Phiên chiều 18/10: Thị trường rung lắc, FLC vẫn dư mua trần chất đống

Phiên chiều 18/10: Thị trường rung lắc, FLC vẫn dư mua trần chất đống

(ĐTCK) Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip phân hóa trong biên độ hẹp khiến thị trường diễn biến lình xình và khá ảm đạm, thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tiếp tục dậy sóng. Đáng kể, FLC tiếp tục có phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp với lượng dư mua trần chất đống.

Mặc dù thị trường đã đảo chiều hồi phục nhưng với phần lớn bluechip khởi sắc trong biên độ tăng hẹp nên VN-Index chỉ nhúc nhắc quanh ngưỡng 990 điểm trong suốt cả phiên giao dịch sáng cuối tuần 18/10.

Bước sang phiên chiều, sau hơn 1 giờ nỗ lực kéo thị trường đi lên trong bối cảnh dòng tiền tham gia khá yếu, chỉ số VN-Index đã dần thu hẹp đà tăng và quay đầu điều chỉnh trước áp lực bán gia tăng.

Chốt phiên, VN-Index giảm 0,62 điểm (-0,06%), xuống 989,2 điểm với 146 mã tăng và 165 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 174,42 triệu đơn vị, giá trị 3.540,39 tỷ đồng, giảm 8,92% về khối lượng và giảm 12,28% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,94 triệu đơn vị, giá trị 599,39 tỷ đồng.

Dòng bank đóng vai trò là lực hãm chính khi hầu hết đều giao dịch trong sắc đỏ, đáng kể BID giảm 1,7% xuống 40.100 đồng/Cp, CTG giảm 1,4% xuống 21.600 đồng/CP, các mã khác như VCB, MBB, STB, VPB đều giảm nhẹ.

Bên cạnh đó, nhiều mã bluechip khác cũng giao dịch thiếu tích cực như MSN giảm 1,3% xuống 76.000 đồng/CP,  NVL giảm 0,3% xuống 60.100 đồng/CP, SAB giảm 0,4% xuống 252.100 đồng/CP… hay GAS, VIC, HPG đứng giá tham chiếu.

Cổ phiếu ROS tiếp tục có thêm phiên điều chỉnh nhẹ khi giảm 0,2% xuống 25.450 đồng/CP nhưng vẫn là mã có thanh khoản vượt trội, đạt 24,18 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, cổ phiếu lớn VNM đóng vai trò là trụ đỡ chính hãm đà giảm sâu của thị trường khi tiếp tục nới rộng biên độ, đạt 1,1% và kết phiên tại mức giá 132.500 đồng/CP.

Ngoài ra, VHM sau nhiều phiên liên tiếp điều chỉnh cũng đã tiếp tục khởi sắc khi tăng 0,6% lên mức 87.000 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC vẫn là điểm nóng khi có tới hơn 14,1 triệu cổ phiếu dư mua trần. Kết phiên, FLC vẫn giữ mức giá trần 4.630 đồng/CP và đứng thứ 2 về thanh khoản sau ROS, đạt hơn 16,7 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã vừa và nhỏ khác như HAX, FIT, FTM, KMR… cũng kết phiên trong sắc tím.

Trên sàn HNX, sau diễn biến lình xình dưới mốc tham chiếu trong gần 1 giờ giao dịch, chỉ số HNX-Index đã bị đẩy lùi sâu hơn bởi tác động thiếu tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,59 điểm (-0,55%), xuống 105,48 điểm với 34 mã tăng và 34 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,56 triệu đơn vị, giá trị 276,52 tỷ đồng, tăng 28% về khối lượng và 5,95% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,72 triệu đơn vị, giá trị 34,14 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30 chỉ có 3 mã DGC, VMC, HHG tăng nhẹ 100 đồng/CP, còn lại đều đứng giá hoặc điều chỉnh.

Đáng kể, một số mã lớn suy giảm, là tác nhân chính khiến thị trường nới rộng biên độ giảm như ACB giảm 1,23% xuống 24.100 đồng/CP, PVI giảm 1,83% xuống 32.100 đồng/CP, SHB giảm 1,49% xuống 6.600 đồng/CP, VCS giảm 1,5% xuống 85.200 đồng…

Thêm vào đó, TNG giảm 4% xuống 16.700 đồng/CP, MAS giảm 3,13% xuống 46.500 đồng/CP, SHS giảm 2,44% xuống 8.000 đồng/CP, BVS giảm 1% xuống 10.700 đồng/CP, NTP giảm 1,8% xuống 39.000 đồng/CP…

Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm SHB khớp hơn 2,7 triệu đơn vị, TNG khớp 2,12 triệu đơn vị, HUT khớp hơn 2 triệu đơn vị, ACB khớp 1,86 triệu đơn vị, KLF khớp 1,47 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, diễn biến thị trường giao dịch khá giằng co và liên tục đổi sắc.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,01 điểm (-0,02%), xuống 56,46 điểm với 30 mã tăng và 26 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,97 triệu đơn vị, giá trị 98,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 47,7 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR giao dịch khá giằng co nhưng đã hồi phục sau phiên điều chỉnh hôm qua khi tăng 1,05% lên 9.600 đồng/CP và là mã dẫn đầu thanh khoản với hơn 1 triệu đơn vị được giao dịch thành công.

Trong khi đó, nhiều mã lớn vẫn giao dịch thiếu tích cực như VIB giảm 1,65% xuống 17.900 đồng/CP, GVR giảm 0,74% xuống 13.500 đồng/CP, VGI giảm 0,93% xuống 31.900 đồng/CP, VEA giảm 1,86% xuống 52.800 đồng/CP, MSR giảm 1,18% xuống 16.700 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều kết phiên trong sắc đỏ, trong đó, hợp đồng VN30F1911 đáo hạn 21/11/2019 giảm 0,31% xuống 921,4 điểm với 49.030 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 8.658 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm thế áp đảo với 14 mã giảm, trong khi chỉ có 6 mã tăng, 2 mã đứng giá. Trong đó, CVNM1901 vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 100.288 đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 1,59% lên 640 đồng. Trong đó, khối ngoại mua ròng tới 70.325 đơn vị.

Tiếp theo là CHPG1906 với 61.096 đơn vị được khớp, đóng cửa giảm 15% xuống 170 đồng.

Tin bài liên quan