Phân ngành doanh nghiệp sẽ giúp “thân thiện hóa” TTCK Việt Nam

Phân ngành doanh nghiệp sẽ giúp “thân thiện hóa” TTCK Việt Nam

(ĐTCK) Định kỳ hàng năm, hai sở GDCK sẽ thực hiện rà soát kỳ kết quả phân ngành các DN niêm yết. Dù tiêu chí và cách thức có thể khác nhau nhưng đây là hoạt động thường niên cần thiết của cả hai sở nhằm cập nhật kết quả phân ngành của các DN niêm yết trên cả hai sàn, nhằm giúp các nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn về hoạt động của các DN theo nhóm ngành cũng như các ngành khác nhau. 

Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), hoạt động sản xuất - kinh doanh chính của DN là cơ sở cho việc phân ngành, trong đó doanh thu được lựa chọn là tiêu chí chính. Theo đó, mảng hoạt động sản xuất - kinh doanh nào mang lại doanh thu lớn nhất sẽ được xác định là hoạt động sản xuất - kinh doanh chính của DN đó.

Theo kết quả rà soát năm 2015, tại HNX có 368 DN niêm yết được phân ngành theo ngành cấp I (chiếm tỷ lệ 100%), 364 DN niêm yết được phân vào ngành cấp II (chiếm tỷ lệ 98,9%) và 134 DN niêm yết được phân vào ngành cấp III (chiếm tỷ lệ 36,4%).

Trong 11 nhóm ngành cấp I, ngành tài chính có giá trị vốn hóa lớn nhất (chiếm 30,34% giá trị vốn hóa toàn sàn HNX). Hai ngành công nghiệp và xây dựng có số lượng DN niêm yết nhiều nhất, chiếm hơn 50% số lượng DN trên sàn HNX (191/368).

Chưa có DN nào thuộc ngành nông lâm thủy sản niêm yết trên HNX. Kết quả rà soát cũng cho thấy, có 16 DN niêm yết chuyển ngành cấp I, do các DN này hoạt động đa ngành, doanh thu và giá trị sản xuất biến động qua các năm theo tình hình sản xuất - kinh doanh và thị trường, trong đó có 7 DN được chuyển xếp từ các ngành khác sang ngành thương mại, dịch vụ lưu trú, ăn uống.

Phân ngành doanh nghiệp sẽ giúp “thân thiện hóa” TTCK Việt Nam ảnh 1 

Hệ thống phân ngành HASIC được phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu khác nhau của các thành viên thị trường như nghiên cứu, thống kê, phân tích, so sánh các công ty trong cùng ngành sản xuất - kinh doanh cũng như giữa các ngành với nhau; tạo lập cơ sở xây dựng các sản phẩm mới cho TTCK trong tương lai như chỉ số, ETF; tăng cường công tác quản lý thị trường…

Tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE), việc phân ngành DN được thực hiện ngay sau khi các DN công bố báo cáo kiểm toán năm, nghĩa là vào thời điểm tháng 4 - 5 hàng năm. Tuy nhiên, trong năm nay sẽ có sự thay đổi lớn.

Bà Trần Thị Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE cho biết, dự kiến trong tháng 11 tới, Sở sẽ tổ chức hội thảo giới thiệu phân ngành và bộ chỉ số mới, theo đó, việc phân ngành DN để cho bộ chỉ số ngành sẽ dựa trên tiêu chuẩn phân ngành GICS (Global Industry Classification Standard) của bộ chỉ số MSCI (Morgan Stanley Capital International).

Dự kiến, HOSE sẽ ra mắt chỉ số ngành mới vào tháng 1/2016. Theo đó, các NĐT nước ngoài có thể dựa trên các chỉ số này để lập quỹ đầu tư theo chỉ số cũng như dễ dàng phân bổ vốn hơn khi tiến hành đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Trước đó, trao đổi với báo giới, ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực HOSE cũng cho biết, việc phân ngành như vậy nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như hỗ trợ các CTCK, công ty quản lý quỹ tạo ra các sản phẩm mới dựa trên chỉ số.

Việc phân ngành theo chuẩn GICS do MSCI và S&P 500 nghiên cứu phát triển là chuẩn rất phổ biến trên thế giới, khi hiện có khoảng hơn 43.000 công ty được phân theo chuẩn này. Ngoài ra, việc phân ngành theo chuẩn GICS nhằm mục đích thu hút đầu tư nước ngoài, bởi nó mang tính đồng bộ giữa các quốc gia trên toàn cầu. 

Tin bài liên quan