Các doanh nghiệp thực thi ESG tốt có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn

Các doanh nghiệp thực thi ESG tốt có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn

Phát triển bền vững, góc nhìn của các quỹ ngoại

(ĐTCK) Phát triển bền vững đang ngày càng trở thành mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức.

Ông Hoàng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty kiểm toán PwC Việt Nam cho hay, cách đây 5 - 7 năm, khi mời các chuyên gia Ấn Độ đến Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp về phát triển bền vững, các doanh nghiệp cho rằng, đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của Nhà nước, cho thấy nhận thức về phát triển bền vững của nhiều doanh nghiệp gần như là con số 0.

Đến nay, trước những xu hướng mới, cách tiếp cận mới, nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức đòi hỏi doanh nghiệp phải quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững, qua đó tạo nên sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp.

Một số quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chia sẻ, quan tâm đến phát triển bền vững, xuất phát điểm không phải từ quỹ mà do sức ép của các nhà đầu tư quan tâm tới các chỉ số phi tài chính, họ tìm kiếm các phương thức khác nhau để tích hợp những yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) vào chiến lược đầu tư.

Đại diện Công ty Quản lý quỹ Tundra Fonder (Thụy Điển) cho biết, tại Mỹ, châu Âu, tiêu chí về ESG rất được coi trọng, nhất là đối với nhà đầu tư tổ chức. Bởi lẽ, doanh nghiệp quan tâm tới các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị sẽ giúp doanh nghiệp có thể tồn tại lâu hơn, khoản đầu tư của họ ít có nguy cơ bị “gãy” giữa chừng. Một nghiên cứu cho thấy, có mối quan hệ mật thiết giữa việc doanh nghiệp tuân thủ các chuẩn mực về phát triển bền vững, gắn kết ESG vào hoạt động với lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp thực thi ESG tốt có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững sẽ có cơ hội tiếp cận dòng vốn quốc tế dễ dàng hơn.

Có mặt tại Việt Nam 20 năm, ký kết và thực hiện bộ “Nguyên tắc cơ bản về đầu tư có trách nhiệm (PRI)” của Liên hợp quốc từ năm 2013, ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng, ESG là mục tiêu di động, luôn luôn thay đổi, mỗi doanh nghiệp cần liên tục tìm kiếm và cải thiện.

Tại Dragon Capital, với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Công ty tiếp tục nâng cấp hệ thống quản lý ESG, từ đó bám sát hơn thực tế của môi trường đầu tư và có những điều chỉnh cần thiết trong phương pháp đánh giá cho phù hợp với chiến lược đầu tư.

Ông Vinh chia sẻ, ban đầu, đầu tư có trách nhiệm không xuất phát từ nội tại Dragon Capital mà do các nhà đầu tư “rót tiền” vào các quỹ của Công ty quan tâm tới ESG. Theo đó, Công ty chịu sức ép từ các nhà đầu tư, phải quan tâm hơn tới các chỉ số phi tài chính, trong đó có ESG, chứ không tập trung vào các con số tài chính.

“Tại Dragon Capital, chúng tôi xây dựng một danh sách loại trừ, các doanh nghiệp trong danh sách này sẽ không được xem xét đầu tư. Với doanh nghiệp ngoài danh sách, Công ty sẽ thực hiện bước tiếp theo để xác định doanh nghiệp có tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh, có quy trình quản trị ESG, có nhân viên chuyên trách vấn đề này…, với chủ đích là tìm hiểu xem lãnh đạo doanh nghiệp có thực sự cam kết về phát triển bền vững hay không”, ông Vinh nói.

Đồng quan điểm, ông Vũ Quang Thịnh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietnam Holding cho hay, Công ty đã thực hiện PRI và đưa ra các tiêu chí đánh giá về môi trường, xã hội, quản trị trong quy trình đầu tư.

Theo ông Thịnh, các doanh nghiệp cần có góc nhìn tổng quan hơn, thay vì nhìn ESG như là trách nhiệm phải thực hiện. Đơn cử, nếu một doanh nghiệp bị cáo buộc xả thải môi trường, mức độ đền bù sẽ rất lớn. Đây chính là điểm mà các nhà đầu tư quan tâm. Thiệt hại của doanh nghiệp là rất lớn, tài sản tích lũy hàng chục năm có thể “bốc hơi” trong vài giờ. Do đó, nhà đầu tư mong muốn mang tiền gửi gắm cho những nhà quản trị giỏi, quan tâm tới quản trị rủi ro và phát triển bền vững.

Ông Thịnh chia sẻ, 10 năm trước, ông không biết gì về ESG, nhưng do sức ép từ các nhà đầu tư đến từ châu Âu - những người có nhận thức cao về trách nhiệm môi trường, xã hội, đã yêu cầu Công ty phải đầu tư vào những doanh nghiệp tuân thủ tiêu chí phát triển bền vững. Đến nay, các doanh nghiệp được Công ty đầu tư đều trải qua khâu thẩm định, trong đó có những câu hỏi về ESG. Kết quả, danh mục đầu tư của Công ty đạt hiệu quả cao.

Tin bài liên quan