“Ông lớn” nóng lòng chuyện cắt lỗ

“Ông lớn” nóng lòng chuyện cắt lỗ

(ĐTCK) Thất bại trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành do yêu cầu phải bảo toàn được vốn, các tập đoàn kinh tế nhà nước đang nóng lòng muốn cắt lỗ các khoản đầu tư này, thông qua cơ chế bán vốn dưới mệnh giá đang được thúc đẩy ban hành.

Chờ thoái vốn dưới mệnh giá

Đó là điều mà lãnh đạo của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước chia sẻ với ĐTCK, bởi đây là cách hữu hiệu để giúp họ sớm trút gánh nặng thất bại trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính. Sở dĩ lãnh đạo các tập đoàn nóng lòng muốn cắt lỗ các khoản đầu tư ngoài ngành, bởi sau các đợt chào bán bất thành thời gian qua, họ gần như… hết cách.

Sau khi thất bại trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) năm ngoái, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Anh Dũng cho biết, hiện Vinachem chỉ còn cách chờ cơ chế cho phép thoái vốn dưới mệnh giá, bởi với quy định hiện hành, Tập đoàn không có cách nào để thoái vốn thành công. Riêng khoản đầu tư tại Tổng C TCP Bảo Minh vừa được Vinachem thoái vốn xong.

Giữa năm ngoái, Vinachem không bán được bất kỳ cổ phiếu nào trong tổng số gần 2,1 triệu cổ phiếu, tương đương 6,13% vốn tại VIG mà họ sở hữu, bởi thị giá cổ phiếu ở thời điểm đó quá thấp, dao động từ 2.400 - 2.800 đồng/CP, trong k hi giá Vinachem được phê duyệt chuyển nhượng tối thiểu là 10.600 đồng/CP, mức giá này chưa bao gồm thuế và phí các loại.

Một “ông lớn” khác cũng đang ngóng cơ chế thoái vốn dưới mệnh giá là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).  Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho hay, Tổng công ty đã thoái được 200 tỷ đồng trong tổng số 296 tỷ đồng đầu tư ra ngoài ngành phải thoái vốn trong giai đoạn 2011 - 2015, nhưng Tổng công ty đang gặp khó trong thoái vốn tại 5 DN. Các đơn vị này hoạt động khó khăn nên không bán cổ phần dưới mệnh giá sẽ không thoái được vốn.

“Tuy Nghị quyết 15/2014 của Chính phủ cho phép được thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá, nhưng hướng dẫn cụ thể chưa có nên Vietnam Airlines đang chờ cơ chế này để thoái vốn nốt tại 5 DN”, ông Minh nói.

Nói về định hướng thoái hơn 76,8 triệu cổ phiếu, tương đương 16,02% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nắm giữ, Chủ tịch HĐTV EVN Hoàng Quốc Vượng cho biết, sau k hi thoái được 25,2 triệu cổ phiếu của ABBank, lượng cổ phiếu còn lại nêu trên, EVN đang tạm dừng triển khai thoái vốn để chờ chỉ đạo mới của Chính phủ. Khi có quyết định về việc số vốn này sẽ được chào bán công khai, hay chuyển giao cho một đơn vị khác, EVN sẽ công bố thông tin.

“Tháng 6 mới có cơ chế thì chậm quá…”

Đó là quan ngại của ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, khi nói về tiến độ xây dựng dự thảo Quyết định đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp giai đoạn 2013 - 2015 do Bộ Tài chính đang triển khai, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.

Lo ngại trên xuất phát từ thực tế đang đòi hỏi phải sớm có cơ chế thoái vốn dưới mệnh giá, để giải tỏa bế tắc cho tình trạng này, nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN, trong khi nếu tuân theo các quy định hiện hành về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thì văn bản này chưa thể sớm được ban hành.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, đầu mối đang soạn thảo Quyết định cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở dự thảo mà Bộ Tài chính hoàn thiện, các bộ ngành đã khẩn trương đóng góp ý kiến cho dự thảo. Điều này cũng như quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo được khẩn trương triển khai, nên tiến độ hoàn thành văn bản này nhanh hơn so với thông lệ xây dựng một văn bản tương tự, trong khi vẫn đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

“Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan, dự thảo đang được Bộ Tài chính khẩn trương hoàn tất, để dự kiến trong tuần này sẽ lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi hoàn tất, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành”, ông Tiến nói và cho biết thêm, với diễn biến như vậy, hy vọng cơ chế về thoái vốn đầu tư ngoài ngành sẽ sớm được ban hành và áp dụng, nhằm thiết thực phục vụ cho mục tiêu tăng tốc cổ phần hóa từ nay đến năm 2015 mà Chính phủ đang ưu tiên chỉ đạo triển khai.

Tin bài liên quan