Phiên chiều 18/10: Bắt đầu bắt đáy

Phiên chiều 18/10: Bắt đầu bắt đáy

(ĐTCK) Sự hồi phục mạnh của "ông lớn" VNM đã giúp VN-Index giữ vững mốc 680 điểm. Đáng chú ý, hoạt động bắt đáy đã diễn ra tại một số mã cổ phiếu nhỏ bị bán tháo mạnh thời gian qua trên HNX như G20, DPS.

Trong phiên giao dịch sáng nay, áp lực bán gia tăng trên diện rộng đẩy thị trường suy giảm mạnh, chỉ số VN-Index hầu hết đứng ở dưới mốc tham chiếu trong suốt thời gian giao dịch. Tuy nhiên, thị trường đã thoát hiểm trong phút cuối nhờ lực đỡ từ một số mã lớn như VNM, MSN, BVH, VCB.

Mặc dù giao dịch vẫn khá thận trọng, thanh khoản chưa có dấu hiệu cải thiện, nhưng thành quả trong phút cuối của phiên sáng cùng các báo cáo tài chính quý III/2016 của các doanh nghiệp đang dần hé mở giúp nhà đầu tư kỳ vọng hơn trong phiên chiều.

Bước vào phiên giao dịch chiều, sau 1 giờ giao dịch lình xình đi ngang, lực cầu hấp thụ gia tăng giúp thị trường tiếp tục nới rộng đà tăng điểm. Trong đó, điểm tựa chính của thị trường là mã lớn VNM và BVH.

Cụ thể, sau diễn biến thiếu tích cực trong gần hết phiên sáng và dần hồi phục nhẹ ở cuối phiên sáng, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp “ông lớn” VNM tăng tốc, lên mức cao nhất trong ngày và lấy lại được những gì đã mất trong phiên trước đó. Với mức tăng 1.800 đồng (+1,3%), VNM đã đóng cửa ở mức giá 144.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 0,88 triệu đơn vị.

Ngoại trừ VNM và BVH tăng khá mạnh, còn lại các mã bluechip còn giao động trong biên độ hẹp khiến thị trường thiếu động lực để bứt phá mạnh.

Cổ phiếu có thị giá cao MWG tiếp tục thăng hoa, thậm chí có thời điểm tiến sát trần bất chấp Samsung “khai tử” Galaxy Note 7. Với mức tăng 6.700 đồng (+4,7%), MWG đứng ở mức giá 150.000 đồng/CP và khớp lệnh 268.420 đơn vị.

Bên cạnh đó, với phân tích khá tích cực trong quý III cùng kỳ vọng khởi sắc trong quý IV của giá cao su, BSC đã nhận định cơ hội đầu tư tốt đối với nhóm cổ phiếu này. Diễn biến các cổ phiếu trong nhóm cao su trong phiên hôm nay khá khởi sắc, cụ thể, PHR tăng 0,5%, DPR tăng 2,2%, TNC tăng 2,1%, TRC tăng 1,2%, VHG tăng 3,6%.

Ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, dù chưa lấy lại đà tăng, nhưng lực cầu bắt đáy đã có dấu hiệu gia nhập, giúp các mã này có thanh khoản khá tốt. Trong đó, FLC tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu về thanh khoản với 20,56 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công.

Trong khi đó, áp lực bán gia tăng mạnh khiến ROS có thời điểm lùi về sáp giá sàn, tuy nhiên, lực cầu hoạt động tốt đã giúp cổ phiếu này hãm đà giảm. Với mức giảm 3,1%, ROS đứng ở mức 55.500 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 0,87 triệu đơn vị. 

Đóng cửa, sàn HOSE đã cân bằng hơn với 116 mã tăng và 131 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 1,07 điểm (+0,16%) lên 682,02 điểm. VN30-Index tăng 2,86 điểm (+0,44%) lên 653,32 điểm với 14 mã tăng, 12 mã giảm và 4 mã đứng giá.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 132,56 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.527,76 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận có đóng góp lớn với 31,66 triệu đơn vị, giá trị 928,79 tỷ đồng. Ngoài STG, phiên chiều còn có thỏa thuận của hơn 14,17 triệu cổ phiếu VIC, giá trị 602,94 tỷ đồng.

Tương tự, sự hồi phục của các mã lớn như VCG, PVS, ACB cùng đà tăng mạnh của SBC và CEO đã giúp HNX có được sắc xanh về cuối phiên, dành lại mốc 85 điểm.

Với 93 mã tăng và 83 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0,04 điểm (+0,04%) lên 85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,66 triệu đơn vị, giá trị 470,53 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,62 triệu đơn vị, giá trị 35,15 tỷ đồng.

Lực cầu bắt đáy tại một số mã nhỏ bị bán tháo mạnh trong mấy phiên trước đã chảy mạnh trong phiên hôm nay, giúp hấp thụ phần nào lượng dư bán sàn tại nhiều mã, thậm chí G20 và DPS đã trở lại mức giá trần với dư mua trần còn rất lớn. Trong đó, DPS được khớp gần 6 triệu đơn vị, lớn nhất trên sàn HNX. Tiếp đến là HKB và PVX với hơn 5,7 triệu và hơn 4,4 triệu đơn vị được khớp, trong đó HKB vẫn ở mức giá sàn, còn PVX duy trì đà tăng trần.

Ngoài ra, trên sàn HNX còn có 10 mã khác có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị.
Tin bài liên quan