Đi những con đường mới
Kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2019 của CTCP Traphaco được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 thông qua được đánh giá là rất tham vọng với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 2.160 tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 205 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018.
Nói tham vọng là bởi, năm 2018, doanh thu của Công ty chỉ đạt 1.788 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch (giảm 4% so với 2017); lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ đạt 156,27 tỷ đồng (giảm 35% so với năm 2017); thu nhập bình quân của người lao động cũng giảm 6,8%.
Để đạt được mục tiêu 2019, Traphaco có nhiều giải pháp, trong đó đáng chú ý nhất là sự chuyển dịch chiến lược thị trường của Công ty: Tập trung phát triển cả kênh OTC (bán lẻ) đang rất mạnh và ETC (hệ điều trị). Traphaco sẽ dự thầu vào nhóm thầu có tiêu chí kỹ thuật cao, giá thành hợp lý.
Phía sau những quyết định quan trọng trên là sự ủng hộ, đồng hành của các cổ đông lớn của Traphaco. Tại Đại hội đồng cổ đông 2019, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Traphaco, đại diện cho cổ đông lớn là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chia sẻ, năm 2018, có sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành dược, thị trường dược ngóng đợi thông tư về đấu thầu thuốc của Bộ Y tế nhưng qua nhiều lần chỉnh sửa Thông tư vẫn chưa được ban hành. Hiện kênh ETC mới cạnh tranh tập trung về giá nên Traphaco chưa có thuận lợi vì Công ty đầu tư lớn cho sản xuất nhằm có thuốc chất lượng cao nên giá thành cũng cao hơn. Hội đồng quản trị và cổ đông cam kết hỗ trợ Traphaco vào tập trung tăng trưởng kênh ETC.
Trong cơ cấu cổ đông của Traphaco, SCIC (sở hữu xấp xỉ 35% cổ phần) không phải nhà đầu tư lớn nhất dù có 3 đại diện trong Hội đồng quản trị. Chiếm xấp xỉ 49% vốn của Công ty là nhóm cổ đông nước ngoài, trong đó có những tập đoàn dược phẩm lớn của Hàn Quốc như Daewoong.
Để có được sự thống nhất giữa các cổ đông, ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco (1 trong 3 đại diện vốn của SCIC) cho biết, trước thềm Đại hội đồng cổ đông, các cổ đông lớn đã có nhiều buổi trao đổi thẳng thắn, cụ thể, chỉ ra cơ hội và thách thức trong hoạt động kinh doanh, thống nhất mục tiêu và cách thức hành động.
Có những buổi trao đổi kéo dài vì phải “mổ xẻ” từng lĩnh vực. Thành viên Hội đồng quản trị, trong đó có những cán bộ của SCIC đều là những người hiểu sâu sắc về ngành, về thị trường, họ có khả năng đánh giá các báo cáo, mức độ phân tích của Ban điều hành Traphaco có hợp lý không để từ đó xem xét đánh giá giải pháp tiếp theo. Một điểm khác mà ông Mã đánh giá cao là SCIC quản lý nhiều doanh nghiệp, từ đó nắm được bức tranh lớn trên thị trường, có những kinh nghiệm, cách làm hay ở những doanh nghiệp khác để chia sẻ, đóng góp những giải pháp thiết thực cho Traphaco.
Ở doanh nghiệp lớn hơn, CTCP Sữa Việt Nam (VNM), cổ đông SCIC cũng phải giải những bài toán tương tự. Hiện tại, 20 cổ đông lớn nhất của VNM nắm giữ tới 80,68% cổ phần của Công ty. Trong đó, chỉ có duy nhất một cổ đông nội là SCIC với 36% cổ phần; 19 cổ đông lớn còn lại đều là cổ đông ngoại.
Để duy trì mức lợi nhuận vượt trội (tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn cổ phần 64%), VNM phải liên tục có những cách làm mới. Ngoài tăng trưởng tự thân về sản lượng, Công ty còn rốt ráo thực hiện các hoạt động M&A, thâm nhập và mở rộng thị trường nước ngoài…
Tôn trọng nguyên tắc thị trường
Theo đại diện SCIC, Tổng công ty đã tiếp nhận vốn nhà nước tại 1.055 doanh nghiệp, trong đó hầu hết là các công ty cổ phần. Do vậy, việc tham gia đại hội đồng cổ đông thường niên tại các công ty cổ phần là nhiệm vụ được SCIC đặc biệt chú trọng để phát huy tối đa vai trò cổ đông trong quá trình quản trị vốn.
Ngày từ đầu năm, SCIC có văn bản gửi đến hội đồng quản trị, người đại diện vốn của SCIC tại các doanh nghiệp để đôn đốc, hướng dẫn chuẩn bị cho công tác tổ chức đại hội. SCIC lưu ý các vấn đề quan trọng như phương án phân chia lợi nhuận, kế hoạch kinh doanh, kiện toàn nhân sự hội đồng quản trị, ban kiểm soát, các phương án đầu tư mà doanh nghiệp dự kiến sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua.
Sau đó, SCIC sẽ cùng với hội đồng quản trị hoặc thông qua người đại diện vốn của Tổng công ty chủ động trao đổi, thảo luận, đánh giá kết quả sản xuất - kinh doanh trong năm, dự kiến kế hoạch kinh doanh, phương án nhân sự… Việc thảo luận trước này giúp hiểu rõ, tìm kiếm sự đồng thuận và thống nhất trước khi SCIC biểu quyết chính thức tại Đại hội.
Hầu hết ý kiến của SCIC tại đại hội đồng cổ đông được các cổ đông khác tôn trọng, đồng thuận, vì tính hợp lý và thuyết phục. Cũng có đại hội, SCIC biểu quyết khác với nhóm cổ đông lớn còn lại. Tình huống này thường xảy ra khi SCIC biểu quyết không thông qua các báo cáo tài chính có ý kiến kiểm toán ngoại trừ, có thể dẫn đến tình trạng “lãi giả, lỗ thật”, hoặc kế hoạch phân phối lợi nhuận không phù hợp, phương án phát hành tăng vốn không rõ ràng, chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh chưa đủ cơ sở… Việc thông qua những nội dung này có thể trái với nguyên tắc tuân thủ pháp luật, hiệu quả quản trị vốn.
Tôn trọng thị trường, tôn trọng các cổ đông khác, thực thi các thông lệ quản trị doanh nghiệp hiện đại là những nguyên tắc SCIC luôn theo đuổi, theo chia sẻ của lãnh đạo Tổng công ty. Thực tế cũng cho thấy, cách thức quản lý doanh nghiệp của SCIC có sự khác biệt lớn so với mô hình quản lý mang tính mệnh lệnh hành chính. Không chỉ thực hiện các quyền và trách nhiệm cổ đông theo quy định của pháp luật, SCIC còn chủ động phát huy vai trò “cổ đông năng động của doanh nghiệp”, thực sự đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh để cùng phát triển.
SCIC đã thực hiện tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động và xử lý tồn tại của các doanh nghiệp thuộc danh mục quản lý, có thể kể ra nhiều cái tên như Vinaconex, Thương mại Tràng Tiền, Vietracimex, Nông công nghiệp Hà Trung, Giầy Đông Anh, Bảo Minh, Sứ Hải Dương, Xuất nhập khẩu tổng hợp II, Du lịch khách sạn Kim Liên, Constrexim, Nhựa Bình Minh, Liên hiệp Thực phẩm Hà Tây, Nông sản Tân Lâm...
SCIC đã phối hợp với JICA và PwC cho ra đời “Sổ tay Hướng dẫn biểu quyết” và “Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp”; trong đó, đưa ra những yêu cầu và hướng dẫn rất cụ thể cho hoạt động của hội đồng quản trị, như việc thúc đẩy đối thoại với cổ đông, quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ, thành viên hội đồng quản trị độc lập không điều hành, tạo lập và quảng bá văn hóa doanh nghiệp… nhằm hỗ trợ hoạt động quản trị doanh nghiệp một cách bài bản và có hệ thống, hướng tới mục tiêu chuẩn mực, hiện đại, minh bạch.
Chuyển dịch sang đầu tư hiệu quả
Cho đến nay, SCIC đã thực hiện tái cơ cấu và bán vốn tại 995/1055 doanh nghiệp. Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, về lâu dài, SCIC xác định danh mục doanh nghiệp tiếp nhận sẽ ngày càng giảm (do tiến trình bán vốn tại phần lớn các doanh nghiệp), do đó, để phát triển lâu dài, SCIC sẽ tập trung vào công tác đầu tư. Bước đầu tiên để tái cấu trúc danh mục là xây dựng được chiến lược phát triển dài hạn của SCIC, trong đó xác định các nhóm ngành chiến lược, tỷ trọng từng ngành, từng loại tài sản đảm bảo thỏa mãn tiêu chí về lợi nhuận, khẩu vị rủi ro của SCIC.
Khi chủ động nhiều hơn trong quản lý danh mục doanh nghiệp, SCIC sẽ xây dựng tiêu chí định tính và định lượng để xác định bán hoặc giữ các khoản đầu tư (bên cạnh chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước).
Đặc biệt, hiện nay SCIC nằm dưới sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng 18 tập đoàn, tổng công ty khác. Do đó, một trong những định hướng của SCIC là nghiên cứu cơ hội tham gia đầu tư dự án, đặc biệt là các dự án có trọng điểm, quy mô lớn, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban tìm kiếm cơ hội đầu tư để hợp tác triển khai dự án, cùng tham gia triển khai các dự án mà các tập đoàn, tổng công ty đang triển khai hiệu quả...
Với mô hình doanh nghiệp, hoạt động của SCIC hiện có nhiều điểm giống như nhiều quỹ đầu tư của Chính phủ cũng như các quỹ tư nhân khác, với đặc tính nổi trội là luôn đề cao tính hiệu quả và minh bạch. SCIC chịu những áp lực đó và hướng đi thị trường này được giới chuyên gia nhìn nhận là phù hợp xu thế và cần tiếp tục được phát huy.