Tính thanh khoản của TTCK Việt Nam được cải thiện mạnh trong thời gian qua.

Tính thanh khoản của TTCK Việt Nam được cải thiện mạnh trong thời gian qua.

Phần khuất của bức tranh môi giới

(ĐTCK-online) Nếu như 10 CTCK hàng đầu đang chiếm tới 51,97% thị phần môi giới trên HOSE và 42,13% thị phần trên HNX thì ở phía đối lập, hoạt động của nhiều CTCK nằm phía cuối bảng xếp hạng đang hết sức bi bét. Có công ty sau 2 năm rưỡi hoạt động vẫn chưa đầy 300 tài khoản; có công ty cả tháng ròng chỉ môi giới được 1 lệnh dưới 4.000 cổ phiếu… Hoạt động của nhóm cuối ngày càng lạc điệu với sự sôi động của thị trường, sự lớn mạnh của các anh em “đồng môn”.

Phần khuất của bức tranh môi giới

Số lượng tài khoản NĐT khiêm tốn, hoàn toàn vắng bóng NĐT tổ chức và NĐT nước ngoài; công nghệ và nhân sự ở mức tối thiểu; không báo cáo phân tích nghiên cứu thị trường; dịch vụ hỗ trợ NĐT chỉ ở mức khiêm tốn, đó là những nét chính, khắc họa điểm chung của các CTCK nằm phía dưới bảng xếp hạng.

Tính đến cuối quý III, khoảng 25% các CTCK đang hoạt động có dưới 1.000 tài khoản. Tổng số tài khoản của các công ty này chỉ chiếm vỏn vẹn 2% tổng số tài khoản toàn thị trường (700.000 tài khoản). Trong số này, một số CTCK mới đi vào hoạt động được 6 tháng, nên chưa thu hút được NĐT. Nhưng vẫn có CTCK hoạt động từ tháng 4/2007, tức là đã có “thâm niên” 2 năm rưỡi mà chỉ có 300 tài khoản!

Loại CTCK hoạt động trên 1 năm nhưng chỉ số tài khoản dưới mức 500 là khá nhiều. Hai CTCK đứng cuối, thậm chí số tài khoản hiện nay chỉ nhỉnh hơn con số 100. Chênh lệch số lượng tài khoản giữa CTCK dẫn đầu và cuối cùng là 500 lần!

Tính thanh khoản của TTCK Việt Nam được cải thiện mạnh trong thời gian qua. Trong quý III/2009 với 65 phiên giao dịch, trung bình trên HOSE mỗi phiên có 50 triệu cổ phiếu được sang tên với giá trị chuyển nhượng 2200 tỷ đồng - những con số mơ ước, vượt xa mức kỷ lục năm 2008 (38,5 triệu cổ phiếu, xác lập vào ngày 23/9/2008). Trên HNX, tuy giao dịch kém sôi động hơn một chút, nhưng giá trị giao dịch cũng luôn ở mức bằng 1/2 - 2/3 giá trị giao dịch tại HOSE. Cùng với thanh khoản cải thiện, doanh thu từ hoạt động môi giới tại các CTCK tăng mạnh. Tuy nhiên với các CTCK nhỏ thuộc tốp dưới, thị phần môi giới vẫn rất khiêm tốn. Khoảng 20% CTCK nhỏ có thị phần môi giới mỗi công ty chỉ chiếm dưới 0,1%. Doanh thu phí môi giới trung bình hàng tháng (trên cả HOSE và HNX) của các CTCK tốp cuối chỉ từ 10 - 50 triệu đồng/tháng. Cá biệt, vào tháng 8/2009, trên HOSE có CTCK chỉ môi giới được đúng 3.400 cổ phiếu cho NĐT với phí môi giới chưa đến 120.000 đồng!

Sống dựa

CTCK hiện cần có vốn pháp định là 25 tỷ đồng thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, 10 tỷ đồng cho nghiệp vụ tư vấn đầu tư. Các CTCK thuộc tốp cuối hầu hết có quy mô vốn điều lệ nhỏ, chỉ có thể tiến hành hai nghiệp vụ trên. Hoạt động tư vấn tại các CTCK nhìn chung chưa phát triển đến mức có thể mang lại thu nhập, nên với thu nhập khiêm tốn từ mảng môi giới, dựa vào đâu các CTCK nhỏ tồn tại? Có ít nhất 3 lý do giải thích sự “sống sót” của các CTCK nhỏ, dù trên bề nổi, các công ty đang không hoạt động hiệu quả, thu không bù chi.

Thứ nhất, dù không đủ vốn để được thực hiện nghiệp vụ tự doanh, nhưng nhiều CTCK nhỏ vẫn hoạt động tự doanh chui, ẩn dưới các tài khoản cá nhân. Thứ hai, chủ chương chuyển tiền của NĐT về ngân hàng quản lý đã có, nhưng do không có sự thúc ép cũng như chế tài từ cơ quan quản lý, nên khá nhiều CTCK chưa thực hiện điều này. Tiền của NĐT do CTCK quản lý đã mang lại khoản thu nhất định cho các công ty này, dù không nhiều, nhưng cũng đủ trang trải một phần các chi phí hoạt động. Lý do thứ ba, hầu hết các CTCK nhỏ, phía cuối của bảng xếp hạng mới đi vào hoạt động trên dưới 1 năm, nên vẫn có thể tồn tại được do dựa vào nguồn vốn ban đầu.

Tồn tại hay không tồn tại?

Số lượng các CTCK bùng nổ một phần là lý do lịch sử. Vào giai đoạn TTCK lên cao trào cuối năm 2006 đầu năm 2007, số CTCK xin thành lập tăng vọt. Một số CTCK được thành lập với lý do các tổ chức tài chính, ngân hàng, tổng công ty, tập đoàn… cần có CTCK để thực hiện việc cổ phần hóa, nghiệp vụ kinh doanh trong nội bộ tổ chức sáng lập. Trong số này, chỉ có vài CTCK trẻ trung đã vươn vai lớn mạnh. Số còn lại đang hoạt động dựa vào cơ chế đặc thù: đơn vị chủ quản “mẹ” sẽ là tấm đệm bảo đảm cho các nghiệp vụ của CTCK “con”.

Một số CTCK được thành lập do nhân sự từ các CTCK đầu tiên đứng ra lập công ty riêng. Một số khác hình thành do sự góp vốn của các cá nhân và pháp nhân (không liên quan đến thị trường vốn). Loại công ty này được lập ra do sự hấp dẫn của việc tự doanh trên TTCK khi đó - với lợi thế về thông tin và nhập lệnh, các CTCK chiếm ưu thế hơn hẳn NĐT cá nhân. Tuy nhiên, tự doanh chỉ là một phần của sự hấp dẫn. Phần lớn hơn nằm ở “bài toán kinh doanh vốn” khôn ngoan. Thành lập một công ty, giả sử với 10 đồng vốn, sau 1 năm, CTCK dù chỉ tạo ra lợi nhuận khiêm tốn 2 đồng, cổ đông sáng lập vẫn có thể chuyển nhượng vốn góp với giá gấp ít nhất 2 vốn ban đầu (tương ứng P/E là 10 lần). Nhiều cổ đông sáng lập đã từng toan tính, năm đầu sẽ đẩy lợi nhuận của CTCK lên thật cao, để có thể đẩy giá cổ phiếu lên gấp nhiều lần mệnh giá…

Tuy nhiên, đó chỉ là bài toán giả định. Còn thực tế, “tồn tại hay không tồn tại” đang là bài toán chung của nhiều CTCK nhỏ.