Có lợi nhuận cao, doanh nghiệp sẽ có thêm điều kiện và nguồn lực để tranh thủ gia cố nền móng của mình trước khi bước vào thời kỳ dự báo không còn những thuận lợi đó.

Có lợi nhuận cao, doanh nghiệp sẽ có thêm điều kiện và nguồn lực để tranh thủ gia cố nền móng của mình trước khi bước vào thời kỳ dự báo không còn những thuận lợi đó.

Phía sau hiệu ứng vượt kế hoạch lợi nhuận

Sau 3 quý, nhiều doanh nghiệp đã vượt xa kế hoạch lợi nhuận cả năm. Phía sau kết quả đó là những điểm cần lưu ý.

Mới chỉ kết thúc tháng 9 vài ngày, một loạt doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh cập nhật cả 3 quý đầu năm. Có thể thấy những doanh nghiệp đã công bố “đương nhiên” có những con số vượt trội.

 

Nhưng còn quá sớm để khẳng định một xu thế lạc quan chung. Nhưng cũng đủ để thấy có những điểm chung nổi bật trong một năm nhiều biến động.

 

Hiệu ứng vượt xa kế hoạch

 

Không chờ đến hết quý 3, ngay từ đầu tháng 8 một loạt doanh nghiệp trên sàn niêm yết đã rục rịch tổ chức lấy ý kiến cổ đông để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Nguyên do, thực tế đạt được vượt quá xa với dự tính đặt ra từ đầu năm.

 

Đến ngày 5/9, trong số những trường hợp đã công bố thông tin ban đầu, CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC - sàn HOSE) đang giữ kỷ lục về sự vượt trội đó. 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của công ty này ước lên tới 280 tỷ đồng, tương đương 538,46% kế hoạch. Điều này cũng lý giải vì sao giá cổ phiếu DRC có chặng tốc hành thuộc nhóm nóng nhất trên sàn tháng qua.

 

Một số doanh nghiệp niêm yết khác cũng có những tỷ lệ thực hiện kế hoạch cả năm ấn tượng. Như với CTCP Cơ điện lạnh (REE), chỉ sau 8 tháng lợi nhuận trước thuế đã là 348,95 tỷ đồng, đạt tới 139,58% kế hoạch năm 2009 (250 tỷ đồng); CTCP Thủy sản Bến Tre - Aquatex BenTre (ABT) có lợi nhuận sau thuế 9 tháng là 54 tỷ đồng, bằng 150% kế hoạch lợi nhuận cả năm; CTCP Nhựa Đà Nẵng (DPC) cũng thông báo đã đạt 145% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng và đang hướng tới mức 160%…

 

Nhiều trường hợp khác cũng đã và đang lấy ý kiến cổ đông để điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận khi đã vượt từ 40% đến trên 80%. Hay như trường hợp của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), ngày 5/10, lần thứ hai trong năm việc tăng kế hoạch lợi nhuận được đưa ra đại hội cổ đông…

Điểm chung bước đầu cho thấy kết quả lợi nhuận vượt trội đều có ở nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính, có hoạt động đầu tư tài chính mạnh, lĩnh vực bất động sản và đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu một số ngành hàng như vật liệu xây dựng, nhựa, cao su...

 

Phía sau những con số

 

Khi trả lời phóng viên tuần qua, ông Nguyễn Văn Sự, Tổng giám đốc HAGL, giải thích rằng, việc hai lần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh là do những chuyển biến thuận lợi của thực tế, vượt xa những dự báo và kế hoạch đặt ra từ đầu năm.

 

“HAGL lập kế hoạch cho năm 2009 vào những tháng cuối năm 2008. Trong khoảng thời gian đó, thị trường bất động sản ở Việt Nam gần như bị tê liệt, rất ít giao dịch. Chúng tôi đã rất thận trọng khi lập kế hoạch cho năm 2009. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh trong năm 2009 của chúng tôi đã diễn ra rất thuận lợi, tốt hơn nhiều so với dự kiến”, ông Sự nói.

 

Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình, ông Nguyễn Hùng Mạnh cũng cho rằng, với riêng lĩnh vực ngân hàng tài chính, do xây dựng từ năm 2008 nhiều khó khăn, chưa dự báo được rõ ràng về tình hình năm 2009 nên các kế hoạch kinh doanh ban đầu đưa ra đều rất thận trọng, và nay vượt cũng là điều bình thường. Đây cũng là điểm chung dễ thấy ở nhiều doanh nghiệp ngành khác.

 

Trên sàn niêm yết, đỉnh điểm nóng sốt về giá cổ phiếu vừa qua thuộc về nhóm bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng hay cao su… Dễ hiểu khi những nhóm này đang có kết quả kinh doanh thuận lợi từ sự hồi phục của thị trường bất động sản, từ hoạt động xuất khẩu. Đơn cử như với doanh nghiệp xuất khẩu cao su, đầu năm giá cao su chỉ quanh 1.300 USD/tấn, nay đã lên đến 2.000 USD/tấn. Hay ở thị trường bất động sản, đầu năm ít ai “ngờ” sự hồi phục lại nhanh như vậy…

 

Trong những dữ liệu đã công bố, có một điểm mà một số chuyên gia lưu ý: Đang có hiện tượng khá phổ biến là lợi nhuận của doanh nghiệp tăng cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng doanh thu. Điều này có thể thấy ở những trường hợp như Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG), 9 tháng ước doanh thu chỉ đạt 770 tỷ đồng, bằng 64,17% so kế hoạch năm, nhưng lợi nhuận sau thuế ước đạt tới 388 tỷ đồng, đã vượt 17,8% so với kế hoạch năm; hay tại REE, 8 tháng đầu năm doanh thu mới đạt đạt 56,85% kế hoạch năm, nhưng lợi nhuận trước thuế đã lên tới 139,58%; hay tại hầu hết những trường hợp đã công bố thông tin nói trên.

 

Theo phân tích của ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Phân tích Kinh tế, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), lợi nhuận tăng cao hơn nhiều so với tăng trưởng doanh thu là điều kiện cần để có được tăng trưởng bền vững về lợi nhuận. Và điều này chủ yếu do doanh nghiệp giảm chi phí nguyên liệu thấp do tác động của khủng hoảng và hưởng lợi từ vay được vốn lưu động với lãi suất thấp và ưu đãi. Dự kiến phân tích này của ông Hà cũng sẽ xuất hiện nhiều trong các báo cáo giải trình của nhiều doanh nghiệp niêm yết sắp tới.

 

“Thêm vào đó, khoản hoàn nhập dự phòng tài chính gắn với biến động mạnh của thị trường chứng khoán cũng chiếm một tỷ trong đáng kể trung bình 10 - 15% với các doanh nghiệp niêm yết và tỷ lệ cao hơn với các doanh nghiệp không chuyên đầu tư tài chính lớn trong năm 2007 - 2008 (có doanh nghiệp chiếm từ 50 - 100%)”, ông Hà nhận định.

 

Có thể thấy, không phải đến thời điểm này, mà ngay từ kết quả kinh doanh quý 2/2009, lợi nhuận tăng cao từ hoàn nhập dự phòng tài chính đã thể hiện rõ trong kết quả của nhiều doanh nghiệp niêm yết. Điều này được nhiều nhà đầu tư quan tâm khi “bóc tách” để đánh giá đúng hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của mỗi doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, dự báo mà chuyên gia của SSI đưa ra là các nhân tố nói trên (chi phí nguyên liệu thấp, hưởng lợi từ hỗ trợ lãi suất, ưu đãi thuế, hoàn nhập dự phòng) khó có thể kéo dài một cách vững chắc với doanh nghiệp trong thời gian tới, khi mà mặt bằng giá nguyên liệu đầu vào mới đã hình thành và các chính sách tiền tệ đang và sẽ giảm dần sự nới lỏng…

 

Nhưng, nắm cơ hội, có lợi nhuận cao, doanh nghiệp sẽ có thêm điều kiện và nguồn lực để tranh thủ gia cố nền móng của mình trước khi bước vào thời kỳ dự báo không còn những thuận lợi đó.

 

Liên quan đến hoạt động đầu tư tài chính, một điểm cần được chú ý phía sau những con số lợi nhuận là việc trích lập và hoàn nhập dự phòng. Nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động này đã có hoàn nhập và bù đắp cho lợi nhuận thời gian qua đối với chứng khoán niêm yết. Nhưng, với những khoản đầu tư chứng khoán chưa niêm yết (trên OTC), do chưa có quy định về việc xác định giá trị của chứng khoán chưa niêm yết nên nhiều trường hợp chưa trích lập dự phòng cần thiết và vẫn ở diện ngoại trừ trên báo cáo tài chính.

 

Nếu việc quy định trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán chưa niêm yết rõ ràng, doanh nghiệp trích lập đầy đủ, hẳn sẽ có những ảnh hưởng đáng lưu ý. Tất nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có danh mục này.