Phiên chiều 15/10: VN-Index giằng co, sóng FLC vẫn dâng cao

Phiên chiều 15/10: VN-Index giằng co, sóng FLC vẫn dâng cao

(ĐTCK) Trong khi lực cầu giao dịch thận trọng, áp lực bán về cuối phiên với gánh nặng chính là VHM đã khiến thị trường giằng co và quay đầu điều chỉnh nhẹ khi kết phiên. Tâm điểm đáng chú ý của thị trường vẫn là "gia đình" nhà FLC khi con sóng vẫn tiếp tục dâng cao trong phiên chiều.

Mặc dù thị trường vẫn duy trì đà tăng điểm trong phiên đầu tuần (14/10), nhưng những khó khăn trên con đường chinh phục những mốc điểm cao hơn đã hiện rõ khi những nhịp rung lắc dần xuất hiện và chỉ số VN-Index chưa thể giữ được mốc 995 điểm do hụt hơi về cuối phiên.

Trước những diễn biến không mấy ổn định, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng nay (15/10) khá ảm đạm bởi tâm lý nhà đầu tư thận trọng cao độ. Sự phân hóa khiến VN-Index chủ yếu biến động trong biên độ hẹp và bất ngờ bị đẩy lùi về về cuối phiên trước áp lực bán gia tăng mạnh. Thậm chí, có thời điểm chỉ số VN-Index đe dọa mốc 990 điểm trước sức ép gia tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechip.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu gia tăng đã giúp một số mã lớn khởi sắc, là điểm tựa giúp thị trường nhanh chóng lấy lại đà tăng. Tuy nhiên, áp lực bán thường trực đã khiến VN-Index rung lắc và lùi về dưới mốc tham chiếu trong gần nửa cuối phiên chiều.

Đóng cửa, trên sàn HOSE, có 133 mã tăng và có 169 mã giảm, VN-Index giảm 0,52 điểm (-0,05%), xuống 993,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 179,97 triệu đơn vị, giá trị 4.015,18 tỷ đồng, cùng giảm hơn 7% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 14/10.

Giao dịch thỏa thuận đạt 48,64 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 1.328,79 tỷ đồng, trong đó VPB thỏa thuận 9,72 triệu đơn vị, giá trị 202,33 tỷ đồng; VHM thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 176 tỷ đồng.

Mặc dù biên độ đã thu hẹp chút ít nhưng VHM vẫn là gánh nặng chính của thị trường khi giảm 1,7% xuống 86.400 đồng/CP. Thêm vào đó, GAS giảm 0,8% xuống 101.200 đồng/CP, VNM, SAB, HPG… đều giảm nhẹ.

Trong khi đó, dòng bank vẫn đóng vai trò là lực đỡ giúp VN-Index không bị đẩy lùi sâu với TCB tăng 1,5% lên 24.250 đồng/CP, VCB tăng 0,2% lên 85.200 đồng/CP, BID tăng 0,6% lên 41.400 đồng/CP, VPB tăng 1,1% lên 22.550 đồng/CP.

Cổ phiếu ROS vẫn giao dịch sôi động với gần 21,8 triệu đơn vị được khớp lệnh nhưng dù nhận nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng nhưng cổ phiếu này vẫn kết phiên trong sắc đỏ khi giảm 0,4% xuống 25.650 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi FTM trở lại với chuỗi ngày giảm sâu khi ghi nhận phiên giảm thứ 5 liên tiếp, thì “gia đình” nhà FLC vẫn đi ngược xu thế chung của thị trường và tiếp tục nổi sóng.

Trong đó, FLC đứng tại mức giá trần 3.790 đồng/CP với khối lượng khớp 2,78 triệu đơn vị và dư mua trần 6,39 triệu đơn vị; AMD cũng bảo toàn sắc tím với khối lượng khớp gần 3,4 triệu đơn vị; GAB cũng dư mua trần gần nửa triệu đơn vị.

Diễn biến giằng co cũng tiếp diễn trên sàn HNX và cũng như sàn HOSE, chỉ số HNX-Index đã bị đẩy lùi về dưới mốc tham chiếu khi kết phiên.

Đóng cửa, với 58 mã tăng và 53 mã giảm, HNX-Index giảm 0,04 điểm (-0,03%) xuống 106,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,95 triệu đơn vị, giá trị 281,56 tỷ đồng, giảm 14,37% về lượng và 29,52% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (14/10). Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,13 triệu đơn vị, giá trị 195,16 tỷ đồng, riêng PVI thỏa thuận hơn 4,3 triệu đơn vị, giá trị 127,96 tỷ đồng.

Sau phiên lao dốc ngày hôm qua, VCS đã đảo chiều hồi phục thành công khi kết phiên tăng 1,7% lên 86.000 đồng/CP.

Trong khi đó, các mã lớn khác lại quay đầu điều chỉnh như ACB giảm 0,4% xuống 24.400 đồng/CP, PVS giảm 0,5% xuống 18.600 đồng/CP, PVI giảm 0,6% xuống 32.800 đồng/Cp, PVB giảm 2,6% xuống 19.000 đồng/CP, BVS giảm 1% xuống 10.800 đồng/CP…

Cũng là một trong những thành viên nhà FLC, KLF cũng có phiên khoác áo tím thứ 2 khi kết phiên tại mức giá trần 1.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn HNX, đạt hơn 3,55 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, nỗ lực hồi phục bất thành dù biên độ giảm đã được thu hẹp về cuối phiên.

Đóng cửa, với 53 mã tăng và 62 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,04%), xuống 56,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,36 triệu đơn vị, giá trị 158,09 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 3,9 triệu đơn vị, giá trị 48,2 tỷ đồng.

Cổ phiếu VIB tiếp tục có phiên tăng điểm dù biên độ đã thu hẹp với 1,1% và kết phiên tại mức giá 18.800 đồng/CP và vẫn dẫn đầu thanh khoản với gần 1,32 triệu đơn vị.

Đứng thứ 2 vẫn là BSR với hơn 1,3 triệu đơn vị được giao dịch thành công và kết phiên giảm 2% xuống 9.600 đồng/CP.

Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng mất điểm như VGI giảm 3,6% xuống 32.500 đồng/CP, GVR giảm 1,4% xuống 13.700 đồng/CP, VEA giảm 0,4% xuống 53.700 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ đều không có giao dịch.

Trong khi đó, 4 hợp đồng tương lai vẫn duy trì đà khởi sắc. VN30F1910 tiếp tục được mua bán mạnh nhất, với 52.361 đơn vị được sang tay, tăng 0,16% lên 924,2 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, có 6 mã tăng, 2 đứng giá và 14 mã giảm, trong đó, CVNM1901 tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh đạt 60.357 đơn vị, đóng cửa giảm 3,39% xuống 570 đồng/CQ.

Tin bài liên quan