Hiện trên thị trường đã có trên 100 CTCK đang hoạt động, trong đó chỉ một số ít thực sự vững mạnh.

Hiện trên thị trường đã có trên 100 CTCK đang hoạt động, trong đó chỉ một số ít thực sự vững mạnh.

"Ông lớn" nào hậu thuẫn hàng chục CTCK?

(ĐTCK-online) Không chỉ góp vốn đầu tư vào 1 - 2 công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ, một số tập đoàn, tổng công ty đã góp vốn thành lập hàng chục CTCK, công ty quản lý quỹ.

Cá biệt, có tổng công ty đã góp vốn đầu tư vào 37 CTCK, công ty quản lý quỹ, trong khi hoạt động kinh doanh chính của "tổng" này là… in và bao bì. Một tổng công ty khác có hệ số an toàn vốn rất thấp (hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 14 lần), nhưng cũng đầu tư tới 3 CTCK...

Thất thoát vốn từ đầu tư trái ngành

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phần lớn số tiền đầu tư vào lĩnh vực tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, góp vốn quỹ đầu tư) của các tập đoàn, tổng công ty phát sinh trong 2 năm 2007 - 2008. Đây là giai đoạn thị trường phát triển bong bóng nên các tập đoàn, tổng công ty cũng bị cuốn theo làn sóng này. Gần 50 tập đoàn, tổng công ty tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính với tổng số vốn đầu tư vào cuối năm 2008 lên đến trên 20.000 tỷ đồng. Khoảng 70% khoản vốn này được đầu tư vào các tổ chức tín dụng; 10% đầu tư thành lập CTCK, phần còn lại là đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, góp vốn lập công ty quản lý quỹ đầu tư hoặc góp vốn vào quỹ đầu tư.

Về hiệu quả đầu tư, Báo cáo của Đoàn giám sát cho biết, đến ngày 31/12/2008, do TTCK Việt Nam suy giảm mạnh, các quỹ đầu tư đều có giá trị tài sản ròng giảm, phổ biến từ 40 -60%, các loại chứng khoán và các khoản đầu tư góp vốn trong danh mục đầu tư của một số đơn vị bị ảnh hưởng, phải thực hiện đánh giá lại và trích lập dự phòng rủi ro. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty bị lỗ hoặc không phát sinh lợi nhuận trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán và góp vốn vào quỹ đầu tư. Có tổng công ty, nhận ủy thác đầu tư và trực tiếp đầu tư quá nhiều vào chứng khoán, nên năm 2008 đã phải trích lập dự phòng rủi ro cho hoạt động này lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho biết, một số tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực tài chính với số tiền lớn trong khi đang thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển các dự án quan trọng của Nhà nước. Trong khi đó, hiệu suất đầu tư vào lĩnh vực tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhìn chung là thấp. Phần lớn thấp hơn hiệu quả kinh doanh của chính tập đoàn, tổng công ty đó. Không ít trường hợp đã bị thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước.

 

Sự thật sau những hào quang

Nửa cuối năm 2007 - thời kỳ đỉnh cao của TTCK Việt Nam, hơn 60 CTCK, hơn 20 công ty quản lý quỹ đã được cấp phép thành lập. Thời đó, tại nhiều buổi lễ ra mắt hoạt động của CTCK, người ta dễ dàng chứng kiến những dàn đối tác chiến lược hùng hậu đến từ nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn, với những lời hứa góp sức cho sự phát triển của công ty bằng việc khơi thông dòng vốn từ các thành viên trực thuộc hoặc mở đường huy động vốn từ nước ngoài. Nhiều công ty ngay tại lễ khai trương, đã tự hào khẳng định, lợi thế ngành sẽ cho công ty tốc độ tăng trưởng trên 100% mỗi năm; chiếm lĩnh 10 -15% thị phần thị trường sau 1 năm hoạt động. Có những công ty ngày khai trương số vốn điều lệ chưa đầy 100 tỷ đồng, nhưng cam kết sẽ tăng vốn lên hàng nghìn tỷ đồng chỉ sau 1 năm… Sự sung mãn của TTCK lúc đó là lý do chính khiến cả đối tượng góp vốn (nhiều tập đoàn, tổng công ty) và đối tượng nhận vốn (CTCK) tin vào những kế hoạch "vượt trên thực tế".

Nhưng Báo cáo hoạt động của Sở GDCK TP. HCM đã cho thấy một bức tranh khắc nghiệt: trong gần 100 CTCK thành viên của Sở, có trên 30 công ty có số lượng tài khoản chưa đến 1.000, nhiều công ty trong số này có dưới 100 tài khoản. Hầu hết các CTCK mới chỉ thu hút được một lượng nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản; hầu như không có tổ chức đầu tư nào, không có nhà đầu tư nước ngoài chọn các công ty này làm nhà môi giới. Chỉ có rất ít CTCK bật lên, đứng vững trên TTCK như CTCK HSC, CTCK Kim Long…

Sau gần 2 năm kể từ ngày hơn 60 CTCK, hơn 20 công ty quản lý quỹ ồ ạt được thành lập, nhiều vấn đề đã phát sinh và ngày càng trở nên phức tạp. Có công ty thuộc một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam, sau 2 năm mở cửa vẫn chưa đủ năng lực công nghệ kết nối giao dịch online với Sở GDCK; có công ty đã phải tuyên bố giải thể (Chứng khoán Thiên Phú); có công ty đã phải chuyển khách sang công ty khác (Chứng khoán Gia Anh); có công ty vì phải tìm nguồn thu để tồn tại, đã mở ra và vận hành cả những thị trường mà cơ quan quản lý không cho phép… Nhức nhối nhất là hiện tượng nhiều CTCK không thể kiểm soát được nội bộ, dẫn đến hình thành nên những nhóm nhân viên chuyên lạm dụng tài khoản của khách hàng; câu kết với nhóm khách hàng lớn lũng đoạn giá cổ phiếu… Sự thay người tại nhiều CTCK diễn ra liên tục, thậm chí, có công ty tổng giám đốc mới chỉ phải thực hiện 1 việc, đó là xử lý đống "rác rưởi" của vị tiền nhiệm đã… rút lui an toàn.

Đó là chưa kể đến khối công ty quản lý quỹ, khi mà chỉ 1/5 số công ty quản lý quỹ ra đời là lập được quỹ, tức là có việc để làm.

Chật vật để tồn tại là những gì mà nhiều công ty phải đối mặt sau những hào quang của ngày khai trương. Đâu rồi những tập đoàn, những tổng công ty lớn đứng đằng sau các CTCK, công ty quản lý quỹ?

Thị trường đã không chỉ chứng minh rằng, việc đầu tư trái ngành tràn lan của các tập đoàn, tổng công ty là không hiệu quả, mà còn cho thấy, nếu chỉ có tiền, dù là hàng trăm tỷ đồng hay hàng nghìn tỷ đồng, cũng không thể xây dựng thành công một định chế tài chính trung gian.