồng, cùng giảm hơn 24% cả về lượng và giá trị so với phiên cuối tuần trước (16/8). Giao dịch thỏa thuận đạt 3,98 triệu đơn vị, giá trị 49,8 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu HNX30 cũng diễn biến phân hóa. Bên cạnh ACB, PVI, PVS chỉ còn nhích nhẹ, SHB, PVB, HUT, SHS… lùi về mốc tham chiếu, thì VCS đã hồi phục tích cực sau khi bị điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần trước, với mức tăng 1,2% và kết phiên tại mức cao nhất ngày 90.600 đồng/CP.
Trái lại, VCG lại đảo chiều giảm sau phiên khởi sắc trước đó, nhưng biên độ giảm khá khiêm tốn. Cụ thể, VCG giảm 0,4% xuống 26.700 đồng/CP.
Trên sàn HNX, có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, bao gồm SHB khớp 2,15 triệu đơn vị, PVS khớp 1,26 triệu đơn vị và ACB khớp 1,21 triệu đơn vị. Đóng cửa, SHB đứng giá 6.300 đồng/CP, còn PVS tăng nhẹ 0,98% lên 20.600 đồng/CP, ACB tăng 0,46% lên 22.000 đồng/CP.
Giao dịch tương tự cũng diễn ra trên thị trường UPCoM khi chỉ số UPCoM-Index liên tục biến động lên xuống quanh mốc tham chiếu.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,05 điểm (+0,09%) lên 57,6 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,37 triệu đơn vị, giá trị 206,84 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 7,79 triệu đơn vị, giá trị hơn 384 tỷ đồng.
Một số mã lớn đóng vai trò trụ đỡ giúp sức cho thị trường bảo toàn sắc xanh như ACV tăng 1,5% lên 83.500 đồng/CP, MCH tăng 3,9% lên 86.000 đồng/CP, VGT tăng 1,1% lên 9.100 đồng/CP…
Trái lại, BCM giảm 0,6% xuống 31.800 đồng/CP, VEA giảm 5,2% xuống 49.300 đồng/CP, VGE giảm 1,3% xuống 36.900 đồng/CP…
Cổ phiếu BSR vẫn giữ vị trí dẫn đầu thanh khoản với hơn 1 triệu đơn vị được giao dịch thành công và đóng cửa tăng nhẹ 1% lên mức 9.700 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai VN30 tăng giá và 1 hợp đồng giảm, trong đó VN30F1909 vẫn dẫn đầu thanh khoản với 83.239 hợp đồng được giao dịch thành công, khối lượng mở 12.162 hợp đồng.
Trong khi đó, cả 3 hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ đều không có giao dịch.
Trên thị trường chứng quyền, có 8 mã giảm, 4 đứng giá và 4 mã tăng giá. Trong đó, CMWG1903 đứng giá tham chiếu và dẫn đầu về thanh khoản với 42.596 đơn vị được chuyển nhượng; tiếp theo là CVNM1901 khớp 32.181 đơn vị.