Phạt thao túng chứng khoán: Cần mạnh và đồng bộ hơn

Phạt thao túng chứng khoán: Cần mạnh và đồng bộ hơn

(ĐTCK) Nhìn nhận các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán ngày càng tinh vi, phức tạp, khi góp ý cho dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi sắp được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 11 tới, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần vừa gia tăng chế tài xử phạt, vừa tăng nặng mức phạt nhằm đảm bảo tính răn đe.

Theo quy định tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, nhà đầu tư có hành vi sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác, hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán…, thì mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 10 lần khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm.

Nếu không có khoản thu trái pháp luật thì áp dụng mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng. Mức phạt tiền này được áp dụng đối với tổ chức. Nếu cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền tối đa bằng một nửa mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức…

Nghĩa là, nếu được Quốc hội thông qua, thì mức phạt tiền đối với hành vi thao túng chứng khoán tăng từ tối đa 2 tỷ đồng lên 3 tỷ đồng đối với tổ chức, từ tối đa 1 tỷ đồng lên 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm.

Cho rằng mức phạt tiền như vậy là chưa đủ sức tính răn đe, dẫn đến khả năng đối tượng vi phạm cứ nộp tiền phạt xong là vi phạm tiếp tục diễn ra, các đại biểu Quốc hội đề xuất hoàn thiện dự thảo Luật dựa trên 4 khía cạnh.

Ðầu tiên, ngoài phạt tiền, cần bổ sung vào dự thảo Luật các hình thức xử phạt bổ sung như “treo” giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp công bố thông tin gian dối, rút giấy phép hành nghề của các chức danh nghề nghiệp trên thị trường chứng khoán khi bị kết luận có các hành vi thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián...

Thứ hai, trên thực tế, đối tượng chủ mưu thao túng giá chứng khoán đôi khi không trực tiếp thực hiện hành vi thao túng, mà cấu kết với các đối tượng khác thực hiện hành vi vi phạm.

Do vậy, dự thảo Luật cần có chế tài để đảm bảo ngoài thu hồi số tiền do đối tượng trực tiếp vi phạm mà có, còn thu hồi cả khoản thu lợi bất chính của những tổ chức và cá nhân có liên quan.

Thứ ba, để các quy định trên cũng như nhiều nội dung khác nhanh đi vào cuộc sống sau khi được Quốc hội thông qua, sớm chấn chỉnh các vi phạm, dự thảo Luật cần được hoàn thiện theo hướng quy định tối đa các nội dung cụ thể để tránh giao cho Chính phủ hướng dẫn quá nhiều nội dung...

Thứ tư, cần tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để cơ quan này đủ khả năng và tính hiệu quả trong xác minh và kịp thời xử lý các vi phạm, nâng cao tính tuân thủ, cưỡng chế thực thi.

Khi chế tài xử phạt phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng, thực hiện hành vi giao dịch gian lận trên thị trường chứng khoán, đối tượng vi phạm sẽ mất nhiều hơn rất nhiều so với cái lợi thu được, thì sức răn đe tạo ra sẽ lớn hơn, góp sức cho thị trường công bằng, minh bạch, đáng tin cậy ngày càng được tăng cường, mang lại niềm tin cho nhà đầu tư - yếu tố sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của thị trường.

Tin bài liên quan