PVX là cổ phiếu thường xuyên có mặt trong số 5 cổ phiếu giao dịch lớn nhất trên cả 2 sàn TP.HCM và Hà Nội

PVX là cổ phiếu thường xuyên có mặt trong số 5 cổ phiếu giao dịch lớn nhất trên cả 2 sàn TP.HCM và Hà Nội

Phép màu mới cứu được PVX

Sau khi bị lỗ nặng 2 năm (2012-2013) và tình hình kinh doanh năm nay còn khá mờ mịt, thì gần như chắc chắn, cổ phiếu PVX của Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) sẽ bị hủy niêm yết vào đầu năm 2015. Tuy nhiên, PVC vẫn chưa hoàn toàn hết  hy vọng.

Nguy cơ hủy niêm yết

Số phận của cổ phiếu PVX không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cổ đông đang nắm cổ phiếu này, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chung. Đây là cổ phiếu thường xuyên có mặt trong nhóm 5 cổ phiếu giao dịch lớn nhất trên cả 2 sàn TP.HCM và Hà Nội, nên một ngày nào đó, nếu PVX buộc phải chia tay thị trường, thì sự sôi động trên sàn sẽ bị giảm sút và các công ty chứng khoán cũng sẽ bị hao hụt doanh thu không nhỏ từ môi giới.

Trong khi đó, nhìn vào tình hình hiện tại, gần như chỉ có một phép màu kỳ diệu xuất hiện trong nửa cuối năm 2014 mới có thể giúp cho PVC lật ngược được tình thế để có thể có lãi, thoát khỏi án hủy niêm yết bắt buộc.

Theo quy định tại Nghị định số 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc khi có kết quả kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp hoặc tổng lỗ lũy kết vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất.

Năm 2012, PVC đã lỗ hơn 1.847 tỷ đồng và năm 2013 lỗ tiếp 2.228 tỷ đồng. Như vậy, tổng lỗ của PVX sau 2 năm đã lên đến hơn 4.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2014, PVC ước có thể lỗ khoảng 300-400 tỷ đồng. Số liệu đã kiểm toán đến hết quý I/2014 cũng là một con số rất bi quan, với mức lỗ 192,67 tỷ đồng.

Với xu hướng này, việc PVC tiếp tục bị lỗ nặng trong năm 2014 gần như chắc chắn.

Khe cửa rất hẹp

Hiện tại, cổ phiếu PVX đang ở thế bấp bênh trước khả năng sẽ bị hủy niêm yết vào đầu năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn có thể có khe cửa rất hẹp cho cổ phiếu này.

Đó là khả năng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có thể sẽ ra tay cứu PVC thoát hiểm, bởi cho dù đang lâm vào tình cảnh bê bết, nhưng sự tồn tại của PVC vẫn có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành dầu khí. Sự thua lỗ của PVC trong mấy năm qua chủ yếu đến từ các công ty con kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, trong khi ở lĩnh vực truyền thống (xây lắp các công trình dầu khí trên cạn), PVC vẫn là doanh nghiệp số một. Do đó, nếu PVN hỗ trợ PVC trong việc tái cơ cấu các khoản nợ, trích lập dự phòng được phân bổ vào các năm sau, thì Tổng công ty có thể sẽ thoát lỗ trong năm 2014 và vẫn tiếp tục có lỗ lũy kế nhỏ hơn vốn chủ sở hữu và cổ phiếu PVX vẫn còn có cơ hội ở lại sàn chứng khoán.

Trong khi đó, bản thân PVC cũng đang tiếp tục căng sức “cày” để hy vọng vớt vát phần nào tình hình. Ông Trần Minh Ngọc, Tổng giám đốc PVC cho biết, năm 2014, dự kiến giá trị sản xuất - kinh doanh của PVC là 8.500 tỷ đồng, tăng 47,9% so với năm 2013 và doanh thu là 7.500 tỷ đồng, tăng 41,5%.

Thực tế, cổ phiếu PVX đã từng đứng trước tình huống nguy hiểm tương tự, song cuối cùng vẫn đảo chiều ngoạn mục. Cụ thể, cổ phiếu PVX tưởng chừng đã phải hủy niêm yết từ đầu năm 2014, nhưng bất ngờ, Công ty được điều chỉnh báo cáo kiểm toán năm 2011, chuyển từ lỗ sang có lãi và đương nhiên, thoát án hủy niêm yết và vẫn tiếp tục ung dung có mặt trên sàn chứng khoán cho đến tận ngày hôm nay. Trong khi đó, từ nay đến hết năm 2014, thời gian tuy không còn dài, nhưng cũng đủ để có thể có một yếu tố bất ngờ nào đó xảy ra với PVX.

Vào cuối năm 2013, cổ phiếu PVX đã từng giao dịch trong tình trạng bấp bênh, trước khả năng sẽ bị hủy niêm yết và mức giá ở thời điểm đó chỉ vào khoảng 2.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau khi được điều chỉnh báo cáo kiểm toán năm 2011 (chuyển từ lỗ sang lãi) và tiếp tục ở lại sàn, giá cổ phiếu PVX đã ngay lập tức tăng vọt lên trên 7.000 đồng/cổ phiếu, tạo ra mức lợi nhuận khủng cho không ít nhà đầu tư.

Tin bài liên quan