Ông Dominic Scriven: Việt Nam có thể thực thi nhiều hơn các giải pháp hỗ trợ

Ông Dominic Scriven: Việt Nam có thể thực thi nhiều hơn các giải pháp hỗ trợ

(ĐTCK) Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital chia sẻ, thị trường toàn cầu biến động mạnh là do một số thành viên trên toàn cầu vay USD nhiều nên bán mạnh các tài sản khác để giảm nợ đồng USD. Khó để nói trước khi nào sẽ kết thúc, nhưng Việt Nam có lợi thế là có thể thực thi thêm các chính sách hỗ trợ kinh tế.

Ông có thể lý giải vì sao lãi suất giảm, Chính phủ các nước tung ra nhiều gói hỗ trợ kinh tế nhưng TTCK vẫn giảm mạnh?

Dịch bệnh Covid-19 lan rộng, các thị trường toàn cầu bị một cú sốc đánh vào điểm yếu của một số thành viên toàn cầu là vay nợ USD nhiều.

Bên cho vay muốn thu hồi vốn về và bên vay thì muốn trả lại, giảm khoản vay. Trong khi đó, nguồn cung USD có lẽ là không đủ.

Đó là lý do các thị trường liên quan đến đồng USD đều bị xáo trộn như vàng, ngoại hối và ngay cả tài sản tưởng như an toàn nhất là trái phiếu chính phủ Mỹ cũng bị bán mạnh. Một tuần gần đây, đồng bảng Anh mất giá 10%, vàng giảm khủng khiếp.

Ông Dominic Scriven: Việt Nam có thể thực thi nhiều hơn các giải pháp hỗ trợ ảnh 1

Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital.

Nhà đầu tư muốn lấy đồng USD về lo cho các khoản nợ. Vấn đề này giải quyết xong chưa thì chưa rõ, vì chúng tôi không thể nhìn thấy hết được.

Đó là lý do thị trường toàn cầu lên xuống mỗi ngày một cách không bình thường. Điều có thể thấy rõ là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng Bộ Tài chính Mỹ đang rất chủ động, phối hợp với ngân hàng trung ương các nước tạo thanh khoản cho thị trường. 

Việt Nam là thị trường nhỏ, nói nôm na là ở “vùng sâu, vùng xa” trên bản đồ thị trường tài chính thế giới, nhưng cũng không loại trừ bị ảnh hưởng khi nhà đầu tư ngoại bán chứng khoán Việt Nam để lấy USD.

TTCK Việt Nam chỉ là một nhân tố nhỏ trong bức tranh toàn cầu, nhưng như người nước ngoài có câu “con kiến cũng phải cẩn thận khi ngủ chung với con voi”.

Đây là thời điểm mà quyết định bán ra hay mua vào đều rất khó khăn. Về lâu dài, các biện pháp hỗ trợ thị trường của Ngân hàng Trung ương sẽ có tác dụng. Tuy nhiên, từ nay đến lúc đó còn rất nhiều khó khăn, biến động. 

Vậy trong lúc này, theo ông, nhà quản lý có thể làm gì để hỗ trợ TTCK Việt Nam? 

Chúng ta hiểu bản chất của cú sốc này là do các yếu tố chủ quan của nhà đầu tư nước ngoài, nên khó có thể làm gì để thay đổi ngay tình thế.

Tuy nhiên, nhà quản lý có thể dành thời gian này tập trung giải quyết các vấn đề của thị trường Việt Nam như soạn thảo các nghị định hướng dẫn thực thi Luật Chứng khoán mới một cách tốt nhất.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia TTCK Việt Nam, không chỉ là nới room, mà là một nhóm vấn đề liên quan như danh mục ngành nghề nước ngoài được sở hữu, định nghĩa thế nào là công ty nước ngoài, khả năng tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các cổ phiếu hết room, phát hành chứng chỉ lưu ký... 

Tạo thanh khoản cũng còn nhiều vấn đề chưa được xử lý như giao dịch T+0, tổ chức lớn không cần ký quỹ tiền mặt... Thanh khoản thị trường càng tốt thì thị trường càng ổn định.
 
Các gói hỗ trợ kinh tế, hỗ trợ tài khóa đã được Chính phủ đưa ra và Ngân hàng Nhà nước cũng đã giảm lãi suất. Ông bình luận gì về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, chống suy giảm tăng trưởng của Việt Nam?

Việt Nam có lợi thế là có thể sử dụng nhiều hơn chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước đã rất tích cực cùng với các ngân hàng thương mại hỗ trợ người đi vay gặp khó khăn chi trả do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam như trái phiếu doanh nghiệp hay lãi suất cho vay, lãi suất tiết kiệm còn tương đối cao so nhiều nền kinh tế khác. Việt Nam vẫn có khả năng hạ lãi suất xuống nữa.

Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là đầu tư công. Những năm qua, có những lo ngại về hiệu quả của đầu tư công và những người có trách nhiệm lo sợ rủi ro nghề nghiệp khi đưa ra các quyết định liên quan đến đầu tư công.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, có thể cần phải mạnh mẽ hơn trong đầu tư công vì nguồn vốn đã có, nhu cầu thì rất lớn trong các lĩnh vực giao thông, vận tải, sân bay, xử lý rác thải… Nền kinh tế đang cần sự hỗ trợ của đầu tư công. 

Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp hiện có mức định giá rất rẻ và cổ đông nội bộ của nhiều doanh nghiệp đang mua vào. Dưới góc độ nhà đầu tư, ông nhìn nhận thế nào về thực tế này?

Chúng tôi đang tiếp tục cho ra các sản phẩm mới. Chẳng hạn, Quỹ VFM vẫn đang chào bán chứng chỉ quỹ ETF.

Mặc dù huy động vốn lúc này rất khó khăn nhưng giá giảm là thời điểm tốt để đầu tư. Nếu bạn là nhà đầu tư cá nhân thì thấy cái gì tốt mà rẻ quá thì đừng có ngại mua dần vào. 

Tin bài liên quan