Phiên chiều 12/3: Hơn 100 mã giảm sàn, VN-Index xuống đáy 2 năm rưỡi

Phiên chiều 12/3: Hơn 100 mã giảm sàn, VN-Index xuống đáy 2 năm rưỡi

(ĐTCK) Thị trường có thêm một phiên rực lửa với VN-Index mất thêm hơn 42 điểm, xuống mức thấp nhất hơn 2 năm rưỡi khi hàng trăm mã giảm sàn. Tổng cộng từ đầu tuần, VN-Index mất hơn 122 điểm, HNX-Index mất gần 12 điểm, tương ứng giá trị vốn hóa thị trường "bốc hơi" hơn 550.000 tỷ đồng, tương ứng gần 24 tỷ USD.

Thị trường bước vào phiên chiều không có tín hiệu khả quan nào sau phiên sáng “thảm hại”. Chỉ số VN-Index đi ngang quanh mức điểm thấp nhất ngày, trước khi có một bộ phận nhà đầu tư “bắt dao rơi” trong phiên ATC, kéo chỉ số này nhích lên đôi chút khi đóng cửa.

Đóng cửa, sàn HOSE có 53 mã tăng và 344 mã giảm (117 mã giảm sàn), chỉ số VN-Index giảm 42,10 điểm (-5,19%), xuống 769,25 điểm - mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 23/8/2017. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 339,2 triệu đơn vị, giá trị 5.219,5 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 6% về khối lượng nhưng giảm 5% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 27,88 triệu đơn vị, giá trị 872,3 tỷ đồng.

Như vậy, trong 4 phiên giao dịch tuần này, tính từ phiên "thứ Hai đen" 9/3, đến khi kết phiên hôm nay, vốn hóa thị trường chứng khoán trong nước “đánh rơi” 552.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 23,8 tỷ USD.

Phiên chiều, các cổ phiếu bluechip, vốn hóa lớn vẫn giảm sâu, với rổ VN30 duy nhất MSN trồi lên được giá tham chiếu 49.950 đồng khi đóng cửa, còn lại 29 mã giảm, trong đó có tới 16 mã giảm sàn là TCB, VPB, VCE, MBB, POW, ROS, HDB, SBT, VCB, BID, GAS, MWG, PNJ, PLX, CTD, BVH.

Còn lại đều giảm sâu từ 5 - 6,5% như VIC -5,4%; VHM -5,9%; HPG -6,3%; STB -6,6%; FPT -5,3%... Giảm nhẹ nhất có VNM -0,7% xuống 100.900 đồng; NVL -0,4% xuống 52.800 đồng; EIB -0,6% xuống 16.700 đồng.

Cổ phiếu SAB sau phiên sáng còn tăng 2% thì đã chịu áp lực lớn trong phiên chiều, đóng cửa giảm 4,9% xuống 144.600 đồng.

Thanh khoản trong nhóm cao nhất vẫn là STB với hơn 21,3 triệu đơn vị và cũng dẫn đầu HOSE.

Tiếp theo là MBB có hơn 15,4 triệu đơn vị; HPG có 13 triệu đơn vị; CTG có 11,3 triệu đơn vị. Nhóm VPB, FPT, TCB, MSN, SSI, POW, ROS có từ 3 triệu đến 5,3 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thị trường cũng không thiếu các mã nằm sàn và gần như trắng bên mua như HSG, PVD, DXG, PVT, HBC, AAA, DIG, SCR…

Đi ngược dòng xu hướng từ nhiều phiên gần đây, miễn nhiễm với tin xấu vẫn là bộ đôi AMD và QCG, khi giữ sắc tím. Trong đó, AMD khớp hơn 9,1 triệu đơn vị, dư mua giá trần hơn 4,7 triệu đơn vị. Đây đã là phiên thứ 9 liên tiếp AMD tăng hết biên độ khi đóng cửa.

Đối với QCG, thanh khoản thấp hơn với 1,2 triệu đơn vị khớp lệnh, ghi nhận đây là phiên thứ 10 liên tiếp tăng kịch trần.

HID cũng vững sắc tím từ phiên sáng, +7% lên 3.060 đồng, khớp 1,72 triệu đơn vị. Ngoài ra, đáng chú ý còn có HAI +6,5% lên 3.780 đồng, khớp 8,2 triệu đơn vị; LDG +5% lên 6.500 đồng, khớp hơn 4,33 triệu đơn vị.

Ngoài ra, YEG tăng kịch trần +7% lên 71.400 đồng, khớp hơn 200.000 đơn vị; CLL +4,7% lên 29.000 đồng; BMC +6,2% lên 11.900 đồng; CEE +3,9% lên 15.900 đồng…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng phần lớn bò dưới mức giá thấp, nhưng trong 30 phút cuối phiên đã có nỗ lực hãm bớt đà giảm nhờ một vài mã lớn trở lại.

Theo đó, NVB, VCG, PVI đã về tham chiếu, thậm chỉ SH còn đảo chiều tăng +0,9% lên 11.200 đồng.

Nhưng phần còn lại vẫn giảm khá sâu như ACB -5,6% xuống 22.100 đồng; DGC -2,2% xuống 22.400 đồng; SHS -5,7% xuống 6.600 đồng; MBS -5,3% xuống 9.000 đồng.

Các mã giảm sàn như PVS, CEO, VCS, MBG, IDJ cùng các mã tí hon PVX, HUT, NHP, MST, VIG.

Thanh khoản SHB vươn lên dẫn đầu sàn với gần 17 triệu đơn vị khớp lệnh; ACB có 11 triệu đơn vị; PVS có 7,73 triệu đơn vị; ART có 5,2 triệu đơn vị, tăng 4,2% lên 2.500 đồng; KLF có gần 4 triệu đơn vị; PVX có 3,4 triệu đơn vị; NVB có 2,46 triệu đơn vị…

Đóng cửa, sàn HNX có 19 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index giảm 3,61 điểm (-3,42%), xuống 101,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 74,7 triệu đơn vị, giá trị 783 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,7 triệu đơn vị, giá trị 47,3 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index đóng cửa cũng giảm điểm, nhưng biên độ thấp hơn 2 chỉ số chính, mặc dù vậy, giao dịch cũng đầy tiêu cực, khi 30 mã thanh khoản tốt nhất chỉ có MSR +2,1% lên 14.900 đồng và một số mã nhỏ đứng tham chiếu, còn lại đều giảm, và không ít mã giảm sàn hoặc chạm giá sàn như CTR DVN, VGI, C4G…

BSR thanh khoản cao nhất với hơn 5 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 4,2% xuống 6.800 đồng; LPB có 3,95 triệu đơn vị, giảm 5,3% xuống 7.200 đồng…

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 1,56 điểm (-2,96%), xuống 50,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21 triệu đơn vị, giá trị 237,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,82 triệu đơn vị, giá trị 212,1 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, ảnh hưởng xấu từ VN30-Index, cả 4 hợp đồng tương lai dều giảm, trong đó, VN30F2004 và VN30F2006 còn giảm sàn.

VN30F2003 đáo hạn gần nhất mất 6,85% xuống 694 điểm, với hơn 194.000 hợp đồng được sang tay, khối lượng mở hơn 17.800 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng lấn át, le lói vài sắc xanh, nhưng có một mã gây chú ý là CFPT2001, khi tăng kịch trần lên 1.350 đồng, khớp lệnh hơn 27.100 đơn vị.

Trong khi đó, CMBB2001 được giao dịch nhiều nhất với hơn 573.000 đơn vị khớp lệnh, giảm 27,77% xuống 390 đồng/cq.

Tin bài liên quan