Phản ứng nhanh

Phản ứng nhanh

(ĐTCK-online) Hàng loạt báo cáo và bình luận của các chuyên gia về việc thoái vốn của Quỹ đầu tư Indochina Capital Vietnam Holding (ICV) đã được đưa ra ngay sau khi Quỹ công bố quyết định về vấn đề này ngày 3/9. Trong đó, đáng chú ý là báo cáo của CTCK SSI khi phân tích cụ thể về các cổ phiếu và mức độ ảnh hưởng khi ICV bán ra dựa trên khối lượng giao dịch trung bình mỗi ngày và khối lượng cổ phiếu ICV đang nắm giữ.

SSI chỉ rõ cổ phiếu nào bị ảnh hưởng nhiều, ảnh hưởng ít; cổ phiếu nào nên mua nếu giá điều giảm do tác động thông tin ICV bán ra. SSI cho rằng, danh mục cổ phiếu niêm yết của ICV không nhiều, khi bán sẽ không ảnh hưởng lớn đến thị trường, nếu có thì chỉ là ảnh hưởng về tâm lý. NĐT không nên quá lo ngại. Thậm chí, nếu giá các cổ phiếu này giảm thì đó là cơ hội để mua vào.

TIN LIÊN QUAN

* ICV thanh lý cổ phiếu, đâu phải sao quả tạ

* ICV thoái vốn: Chuyện nhỏ!

* Credit Suisse: nên “chốt lời” với chứng khoán Việt Nam

* Indochina Capital Việt Nam: Tan tác vì quỹ đầu cơ

* Số mệnh Indochina Capital Vietnam được an bài

* Nghiệt ngã quỹ đầu tư

* Hợp tác Dragon Capital và Indochina Capital bất thành 

* Indochina và Dragon thỏa thuận liên doanh quản lý Quỹ ICV

Một trong những thông tin khiến tâm lý thị trường chao đảo là Credit Suisse khuyến nghị bán cổ phiếu ở Việt Nam dựa trên phân tích PE tính theo EPS của năm 2008 và mức giá hiện tại. Sự không hợp lý ở chỗ, việc chọn mẫu 10 DN không mang tính đại diện cho TTCK Việt Nam và không tính đến kỳ vọng lợi nhuận của các DN trong năm 2009. Credit Suisse đã bị các CTCK phản ứng kịch liệt trong bản tin thị trường ngay sau đó.

Có thể nói, chính sự phản ứng kịp thời của các chủ thể đóng vai trò tham gia tạo lập thị trường đã giúp TTCK không sụt giảm thêm do tâm lý lo sợ của NĐT. Thị trường đã phục hồi vào phiên hôm qua do NĐT tiếp nhận những thông tin trên một cách có phân tích.

Nhìn lại giai đoạn tháng 6, thị trường điều chỉnh giảm sau khi có sự phục hồi mạnh và thông tin về giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, một số CTCK đã đưa ra nhận định bi quan rằng, thị trường phải giảm về dưới 400 điểm (giảm trên 20%). Nhưng sau đó, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính và một số CTCK khác đã phân tích về giá chứng khoán của thị trường Việt Nam so với khu vực, về ảnh hưởng của thắt chặt tín dụng với chứng khoán sẽ ảnh hưởng như thế nào. Chính những thông tin phản biện như vậy đã giúp thị trường lấy lại thăng bằng sau đó.

Đến nay thì giá nhiều cổ phiếu đã tăng cao hơn so với mức đỉnh đạt được hồi tháng 6. NĐT bắt đầu rút ra bài học kinh nghiệm về phân tích thông tin trên thị trường. Cho đến thời điểm này thì ở ta vẫn chưa có các tổ chức phân tích thị trường độc lập và uy tín. Hầu hết báo cáo phân tích là do các CTCK đưa ra. Cho dù không có ý đồ từ trước, nhưng không thể phủ nhận là những báo cáo nhận định tốt hay xấu về thị trường đều ít nhiều liên quan đến quyền lợi của tổ chức lập báo cáo, nhất là khi hầu hết công ty đều có hoạt động tự doanh hoặc hỗ trợ cho một nhóm NĐT, khách hàng "VIP" của mình.

Phản ứng nhanh hay chậm của CTCK nêu trên vì thế có thể có động cơ từ lợi ích. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng bằng thị trường có nhiều nhận định mang tính chất phản biện, giúp NĐT cá nhân có cái nhìn đúng về một thông tin, một sự việc có khả năng tác động đến thị trường.