Phiên chiều 15/1: Bắt phải dao rơi?

Phiên chiều 15/1: Bắt phải dao rơi?

(ĐTCK) Những nhà đầu tư đua nhau bắt đáy ROS trong phiên hôm qua dường như đã bắt phải dao rơi khi ROS bị đẩy xuống sàn một cách nhanh chóng trong phiên hôm nay.

Trong phiên hôm qua, sau khi bị đẩy xuống mức sàn 10.550 đồng – phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp, cũng là mức giá thấp nhất kể từ khi chào sàn, cổ phiếu ROS đã nhận được lực cầu bắt đáy ồ ạt, kéo mã này lên mức trần 12.050 đồng với tổng khớp hơn 13,8 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 22 triệu đơn vị.

Tưởng rằng những nhà đầu tư mua hụt ROS trong phiên hôm qua sẽ đua nhau để gom hàng trong phiên sáng nay nhằm đón đầu đợt sóng hồi phục của mã này sau chuỗi lao dốc không phanh từ giữa tháng 12/2019.

Tuy nhiên, điều đó đã không diễn ra khi nhà đầu tư không dám mạo hiểm đặt giá cao hơn để có được ROS, trong khi lực bán ra luôn chực chờ, khiến ROS quay đầu giảm hơn 4% với thanh khoản sụt giảm mạnh so với các phiên trước.

Bước vào phiên giao dịch chiều, sau nỗ lực thu hẹp đà tăng đầu phiên, ROS đã cắm đầu lao thẳng xuống mức sàn khi lực cung gia tăng.

Chốt phiên, ROS đóng cửa ở mức sàn 11.250 đồng với hơn 3,8 triệu đơn vị được khớp, sụt giảm mạnh so với các phiên gần đây và còn dư bán giá sàn hơn nửa triệu đơn vị, chưa kể lượng dư bán ATC.

Việc ROS đảo chiều nhanh chóng, trả lại hết những gì đã có trong phiên trước đó khiến những nhà đầu tư bắt đáy cổ phiếu này trong phiên hôm qua dã bắt phải dao rơi và có thể đang đứng ngồi không yên.

Trong khi đó, FIT lại có diễn biến trái ngược khi giữ được sắc tím 9.300 đồng với tổng khớp 2,88 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.

Ngoài ROS, các cổ phiếu họ FLC khác trên HOSE như FLC, HAI, AMD cũng chìm trong sắc đỏ, trong khi GAB lại đi ngược xu thế khi đóng cửa ở mức trần 27.650 đồng, còn dư mua giá trần, nhưng thanh khoản thất do thiếu cung.

Trở lại với diễn biến chung của thị trường, thị trường vẫn diễn biến giao dịch chậm do nhà đầu tư đang có tâm lý nghỉ Tết. VN-Index nới rộng đà giảm trong nửa đầu phiên chiều, xác lập mức đáy của ngày dưới mốc 965 điểm trước khi được kéo ngược trở lại và đóng cửa với sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ của một số mã ngân hàng.

Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 0,56 điểm (+0,06%), lên 967,56 điểm với 125 mã tăng và 188 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 150 triệu đơn vị, giá trị 3.139 tỷ đồng, giảm 21% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá lớn với 37,6 triệu đơn vị, giá trị 1.143,5 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng, BID vẫn duy trì đà tăng 1,8% lên 51.000 đồng, VPB nới rộng khi tăng 2,36% lên 21.650 đồng, CTG tăng 0,43% lên 23.600 đồng, TPB tăng 0,23% lên 21.750 đồng, VCB trở về tham chiếu, trong khi MBB lại đảo chiều giảm 0,23%, xuống 21.450 đồng, TCB vẫn đứng giá, EIB đứng giá tham chiếu, trong khi HDB, STB giảm nhẹ.

Hỗ trợ cho VN-Index lấy lại sắc xanh hôm nay còn có SAB, HPG, MWG, PNJ, BHN, nhưng mức tăng không lớn. Ngược lại, các mã giảm cũng chỉ giảm trên dưới 1%, chủ yếu là dưới 0,5%.

Trong nhóm này, thanh khoản lớn nhất là HPG khi khớp 5,88 triệu đơn vị, tiếp đến là CTG khớp 4,36 triệu đơn vị, MBB khớp 3,63 triệu đơn vị...

Tuy nhiên, có thanh khoản tốt nhất sàn vẫn là DLG khớp 11 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,02% lên 1.980 đồng. Tiếp đến là HSG khớp 9,11 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,32% lên 8.450 đồng.

Trên HNX, sau khi xác lập mức đáy của ngày trong nửa đầu phiên chiều, HNX-Index cũng nỗ lực trở lại, nhưng không may mắn như HNX-Index khi không thể về được mốc tham chiếu.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,18 điểm (-0,17%), xuống 103,19 điểm với 41 mã tăng và 73 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,7 triệu đơn vị, giá trị 306,3 tỷ đồng, tăng 7,9% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,9 triệu đơn vị, giá trị 102,5 tỷ đồng.

Trên thị trường này, SHB là mã có thanh khoản tốt nhất với 5,86 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,78% lên 7.400 đồng. Cũng có sắc xanh trong nhóm bluechip trên HNX là VCS khi tăng tới 5,03% lên 66.800 đồng, PVI tăng 0,31% lên 32.200 đồng.

Trong khi đó, ACB giảm 0,85% xuống 23.300 đồng, khớp 1,16 triệu đơn vị, PVI giảm 1,11% xuống 17.800 đồng, khớp 0,75 triệu đơn vị. NVB đứng giá tham chiếu 9.200 đồng, khớp 1,5 triệu đơn vị.

Mã cuối cùng trên sàn HNX có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là ART, nhưng đóng cửa giảm 4,17% xuống 2.300 đồng.

Trên thị trường UPCoM, chỉ số chính của thị trường nới rộng dần đà giảm trong phiên chiều và đóng cửa gần mức thấp nhất ngày.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,34 điểm (-0,61%), xuống 55,35 điểm với 86 mã tăng và 74 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,28 triệu đơn vị, giá trị 158 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,21 triệu đơn vị, giá trị 81,6 tỷ đồng.

Cũng giống phiên sáng, BSR là mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM, nhưng khớp chưa tới 1 triệu đơn vị (0,93 triệu đơn vị) và đóng cửa giả 1,35% xuống 7.300 đồng. Tiếp đến là LPB khớp 0,57 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 7.600 đồng.

Trên thị trường phái sinh việc VN30-Index hồi phục tăng nhẹ cuối phiên (tăng 0,59 điểm, tương đương tăng 0,07% lên 885,36 điểm) cũng giúp các hợp đồng tương lai của chỉ số này hồi phục tăng nhẹ khi chốt phiên.

Trong đó, mã có thời gian đáo hạn gần nhất là VN30F2001 tăng 0,17% lên 883,8 điểm với 59.791 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 14.766 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 7 mã tăng, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, CTCB1902 là mã có thanh khoản tốt nhất với 359.180 đơn vị được khớp, đóng cửa giảm 12,5% xuống 70 đồng.

Các mã còn lại có thanh khoản tương đối thấp, cho thấy thị trường chứng quyền chưa thật sự thu hút nhà đầu tư như kỳ vọng.

Tin bài liên quan