Phiên chiều 17/12: Tâm lý bất an, nhà đầu tư xả hàng ồ ạt

Phiên chiều 17/12: Tâm lý bất an, nhà đầu tư xả hàng ồ ạt

(ĐTCK) Những thông tin tiêu cực về kinh tế toàn cầu khiến giới đầu tư trong nước mất kiên nhẫn xả hàng ồ ạt trong phiên chiều này (17/12) kéo cả 2 sàn lao dốc mạnh.

Mặc dù thị trường được dự báo sẽ giao dịch khởi sắc trong tháng cuối cùng của năm 2018 nhưng sau phiên giao dịch bùng nổ ngày đầu tiên của tháng, diễn biến càng trở nên khó khăn hơn. Dòng tiền tham gia thận trọng trong khi áp lực bán tập trung vào các cổ phiếu bluechip khiến thị trường giằng co và mất điểm.

Đáng kể là phiên giao dịch hôm nay ngày 17/12, thị trường phản ứng khá tiêu cực khi cuối tuần trước chứng khoán Mỹ giảm trên 2% và các quỹ ETF sẽ giao dịch mạnh trong tuần này.

Trước những dữ liệu kém tích cực của kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và châu Âu, cũng như bất ổn liên quan đến Brexit và khả năng cao Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tuần này khiến tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng trở nên bất an. Ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, lực bán ồ ạt đã được tung vào thị trường, đẩy các chỉ số chính lao dốc.

Chỉ số VN-Index nhanh chóng để mất mốc 945 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Đóng cửa, sàn HOSE có tới 231 mã giảm, gấp 3,5 số mã tăng (66 mã), chỉ số VN-Index giảm 18,39 điểm (-1,93%) xuống 933,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 255,17 triệu đơn vị, giá trị 5.347,27 tỷ đồng, tăng 27,38% về lượng và 12,79% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (ngày 14/12).

Giao dịch thỏa thuận có đóng góp đáng kể với hơn 112 triệu đơn vị, giá trị 2.311,19 tỷ đồng. Trong đó, STB thỏa thuận hơn 53 triệu đơn vị, giá trị 637,89 tỷ đồng; TCB thỏa thuận 19,69 triệu đơn vị, giá trị 524,74 tỷ đồng; VPB thỏa thuận 4,38 triệu đơn vị, giá trị 102,15 tỷ đồng; VJC thỏa thuận 1,65 triệu đơn vị, giá trị 211,2 tỷ đồng; NVL thỏa thuận gần 2 triệu đơn vị, giá trị 129,95 tỷ đồng.

Tương tự, sắc đỏ cũng bao phủ khiến sàn HNX lùi sâu và kết phiên ở mức thấp nhất ngày.

Cụ thể, với 74 mã giảm và 43 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 1,64 điểm (-1,54%) xuống 105,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,18 triệu đơn vị, giá trị 462,26 tỷ đồng, tăng 13,79% về lượng và 6,67% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,91 triệu đơn vị, giá trị 77,66 tỷ đồng, trong đó CVN thỏa thuận 4,43 triệu đơn vị, giá trị hơn 43 tỷ đồng.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất tác động tới chỉ số thị trường nhiều nhất hầu hết đều giảm khá mạnh, chỉ ngoại trừ SAB đứng giá tham chiếu.

Còn lại: VIC giảm 0,2% xuống 102.500 đồng/CP, VHM giảm 2,9% xuống 77.500 đồng/CP, VNM giảm 0,8% xuống 133.900 đồng/CP, VCB giảm 3% xuống 54.800 đồng/CP, GAS giảm 2,9% xuống 93.000 đồng/CP, BID giảm 2,1% xuống 33.200 đồng/CP, TCB giảm 4,4% xuống 27.400 đồng/CP, MSN giảm 4,1% xuống 82.000 đồng/CP, CTG giảm 3,1% xuống 21.650 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các mã khác trong nhóm ngân hàng như MBB, VPB, HDB, STB cũng đều giảm hơn 2-3% hay dầu khí như PLX giảm tới 5% xuống mức thấp nhất ngày 57.000 đồng/CP…

Tuy vậy, dòng bank vẫn giao dịch khá sôi động với MBB khớp gần 9,4 triệu đơn vị, CTG khớp 5,48 triệu đơn vị, VPB khớp gần 4,4 triệu đơn vị, STB khớp 3,97 triệu đơn vị, các mã TCB, BID, VCB, HDB cũng khớp từ 1 đến vài triệu đơn vị.

Ngoại trừ các mã trên, trong nhóm VN30 cũng chỉ còn 2 mã tăng là DHG và PNJ, 2 mã đứng giá là SAB và KDC, còn lại

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi FLC và ITA cũng bị ảnh hưởng và thu hẹp đà tăng nhưng giao dịch vẫn dẫn đầu thị trường. Trong đó, FLC tăng 1,68% lên 5.460 đồng/CP với khối lượng khớp 11,65 triệu đơn vị; còn ITA tăng 4,84% lên 3.250 đồng/CP và khớp gần 11 triệu đơn vị.

Tương tự, nhóm cổ phiếu lớn cũng là tác nhân khiến thị trường giảm sâu. Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất có SHB, PVI, VCG, NTP đứng giá tham chiếu, còn lại các mã giảm khá mạnh như ACB giảm 2,6% xuống 29.600 đồng/CP, VCS giảm 2,5% xuống 75.100 đồng/CP, PVS giảm 2,5% xuống 19.800 đồng/CP, VGC giảm 2,2% xuống 17.400 đồng/CP, DGC giảm 0,2% xuống 48.300 đồng/CP, DL1 giảm 0,3% xuống 33.900 đồng/CP.

Cặp đôi PVS và SHB vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh lần lượt hơn 5 triệu đơn vị và 4,12 triệu đơn vị.

Trên UPCoM cũng không ngoại trừ. Sau khoảng 1 giờ đi ngang dưới mốc tham chiếu, đà bán đã tăng mạnh về cuối phiên khiến chỉ số UPCoM-Index lùi sâu.

Kết phiên, UPCoM-Index giảm 0,63 điểm (-1,18%) xuống 52,84 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,19 triệu đơn vị, giá trị 201,11 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,48 triệu đơn vị, giá trị hơn 78 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu hàng không đều giảm về mức thấp nhất ngày với ACV giảm 2,2% xuống 82.600 đồng/CP, HVN giảm 3,8% xuống 33.000 đồng/CP.

Bên cạnh đó, bộ 3 dầu khí với BSR giảm 2,6% xuống 14.900 đồng/CP, POW giảm 3,9% xuống 14.800 đồng/CP, OIL giảm 3,2% xuống 15.000 đồng/CP. Trong đó, BSR vẫn dẫn đầu về thanh khoản với khối lượng giao dịch 2,46 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan