Phiên chiều 12/8: May mắn thoát hiểm

Phiên chiều 12/8: May mắn thoát hiểm

(ĐTCK) Phiên giao dịch chiều diễn ra khá ảm đạm. Cùng với thanh khoản suy giảm, các chỉ số chính rung lắc khá mạnh, nhưng với sự hỗ trợ tích cực của các cổ phiếu bluechip đã may mắn thoát hiểm.

Bên cạnh thanh khoản suy yếu, thị trường đã nhanh chóng quay trở lại trạng thái rung lắc do thiếu nhóm cổ phiếu dẫn dắt đủ khỏe. Tuy nhiên, áp lực bán không quá lớn trong khi lực cầu gia tăng trong 30 phút cuối phiên đã giúp các chỉ số chính hồi phục trở lại trước khi chốt phiên giao dịch sáng đầu tuần 12/8.

Bước sang phiên giao dịch chiều, kịch bản khá giống phiên sáng. Sau gần 30 phút giao dịch, thị trường dần đuối sức và đảo chiều giảm. Lực bán không diễn ra ồ ạt khiến đà giảm không quá sâu và diễn biến lình xình dưới mốc tham chiếu kéo dài trong gần 1 giờ thì VN-Index đã may mắn lấy lại được sắc xanh.

Đóng cửa, sàn HOSE vẫn khá cân bằng với 147 mã tăng và 153 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,97 điểm (+0,1%) lên 975,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 174,55 triệu đơn vị, giá trị 3.799,94 tỷ đồng, giảm 9,23% về lượng và 18,39% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (9/8). Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 48,84 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.173 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng diễn biến phân hóa với 14 mã tăng và 12 mã giảm, trong đó một số mã tăng tốt trong phiên sáng điển hình là GAS đã đuối sức, trong khi VIC, MSN, SAB, NVL đảo chiều giảm nhẹ.

Bên cạnh GAS, một số mã lớn cũng đóng cửa trong sắc xanh với biên độ tăng khá hẹp như VHM chỉ tăng 0,24% lên 84.200 đồng/CP, TCB tăng 0,25% lên 20.250 đồng/CP…

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi cổ phiếu đầu ngành VCB tiếp tục bước lùi khi giảm hơn 1% xuống 77.700 đồng/CP, thì BID lại bất ngờ tăng vọt sau nhịp điều chỉnh nhẹ trong phiên sáng. Hiện BID tăng 1,9% lên 35.350 đồng/CP và khớp 1,37 triệu đơn vị.

Cổ phiếu ROS tạo ấn tượng trong phiên chiều nhờ lực cầu gia tăng mạnh, đã đảo chiều hồi phục với mức tăng 1,1% lên 27.400 đồng/CP và vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường với 12,62 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu thị trường cũng phân hóa, cụ thể, ITA thu hẹp đà tăng 1,44% lên 3.530 đồng/CP và khớp 8,76 triệu đơn vị, SCR tăng nhẹ 0,29% lên 6.9200 đồng/CP và khớp 3,33 triệu đơn vị, KBC tăng 3,86% lên 16.150 đồng/CP… còn DXG đảo chiều giảm 0,62% xuống 16.050 đồng/CP…

Trên sàn HNX, thị trường rung lắc dữ dội, chỉ số HNX-Index liên tục đổi sắc nhưng cũng đã may mắn thoát hiểm phút cuối.

Đóng cửa, HNX-Index tăng nhẹ 0,03 điểm (+0,03%) lên 102,82 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 21,55 triệu đơn vị, giá trị 296,42 tỷ đồng, giảm 6,83% về lượng và 3,6% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (9/8). Giao dịch thỏa thuận đạt 7,5 triệu đơn vị, giá trị 64,7 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu bluechip, ACB khởi sắc nhưng tăng thận trọng chỉ 0,46% lên 22.000 đồng/CP, VCS giữ mức tăng 1,1% lên 85.600 đồng/CP, PVB tăng 1,37% lên 22.200 đồng/CP, L14 tăng 4,25% lên 68.700 đồng/CP, CEO tăng 1,92% lên 10.600 đồng/CP…

Trái lại, DGC nới rộng biên độ giảm 3,87% xuống 29.800 đồng/CP, PVI đảo chiều giảm 1% xuống 37.700 đồng/CP, TNG giảm 3,2% xuống 17.900 đồng/CP…

Cổ phiếu nhỏ PVX vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 3,39 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá tham chiếu 1.300 đồng/CP. Các mã PVS, HUT, CEO, TNG, SHB có khối lượng khớp trong khoảng 1-2 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sắc đỏ duy trì trong suốt cả phiên chiều.

Kết phiên, UPCoM-Index giảm 0,5 điểm (-0,85%) xuống 57,93 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,19 triệu đơn vị, giá trị 212,06 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,97 triệu đơn vị, giá trị hơn 248 tỷ đồng. Trong đó, SIP thỏa thuận gần 2,05 triệu đơn vị, giá trị 203,82 tỷ đồng.

Các mã lớn giao dịch thiếu tích cực, là những tác nhân chính khiến thị trường chưa thể bật dậy như ACV giảm 0,8% xuống 84.500 đồng/CP, BCM giảm 1,5% xuống 32.700 đồng/CP, GVR giảm 3% xuống 16.100 đồng/CP, VEA giảm 4,8% xuống 55.200 đồng/Cp, VGI giảm 1,1% xuống 35.100 đồng/CP, MCH giảm 2,3% xuống 88.000 đồng/CP…

Trong đó, GVR dẫn đầu thanh khoản với 1,79 triệu đơn vị được giao dịch thành công; tiếp theo đó là BSR với hơn 1,2 triệu đơn vị, VIB đạt hơn 1 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, trong khi hợp đồng tương lai trái phiếu không có mã nào có giao dịch thì

các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều khởi sắc và giao dịch sôi động. Trong đó, VN30F1908 đáo hạn ngày 15/8 có thanh khoản lớn nhất với 47.781 hợp đồng được giao dịch, và đóng cửa tăng 0,57% lên 874.700 điểm và lượng hợp đồng mở là 19.908 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay sắc xanh chiếm thế áp đảo với 14 mã tăng giá và chỉ có 1 mã giảm giá và 1 mã đứng giá khi đóng cửa. Trong đó, CVNM1901 vẫn khớp lệnh lớn nhất đạt 42.888 đơn vị và là mã giảm duy nhất khi đóng cửa giảm 1,27% xuống 780 đồng/chứng quyền.

Tin bài liên quan