Phái sinh: Người chơi chính chưa... xuất hiện

Phái sinh: Người chơi chính chưa... xuất hiện

(ĐTCK) Một trong những nội dung chính tại thông báo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ công bố giữa tháng 11 vừa qua là yêu cầu giám sát chặt chẽ hoạt động của TTCK phái sinh. Thị trường mới mở cửa (tháng 8/2017), nhưng có giao dịch sôi động ngoài dự báo là lý do khiến thị trường này vừa được khen, vừa phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn bình thường.

TTCK Phái sinh: mới có 0,24% nhà đầu tư là tổ chức

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán mới đây, ông Đinh Quanh Hoàn, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt cho biết, tại Chứng khoán Bản Việt, sản phẩm phái sinh được nhà đầu tư đón nhận tích cực, hiện đã có trên 1.000 khách hàng mở tài khoản và giao dịch trên thị trường này. Tuy nhiên, theo ông Hoàn, các nhà đầu tư mới tham gia thử nghiệm là chính và đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài hầu như chưa tham gia TTCK phái sinh Việt Nam.

Thống kê tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, tính đến cuối tháng 10, đã có 11.444 tài khoản giao dịch phái sinh được mở. Nhà đầu tư nước ngoài có  131 hợp đồng mua (giá trị 10,69 tỷ đồng) và 120 hợp đồng bán (giá trị 9,78 tỷ đồng).

Hoạt động giao dịch tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước (96,96%), sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài còn rất nhỏ bé, lần lượt là 0,24% và 0,05%. Hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán chiếm 2,75% khối lượng giao dịch phái sinh toàn thị trường.

Những con số trên cho thấy, TTCK phái sinh có sôi động trong những tháng đầu mở cửa, nhưng vai trò chính của thị trường này là cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro cho các tổ chức đầu tư thì chưa xuất hiện. Ông Đinh Quang Hoàn chia sẻ, sở dĩ các tổ chức nước ngoài chưa tham gia TTCK phái sinh là do các thành viên lưu ký là ngân hàng nước ngoài chưa triển khai phục vụ dịch vụ này. Vậy nhà đầu tư tổ chức trong nước chưa tham gia là vì sao?

Lý giải thắc mắc trên, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, TTCK Việt Nam hiện chưa có định nghĩa về nhà đầu tư tổ chức, hay nói cách khác, quy định pháp luật hiện hành không hạn chế ai tham gia đầu tư chứng khoán.

Với chứng khoán phái sinh, do quy mô thị trường mới còn quá nhỏ, chưa đáp ứng được khả năng phòng ngừa rủi ro, nên nhiều tổ chức đầu tư quan tâm thì có, tham gia thì chưa. Thị trường phái sinh vì thế đã trở thành cuộc chơi của các nhà đầu tư cá nhân với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận chứ không phải phòng ngừa rủi ro.

Phái sinh: Người chơi chính chưa... xuất hiện ảnh 2
Tiếp tục giám sát chặt và sẽ tăng sản phẩm phái sinh

Thông báo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng cho biết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao và biểu dương Bộ Tài chính, UBCK về kết quả tích cực sau 2 tháng triển khai TTCK phái sinh bên cạnh việc đã giao Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo UBCK và các cơ quan, đơn vị có liên quan, các thành viên thị trường theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của TTCK phái sinh.

Chính phủ yêu cầu bổ sung khung khổ pháp lý theo mức cao nhất mà thông lệ quốc tế áp dụng, bảo đảm không để xảy ra sai sót, lỗi kỹ thuật trong giao dịch, gây mất an toàn, ổn định đối với TTCK, hoạt động của TTCK phái sinh phải được tổng kết trong báo cáo hoạt động TTCK, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ hàng tháng theo quy định.

Vậy TTCK phái sinh đang được giám sát như thế nào? Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán được biết, do tỷ lệ đòn bẩy cao (tỷ lệ ký quỹ 10%), thị trường này đang được giám sát ngặt nghèo hơn nhiều thị trường chứng khoán cơ sở.

Chẳng hạn, các công ty chứng khoán để hụt margin phải thực hiện bù ngay lập tức trong phiên, nếu không sẽ chịu chế tài xử phạt theo quy định pháp lý. Tháng 10, hai công ty chứng khoán (SSI, VNDS) vì vi phạm tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ trên tài khoản nhà đầu tư khi thực hiện các giao dịch chứng khoán phái sinh đã bị khiển trách.

Lãnh đạo một số CTCK đã phản ứng với việc bắt lỗi quá chặt từ nhà quản lý, nhưng người đứng đầu UBCK cho biết, do TTCK phái sinh còn mới, quy định pháp lý cần hướng đến sự an toàn cao nhất, nên trước hết, các thành viên phải tuân thủ. Khi TTCK phái sinh đi qua giai đoạn sơ khai, các tổ chức đầu tư dần trở thành chủ thể chính thì việc thay đổi các yêu cầu về an toàn thanh toán mới có thể được tính đến.

Hiện TTCK phái sinh mới có 1 sản phẩm là hợp đồng tương lai VN30. Chủ tịch UBCK cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các Sở GDCK tính việc sớm ra mắt sản phẩm phái sinh trên VNX50 và phái sinh trái phiếu chính phủ, để tăng công cụ với hy vọng thu hút các tổ chức đầu tư tham gia thị trường này.                

Tin bài liên quan