Phiên chiều 18/2: Cổ phiếu vốn hóa lớn đè thị trường, VN-Index mất mốc 930 điểm

Phiên chiều 18/2: Cổ phiếu vốn hóa lớn đè thị trường, VN-Index mất mốc 930 điểm

(ĐTCK) Mặc dù số lượng mã giảm không áp đảo so với số mã tăng, nhưng việc nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực nên đà giảm được nới rộng và VN-Index ghi nhận phiên giảm khá mạnh gần 7 điểm.

Thị trường mở cửa phiên sáng nay với áp lực không lớn, song việc nhà đầu tư không mạnh dạn xuống tiền, mà chủ yếu là rình rập khiến hoạt động giao dịch không mấy sôi nổi. Trong khi đó, sức ép ở nhóm cổ phiếu lớn tăng dần.

Ngay đầu phiên chiều, lệnh bán mạnh xuất hiện tại hàng loạt mã lớn kéo VN-Index rơi nhanh, có thời điểm VN-Index đã giảm hơn 8 điểm. Tại mỗi nhịp giảm mạnh, cầu bắt đáy mới bắt đầu hoạt động.

Tuy nhiên, cũng như nửa cuối phiên sáng, sức mua không thực sự mạnh nên sự hồi phục của VN-Index là không nhiều.

Đóng cửa, với 162 mã tăng và 175 mã giảm, VN-Index giảm 6,84 điểm (-0,74%) xuống 927,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 187,75 triệu đơn vị, giá trị 3.549 tỷ đồng, tăng 3% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên 17/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 23,4 triệu đơn vị, giá trị 813,8 tỷ đồng.

Áp lực bán gia tăng tại nhóm cổ phiếu lớn khiến đa phần giảm điểm, tạo sức ép lớn lên chỉ số. Giảm mạnh nhất có thể kể tới VIC -3,2% về 104.500 đồng, VRE -2,7% về 30.550 đồng, SAB -4,3% về 178.000 đồng, các mã GAS, HPG, VNM, BHN… giảm khoảng 2%.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng diễn biến phân hóa nên không hỗ trợ nhiều cho chỉ số. Các mã CTG, VPB, BID, EIB tăng giá, trong khi STB, MBB, TCB, HDB giảm giá, còn VCB, TPB đứng giá.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu bán lẻ ghi nhận đà tăng tốt. FPT +3,3% lên 56.000 đồng, MWG +1,3% lên 108.900 đồng, PNJ +1,6% lên 83.700 đồng.

Về thanh khoản, STB dẫn đầu sàn với 8,5 triệu đơn vị được khớp, giảm 0,9% về 11.550 đồng. Các mã HPG, CTG cùng khớp trên 7 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ chiếm thế chủ đạo, trong đó có các mã FLC, DLG, ROS, DXG, AAA, NLG, GTN… ROS phiên này giảm sàn về 7.970 đồng và là phiên sàn thứ 3 liên tiếp, thanh khoản nằm trong nhóm cao nhất sàn khi khớp lệnh gần 6,7 triệu đơn vị. DLG khớp lệnh chỉ sau STB, đạt 7,99 triệu đơn vị.

Một số mã thị giá nhỏ đi ngược thị trường với mức tăng trần là LMH, AMD, DRH, HAR, cùng thanh khoản cao từ 1-3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến giằng co mạnh diễn ra trong suốt phiên giao dịch, nhất là tại những thời điểm cuối phiên. Tuy nhiên, việc sức cầu tốt và những mã có ảnh hưởng lớn nhất không giảm điểm nên sắc xanh dược duy trì.

Đóng cửa, với 77 mã tăng và 64 mã giảm, HNX-Index tăng 0,51 điểm (+0,46%) lên 110,07 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 28,5 triệu đơn vị, giá trị 403,1 tỷ đồng, tương đương về khối lượng, nhưng tăng 23% so với phiên 17/2. Giao dịch thỏa thuận có thêm 15,68 triệu đơn vị, giá trị 466,6 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu đến từ thỏa thuận 14,64 triệu cổ phiếu ACB ở mức giá trần 29.000 đồng, giá trị 424,66 tỷ đồng.

Có thể nói ACB chính là điểm sáng nhất trên thị trường phiên hôm nay. Ngoài được thỏa thuận mạnh, ACB cũng là mã khớp lệnh nhiều nhất trên HNX với 6,28 triệu đơn vị, tăng gần 1% lên 26.600 đồng.

Cùng ACB hỗ trợ chỉ số sàn này có thể kể tới VCS +2,7% lên 77.000 đồng, NTP +7% lên 31.000 đồng, TNG +2,6% lên 16.300 đồng… TNG khớp lệnh 1,03 triệu đơn vị.

SHB và PVS phiên này giảm điểm, trong khi NVB đứng giá. Cùng với TIG, đây là 4 mã có thanh khoản cao còn lại trên HNX. SHB khớp lệnh 4,3 triệu đơn vị, chỉ sau ACB. NVB khớp 1,9 triệu đơn vị. TIG và PVS cùng khớp trên 1 triệu đơn vị. TIG +1,5% lên 6.800 đồng.

Trên sàn UPCoM, sự giằng co mạnh cũng diễn ra trong phiên, song khác với HNX, việc yếu đà của các mã lớn trong thời điểm cuối phiên khiến sàn này giảm điểm đáng tiếc, cho dù số mã tăng chiếm ưu thế.

Đóng cửa, với 95 mã tăng và 73 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,02%) về 56,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 9,81 triệu đơn vị, giá trị 138 tỷ đồng, tăng 26% về khối lượng và 24% về giá trị so với phiên 17/2. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6,44 triệu đơn vị, giá trị gần 259 tỷ đồng, với chủ yếu là hơn 3,21 triệu cổ phiếu VCP, trị giá 175,3 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn trên sàn này phân hóa mạnh nên không hỗ trợ nhiều cho chỉ số. Trong khi VIB, LPB, BSR, VGI, OIL, LTG, ACV, QNS… giảm điểm, thì GVR, CTR, VGT, DVN, MPC… tăng điểm.

Tuy nhiên, 2 mã có thanh khoản mạnh nhất sàn đều giảm. VIB khớp lệnh 1,5 triệu đơn vị, giảm 2,7% về 17.900 đồng. LPB khớp lệnh 1,3 triệu đơn vị, giảm 1,4% về 7.200 đồng.

MPC phiên này được thỏa thuận hơn 2 triệu đơn vị, khớp lệnh chỉ 16.300 đơn vị, tăng 3,9% lên 23.900 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm. Trong đó, mã có thời hạn đáo hạn gần nhất (ngày 20/2) là VN30F2002 được giao dịch mạnh nhất với 74.707 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 15.692 hợp đồng, đóng cửa giảm 0,9% về 856 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, có 13 mã tăng, 6 mã đứng giá và 27 mã giảm. Trong đó, mã CHPG2003 có thanh khoản cao nhất với 249.064 đơn vị được khớp, đóng cửa giảm 36,24% về 95 đồng/CQ.

Tin bài liên quan