Sau 3 tuần sống trong nỗi lo và sự cảnh giác cao độ với dịch bệnh, nhịp sống đời thường và hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp đang dần sôi động trở lại, với kỳ vọng sức bật tăng trưởng sẽ lớn hơn để bù đắp cho khoảng nghỉ không mong đợi vừa qua.
Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn và hệ quả của nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế và TTCK. Tuy nhiên, đây là phép thử cần thiết đối với sức chịu đựng của nền kinh tế và TTCK Việt Nam.
Theo ông Hà, với sự lớn mạnh về quy mô như hiện tại, TTCK Việt Nam đủ sức vượt qua “phép thử” này. Năm nay, MBS được Ngân hàng mẹ (Ngân hàng TMCP Quân đội) giao kế hoạch đạt 360 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25% so với năm 2019. “Chúng tôi sẽ cố gắng để làm vượt”, ông Hà chia sẻ.
TTCK Việt Nam khởi đầu năm 2020 với VN-Index là 960,99 điểm, so với hiện nay (VN-Index quanh 930 điểm), chỉ số này giảm 3,15%.
Dịch bệnh làm ngưng trệ hoạt động sản xuất kinh - doanh của nhiều doanh nghiệp, nhiều chủ thể trong nền kinh tế, nhưng không làm giảm động lực tăng trưởng, nhất là khi nền kinh tế có thêm những yếu tố mới, có lợi cho sự phát triển dài hạn.
Ở mức định giá hiện nay, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Lê Minh Tâm cho rằng, TTCK Việt Nam bắt đầu rẻ hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Hiệp định EVFTA được thông qua và triển khai sẽ là một cánh cổng cơ hội mở ra cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Việc TTCK sụt giảm 3,15% về điểm số kể từ đầu năm 2020 đến nay mang tính phản ứng tâm lý e ngại thái quá trước dịch cúm Covid-19 là chính.
Tham khảo của Báo Ðầu tư Chứng khoán cho thấy, nhiều người nghiêng về quan điểm, dịch cúm sẽ không ảnh hưởng lớn và lâu dài, bởi với trình độ khoa học công nghệ hiện nay thì việc tìm ra vắc-xin và thuốc đặc trị chỉ là vấn đề thời gian.
Khi ảnh hưởng của dịch cúm qua đi, TTCK Việt Nam sẽ trở lại quỹ đạo vốn có, trong đó yếu tố nội lực của doanh nghiệp và điểm mới chính sách sẽ là 2 yếu tố nền tảng, quyết định sức tăng trưởng của năm.
Về chính sách điều hành, năm 2020 - năm làm nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán mới, điều được các thành viên thị trường chờ đợi nhất chính là việc cần có một quy chuẩn rõ ràng về không gian đầu tư cho vốn ngoại chảy vào doanh nghiệp Việt.
Nhiều năm qua, đã có nhiều kiến nghị về việc này đến từ các hiệp hội, các diễn đàn, các nhà đầu tư lớn như Dragon Capital, VinaCapital, các tổ chức tài chính trung gian…, nhưng Luật Chứng khoán 2019 mới chỉ dừng ở quy định “giao Chính phủ hướng dẫn”.
Gần đây, thông tin về việc Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, điều hành khối kinh tế tổng hợp gồm kế hoạch; tài chính, giá cả; tiền tệ, ngân hàng; thị trường vốn, TTCK... mang đến kỳ vọng chính sách cho TTCK sẽ xử lý nhanh hơn, thông thoáng, quyết liệt hơn các năm cũ.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán kiến nghị, năm nay, Thủ tướng nên bố trí gặp các tổng giám đốc khối công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư vài lần để thấu hiểu câu chuyện thị trường và có những quyết sách thúc đẩy sự phát triển.
Báo cáo phát hành ngày 18/202020 của FiinPro cho biết, chỉ số P/E và P/B của TTCK Việt Nam đang dao động quanh mức 14,46 lần và 2,16 lần.
Ðây là mức thấp hơn thời điểm VN-Index quanh mốc 700 điểm. Tăng trưởng EPS nhóm VN30 năm 2019 đạt 3%, nhưng giới phân tích dự phóng năm 2020, EPS của nhóm VN30 có thể tăng 15,3%, tương đương mức tăng của năm 2017.
Nhịp hoạt động của doanh nghiệp, của thị trường năm nay bị trễ so với mọi năm, nhưng ở góc nhìn lạc quan, đây là tín hiệu tốt cho một sự xuất phát mới của đà tăng trưởng.