Phiên chiều 11/2: Cổ phiếu ngân hàng giúp VN-Index giữ được sắc xanh

Phiên chiều 11/2: Cổ phiếu ngân hàng giúp VN-Index giữ được sắc xanh

(ĐTCK) Áp lực bán khá mạnh trong phiên chiều khiến đà tăng của VN-Index dần suy giảm. Tuy nhiên, việc trụ đỡ chính là ngân hàng vẫn tăng điểm đã giúp chỉ số này giữ được sắc xanh.

Phiên giảm mạnh đầu tuần đưa nhiều cổ phiếu xuống mặt bằng giá mới, trong đó có nhóm bluechips. Bởi vậy, lệnh mua đã được đặt ở nhiều mã bluechips ngay khi mở cửa phiên sáng nay. Trong số các bluechips, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là điểm đến của dòng tiền nên đồng loạt tăng giá, giúp VN-Index nhanh chóng vượt qua mốc 935 điểm.

Tuy nhiên, đà tăng này liên tục gặp thử thách khi áp lực chốt lời luôn hiện hữu. Thậm chí trong phiên chiều, sức còn gia tăng khiến VN-Index lùi dần về tham chiếu. Dù vậy, chỉ số này vẫn giữ được sắc xanh nhờ trụ đỡ chính là cổ phiếu ngân hàng còn tăng điểm.

Ngoài điểm số, sức cầu tốt ở nhóm cổ phiếu này còn góp phần cải thiện thanh khoản của thị trường.

Đóng cửa, 198 mã tăng và 135 mã giảm, VN-Index tăng 3,94 điểm (+0,42%) lên 934,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 179,31 triệu đơn vị, giá trị 3.177,01 tỷ đồng, tăng 16% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên 10/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 20 triệu đơn vị, giá trị gần 447 tỷ đồng.

Có thể nói, cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm có đóng góp tích cực vào phiên tăng hôm nay. Ngoại trừ HDB giảm 1,7% về 29.000 đồng, còn lại đều tăng. Đáng chú ý, CTG bất ngờ bứt phá cuối phiên khi tăng 4,3% lên 27.750 đồng, tương tự là BID với mức tăng 3,5% lên 50.800 đồng.

Về thanh khoản, STB bất ngờ được gom mạnh với 14,65 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn sàn, tăng 3,7% lên 11.350 đồng. Nhiều mã có thanh khoản cao khác như CTG với 6,76 triệu đơn vị, VPB và MBB cùng khớp trên 4,3 triệu đơn vị. HDB khớp 2,63 triệu đơn vị.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu tôn thép đồng loạt giảm điểm, tạo áp lực lớn lên chỉ số. Trong đó, HPG -3% về 23.600 đồng, DTL – 6,1% về 10.700 đồng, HSG -1,7% về 7.88 đồng…HPG khớp lệnh chỉ sau STB với 12, 55 triệu đơn vị, HSG khớp 6,9 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường diễn biến khá phân hóa, song đa phần mã có thanh khoản cao đều tăng như ROS, FLC, HQC, DXG, DIG, AMD... Riêng ROS ghi nhận phiên trần thứ 3 liên tiếp lên 8.620 đồng, khớp lệnh 5,22 triệu đơn vị.

LMH bất ngờ mất sắc tím vào cuối phiên khi dừng ở mức tham chiếu 2.500 đồng, qua đó ngắt chuỗi tăng trần liên tục ở con số 3. Tuy nhiên, thanh khoản của LMH tăng đột biến với 10,27 triệu đơn vị được khớp, cao thứ 3 sàn HOSE. Cổ phiếu này mất thanh khoản kể từ cuối tháng 12/2019, trước khi bất ngờ giao dịch mạnh trở lại trong 5 phiên vừa qua.

Trên sàn HNX, diễn biến rung lắc mạnh kéo dài trong cả phiên giao dịch, song nhờ sự ổn định của các mã lớn đà tăng không những được duy trì, mà còn kết phiên ở mức cao nhất ngày. Thanh khoản tăng nhẹ.

Đóng cửa, với 68 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index tăng 0,8 điểm (+0,77%) lên 104,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 28,14 triệu đơn vị, giá trị 305,64 tỷ đồng, tương đương về khối lượng, nhưng tăng 8% về giá trị so với phiên 10/2. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,9 triệu đơn vị, giá trị gần 51 tỷ đồng.

SHB là mã đóng góp tích cực nhất vào đà tăng của HNX với mức tăng 5,9% lên 7.200 đồng. ACB +0,4% lên 23.700 đồng, trong khi  đứng giá 9.000 đồng. Các mã PVS, TNG, NDN, PVI… tăng nhẹ, trong khi VCG, NVB, NTP, SHS đứng giá.

Về thanh khoản, SHB dẫn đầu sàn với 9,39 triệu đơn vị, ngoài ra chỉ có 2 khớp lệnh cao là ACB và PVS, lần lượt đạt 1,8 triệu và 1,1 triệu đơn vị. PVS +0,6% lên 16.200 đồng.

Trên UpCoM, sắc xanh cũng duy trì trong suốt phiên giao dịch, cho dù đã yếu đà trong phiên chiều, thanh khoản cải thiện.

Đóng cửa, với 93 mã tăng và 48 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,3 điểm (+0,54%) lên 55,67 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 6,48 triệu đơn vị, giá trị 129,36 tỷ đồng, tăng 6% khối lượng và 18% về giá trị so với phiên 10/2. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,57 triệu đơn vị, giá trị 26,6 tỷ đồng.

Đa phần cổ phiếu lớn trên sàn này tăng điểm như VGI, LPB, BSR, VIB, CTR, GVR, OIL, MPC, LTG… Tuy nhiên, chỉ VGI là khớp trên 1 triệu đơn vị (1,17 triệu), cao nhất sàn. LPB đứng thứ 2 với 0,77 triệu đơn vị.

VGI +9,1% lên 27.500 đồng. LPB +1,4% lên 7.100 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai cùng tăng điểm, trong đó hợp đồng có ngày đáo hạn gần nhất (ngày 20/2) là VN30F2002 có thanh khoản mạnh nhất với 103.659 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 17.069 đơn vị, đóng cửa tăng 0,5% lên 850,3 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, có 28 mã tăng, 17 mã giảm, 5 mã đứng giá và 1 mã không có giao dịch. Trong đó, mã CROS2001 có thanh khoản tốt nhất với 100.786 đơn vị được khớp và kết phiên tăng 66,7% lên mức 250 đồng/CQ.

Tin bài liên quan