Phiên chiều 11/7: Dòng bank dẫn lối, VN-Index vẫn hụt mốc 980 điểm

Phiên chiều 11/7: Dòng bank dẫn lối, VN-Index vẫn hụt mốc 980 điểm

(ĐTCK) Dòng bank trở thành đầu tàu dẫn dắt cho đà tăng của thị trường. Tuy nhiên, sự thiếu đồng thuận của các nhóm ngành khác cùng với dòng tiền chưa đủ mạnh khiến VN-Index chưa thể vượt qua được thử thách 980 điểm trong phiên 11/7.

Sau khi để mất mốc 970 điểm trong phiên đầu tuần (8/7), thị trường đã nhanh chóng hồi phục và dành lại những gì vừa để mất trong những phiên tiếp theo.

Trong phiên giao dịch sáng nay 11/7, cũng giống như những phiên gần đây, mặc dù lực cầu chưa mạnh dạn nhưng việc tiết cung giá thấp tiếp tục giúp VN-Index giao dịch khởi sắc và chinh phục ngưỡng 975 điểm.

Tâm lý hứng khởi tiếp tục được duy trì khi bước vào phiên giao dịch chiều giúp VN-Index tiếp tục tiến bước. Nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch khởi sắc với tâm điểm là nhóm cổ phiếu ngân hàng đã hỗ trợ tốt kéo chỉ số thị trường chạm vùng thử thách 980 điểm sau gần 50 phút giao dịch.

Tuy nhiên, lực cầu chưa đủ mạnh để giúp thị trường bật cao, ngay lập tức sau đó VN-Index đã để mất mốc 980 điểm và diễn biến lình xình đi ngang suốt thời gian còn lại.

Đóng cửa, sàn HOSE khá cân bằng với 169 mã tăng và 130 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 4,98 điểm (+0,51%) lêm 978,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 161,66 triệu đơn vị, giá trị 3.340,41 tỷ đồng, tăng 4,59% về lượng nhưng giảm 13,68% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 28 triệu đơn vị, giá trị hơn 638 tỷ đồng, trong đó riêng ROS thỏa thuận 4,1 triệu đơn vị, giá trị 127,1 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, dòng bank có công lớn nhất giúp thị trường khởi sắc. Đáng kể, cổ phiếu đầu ngành VCB tăng mạnh 2,1% lên mức 74.600 đồng/CP, vượt qua mức đỉnh lịch sử được thiết lập trong năm 2018 khi kết phiên 16/3 với mức giá 73.750 đồng/cp.

Các thành viên khác cũng nới rộng biên độ như CTG tăng 2,6% lên 21.550 đồng/CP, BID tăng 3,2% lên 33.450 đồng/CP, MBB tăng 1,4% lên 21.400 đồng/CP, TCB tăng 1,3% lên 21.000 đồng/CP, VPB tăng 1,3% lên 19.650 đồng/CP…

Bên cạnh đó, các mã lớn khác như VNM, VRE, GAS, HPG, SAB, BVH, PLX… cũng đều tăng nhẹ gần 1%.

Trái lại, MSN vẫn tiếp tục giao dịch thiếu tích cực khi kết phiên giảm 2% xuống mức thấp nhất ngày 82.500 đồng/CP; cặp đôi lớn nhà Vin là VIC và VHM cùng đảo chiều giảm nhẹ…

Trong khi đó, ROS đã cân bằng sau những phiên điều chỉnh nhẹ và đóng cửa tại mốc tham chiếu 29.200 đồng/CP nhưng không còn dẫn đầu về thanh khoản nữa khi khớp lệnh 7,79 triệu đơn vị, thua xa cổ phiếu thị trường FLC khớp gần 10,55 triệu đơn vị. Không chỉ giao dịch sôi động, cổ phiếu FLC còn khởi sắc khi tăng 4,3% lên 4.400 đồng/CP.

Cũng là một trong những thành viên của Tập đoàn FLC, cổ phiếu GAB đã có phiên chào sàn ấn tượng. Với việc tăng hết biên độ, cổ phiếu GAB đã đóng cửa tại mức giá trần 14.400 đồng/CP và khớp hơn 1,3 triệu đơn vị, cùng lượng dư mua trần 317.940 đơn vị.

Mặt khác, SJF sau nhịp ngắt quãng hôm qua khi quay đầu giảm sàn, cổ phiếu này đã hồi phục trở lại khi tăng 1,1% và đóng cửa phiên hôm nay tại mức giá 3.800 đồng/CP với khối lượng khớp gần 2,7 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, giao dịch khởi sắc được duy trì trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,87 điểm (+0,83%) lên 106,01 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 23,82 triệu đơn vị, giá trị 368,47 tỷ đồng, giảm 17,29% về lượng và 18,3% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,47 triệu đơn vị, giá trị 27,55 tỷ đồng.

Mặc dù có chút rung lắc nhưng cổ phiếu ACB đã hồi phục thành công sau phiên điều chỉnh nhẹ hôm qua, và một trong những nhân tố chính hỗ trợ cho đà tăng thị trường. Cụ thể, ACB tăng 2% lên mức 30.200 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị, còn người anh em SHB tăng 1,5% lên 6.800 đồng/CP và khớp 3,21 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã trong nhóm HNX30 cũng tăng khá tốt như DBC tăng 3,5% lên 23.400 đồng/CP, DHT tăng 5,3% lên 35.800 đồng/CP, DTD tăng hết biên độ 9,3% lên mức giá trần 14.100 đồng/CP, L14 tăng 5,6% lên 57.000 đồng/CP, VCS tăng 1,3% lên 69.000 đồng/CP…

Trái lại, cổ phiếu PVS đảo chiều giảm nhẹ 0,4% xuống mức 24.100 đồng/CP và là mã dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX, đạt 3,48 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, áp lực bán bất ngờ gia tăng khiến UPCoM-Index bị đẩy lùi về sát mốc tham chiếu, tuy nhiên thị trường nhanh chóng khởi sắc trở lại nhờ lực đỡ từ một số mã lớn.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,48 điểm (+0,85%) lên 56,78 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 11,59 triệu đơn vị, giá trị 218,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 63,59 tỷ đồng.

Các mã lớn hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như GVR tăng 2,2% lên 13.700 đồng/CP, VEA tăng 1,5% lên 59.700 đồng/CP, MCH tăng 2,7% lên 98.000 đồng/CP, MSR tăng 2,2% lên 18.700 đồng/CP…

Trong đó, GVR giao dịch khá vượt trội với gần 2,1 triệu cổ phiếu được giao dịch thành công; tiếp theo là VGT có khối lượng giao dịch đạt 865.200 cổ phiếu.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, hợp đồng trái phiếu tương lai chỉ có duy nhất GB05F1909 có 10 hợp đồng được giao dịch thành công, thì nhóm hợp đồng VN30 vẫn giao dịch khá sôi động. Trong đó, mã có thanh khoản nhất là VN30F1907 đáo hạn ngày 18/7 với 121.912 đơn vị, khối lượng mở 25.227 đơn vị. Đóng cửa tăng 2,73% lên 880 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 4 mã tăng nhẹ là CHPG1901, CMBB1902, CMWWG1902, CVNM1901; còn lại cũng đều giảm nhẹ.

Về thanh khoản, CMWG1902 tiếp tục là mã có thanh khoản tốt nhất với 33.998 đơn vị. Tiếp đến là CHPG1902 với 33.702 đơn vị, trong đó khối ngoại mua 24.299 đơn vị và bán ra 14.278 đơn vị.

Tin bài liên quan