Phát triển thị trường chứng khoán bền vững: Mục tiêu của nhà quản lý

Phát triển thị trường chứng khoán bền vững: Mục tiêu của nhà quản lý

(ĐTCK) Trải qua 18 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, thể hiện được chức năng cốt lõi là kênh huy động vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Bởi vậy, trong thời gian tới, việc phát triển TTCK bền vững được coi là mục tiêu quan trọng của các cơ quan quản lý.  

Song hành lượng và chất

Chia sẻ tại diễn đàn “Để TTCK Việt Nam phát triển bền vững và minh bạch” do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Báo Nhân dân và CTCK MB (MBS) phối hợp tổ chức cuối tuần qua, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường (UBCK) cho rằng, thời gian qua, TTCK Việt Nam đã phát triển nhanh, khá đồng bộ về cơ cấu.

"Về quy mô, tính đến ngày 31/7/2018, giá trị vốn hóa của TTCK đạt 77,5% GDP. Về chức năng huy động vốn, tính đến tháng 6/2018, thông qua nhiều hình thức khác nhau, TTCK đã giúp doanh nghiệp và Chính phủ huy động hơn 2,1 triệu tỷ đồng... Với những thành tựu đạt được, việc phát triển TTCK bền vững là mục tiêu quan trọng trong thời gian tới", bà Bình nói.

Một trong những giải pháp mà đại diện UBCK đưa ra, đó là gia tăng chất lượng cho thị trường bằng việc hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán; đa dạng và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, đặc biệt là giám sát quá trình tăng vốn và sử dụng vốn trước khi đăng ký giao dịch và niêm yết của doanh nghiệp; giám sát tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng, vấn đề sử dụng vốn, công bố thông tin và quản trị công ty...

"Nếu thực thi tốt những giải pháp, TTCK Việt Nam sẽ phát triển cả về lượng và chất", bà Bình nói.

Thực tế, trong những năm qua, nhiều chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp, công bố thông tin, chế độ báo cáo của công ty đại chúng đã được cơ quan quản lý ban hành như Nghị định 71/2015/NĐ-CP, Thông tư 155/2015/TT-BTC, với nhiều quy định hướng tới thông lệ quốc tế và nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp.

Một trong những bước tiến pháp lý lớn có thể kể đến là Nghị định 60/2015/NĐ-CP đã thể chế hóa và đẩy nhanh công tác đăng ký giao dịch, niêm yết của các doanh nghiệp cổ phần hóa và công ty đại chúng trên TTCK, góp phần công khai công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đồng thời việc gắn công tác cổ phần hoá với đăng ký giao dịch đã đưa TTCK Việt Nam tiếp cận với thông lệ quốc tế.

Ở góc độ là nhà nghiên cứu vĩ mô, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để TTCK phát triển bền vững thì chính sách vĩ mô, bao gồm cả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, cũng phải đảm bảo sự ổn định, nhất quán và dễ dự đoán.

“Chỉ khi chính sách vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế thực chất thì các doanh nghiệp mới phát triển vững chắc và đồng đều. Đây chính cái gốc để TTCK phát triển bền vững”, ông Thế Anh nhấn mạnh.

Về phía các thành viên thị trường, đại diện Sở GDCK TP.HCM (HOSE), Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đánh giá, yếu tố bền vững, minh bạch trên TTCK đang được thể hiện ngày một rõ nét.

Các Sở, VSD thường xuyên quan tâm tới việc thúc đẩy tính bền vững trong hoạt động thông qua việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tổ chức đối thoại thường xuyên và định kỳ với các thành viên khác trên thị trường để tìm hiểu những vướng mắc, cũng như nắm bắt các kiến nghị để từ đó đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp.

Nhiều dư địa tăng trưởng

TTCK Việt Nam đã có giai đoạn tăng trưởng mạnh từ đầu năm 2017 đến hết quý I/2018 và lọt vào nhóm những TTCK tăng trưởng tốt nhất thế giới.

Tuy nhiên, sau khi thiết lập mốc đỉnh lịch sử 1.204,33 điểm (ngày 9/4/2018), thị trường sụt giảm rất mạnh trong quý II/2018. Tính đến thời điểm hiện tại, VN-Index đã sụt giảm hơn 25% so với mức đỉnh.

Mặc dù vậy, theo các diễn giả, việc thị trường điều chỉnh giảm sau thời gian dài tăng nóng là bình thường, giúp mặt bằng giá các cổ phiếu trở lại mức hợp lý.

Đánh giá về các yếu tố tác động tới TTCK trong thời gian tới, ông Phạm Thiên Quang, Trưởng bộ phận Ngành và cổ phiếu, CTCK MB (MBS) cho rằng, bên cạnh rủi ro về căng thẳng thương mại, xu hướng tăng lãi suất đồng USD..., việc kinh tế thế giới tiếp tục có xu hướng tăng trưởng tích cực tại các nền kinh tế lớn sẽ hỗ trợ cho các thị trường tài sản, đặc biệt là TTCK.

Trong khi đó, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định, với tốc độ tăng trưởng GDP 6,81% trong năm 2017 và kỳ vọng duy trì tăng trưởng khá trong năm 2018, nên TTCK có nhiều dư địa để tăng trưởng.

Biến động của TTCK là một ẩn số, nhưng các thành viên thị trường đều tin tưởng rằng, với những nỗ lực của cơ quan quản lý nói chung, các thành viên thị trường nói riêng trong việc tạo ra một sân chơi minh bạch, đa dạng hơn về hàng hóa và sản phẩm, bên cạnh triển vọng tích cực về kinh tế vĩ mô, dự báo kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp dẫn dắt thị trường, nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn đang mở ra đối với TTCK, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm 2018 và năm 2019.            

Quan trọng là tạo niềm tin cho thị trường

Phát triển thị trường chứng khoán bền vững: Mục tiêu của nhà quản lý ảnh 1

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBCK.

Để thị trường phát triển bền vững thì điều quan trọng nhất là phải tạo niềm tin cho các thành viên thị trường. Ở góc độ cơ quan quản lý, UBCK đang nỗ lực tạo nền tảng bền vững cho TTCK thông qua các giải pháp chính sách như: Triển khai xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi theo hướng giải quyết các vướng mắc hiện hành với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; nâng cao chất lượng quản trị công ty, công bố thông tin...

Song song với đó, UBCK cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, điều hành TTCK, hoạt động giám sát và cưỡng chế thực thi nhằm bảo đảm an toàn cho TTCK.

Dù chất lượng quản trị của các doanh nghiệp hiện đã cải thiện và nâng cao đáng kể, nhưng vẫn còn tồn tại những cổ phiếu có chất lượng yếu kém, doanh nghiệp gian lận công bố thông tin, công bố báo cáo tài chính sai luật… Thông qua việc xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, sẽ nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật chứng khoán, từ đó thúc đẩy các tổ chức kinh doanh chứng khoán phát triển.

TTCK Việt Nam cần sớm tiếp cận với những cơ chế, thông lệ quốc tế

Phát triển thị trường chứng khoán bền vững: Mục tiêu của nhà quản lý ảnh 2

 Ông lê hải trà, Phụ trách HĐQT HOSE.

Khi chúng ta nói đến phát triển bền vững, nghĩa là chúng ta nhắc đến các tiêu chí. Trên thế giới, khái niệm phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi các công ty liên tục xây dựng và duy trì một mô hình quản trị hiệu quả, có sự cân nhắc các yếu tố phi tài chính dài hạn là môi trường -xã hội - quản trị (ESG).

Đây là điều được Liên hợp quốc quan tâm và ủng hộ, với hàng trăm các tổ chức, cá nhân tham gia sáng kiến đầu tư có trách nhiệm và HOSE là một trong những thành viên tham gia sáng khiến phát triển các Sở GDCK, nhằm thúc đẩy các nguyên tắc về phát triển bền vững trên TTCK Việt Nam.

Thực tế cho thấy, việc tạo lập một khung quản trị tiên tiến sẽ góp phần giúp các công ty giảm thiểu rủi ro, đồng thời tạo động lực cạnh tranh mang tính bền vững và lâu dài.

Đối với các TTCK cận biên mới nổi, trong đó có Việt Nam, việc thẩm định hàng hóa niêm yết thường được thực hiện bởi cơ quan thẩm định (UBCK, Sở GDCK).

Với các thị trường phát triển, tất cả thông tin liên quan đến doanh nghiệp sẽ công khai, nhà đầu tư phải có trách nhiệm tìm hiểu và tự chịu trách nhiệm theo quyết định của mình. Để có thể phát triển bền vững, TTCK Việt Nam cần sớm tiếp cận với những cơ chế, thông lệ này.

Tin bài liên quan