Tính đến cuối quý II/2015, KIS Việt Nam lỗ lũy kế hơn 84,3 tỷ đồng

Tính đến cuối quý II/2015, KIS Việt Nam lỗ lũy kế hơn 84,3 tỷ đồng

Ông chủ Hàn Quốc có làm “đổi vận” CTCK thua lỗ?

(ĐTCK) Ngoài nắm giữ kịch room theo quy định trước đây (49%) tại một số CTCK, đến nay, NĐT Hàn Quốc là đối tượng sở hữu nhiều nhất CTCK 100% vốn ngoại hoạt động trên TTCK Việt Nam. Sự xuất hiện của ông chủ ngoại liệu có giúp các công ty này thoát khỏi tình cảnh làm ăn thua lỗ kéo dài?

Lỗ triền miên nên bán giá bèo?

Theo báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phần từ nhóm cổ đông trong nước tại CTCK Nam An (NASC) cho Công ty Shinhan Investment Corporation (Hàn Quốc) vừa được gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến ngày 20/7/2015, 7 cá nhân trong nước đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 14 triệu cổ phần, tương đương 100% vốn điều lệ mà họ đang sở hữu tại NASC cho Công ty Shinhan Investment Corporation.

Trong đó, cổ đông sở hữu cổ phần lớn nhất trước khi chuyển nhượng cho đối tác Hàn Quốc là Chủ tịch HĐQT NASC, ông Huỳnh Kim Thông, với tỷ lệ sở hữu 35,54%. Tiếp sau động thái này, NASC đang chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty cổ phần sang công ty TNHH một thành viên.

Như vậy đến thời điểm này, việc đổi chủ tại NASC coi như đã hoàn tất. Tuy nhiên, mức giá cổ phần chuyển nhượng không được các bên tiết lộ. Là CTCK có quy mô tài sản, vốn nhỏ, liên tiếp có kết quả kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm gần đây, các cổ đông trong nước tại NASC khó có thể bán được cổ phần với giá hời.

Một trường hợp CTCK khác hiện NĐT Hàn Quốc cũng gần như sở hữu 100% vốn là CTCK KIS Việt Nam. Công ty hiện có vốn 1.112 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Hàn Quốc sở hữu hơn 98% cổ phần. Sở dĩ đối tác Hàn Quốc chưa thể nắm gần 2% cổ phần còn lại, vì vẫn chưa thể gom nốt lượng cổ phần ít ỏi này nằm rải rác ở nhiều cổ đông nhỏ lẻ.

Điều này xuất phát từ đặc thù mua gom cổ phiếu của đối tác Hàn Quốc diễn ra trong nhiều năm qua, chứ không phải mua trọn gói tương tự như trường hợp NASC. Đại diện KIS Việt Nam khẳng định, sẽ nỗ lực gom mua nốt số cổ phần nhỏ lẻ còn lại để sở hữu 100% vốn của Công ty.

KIS Việt Nam được biết đến với cái tên đầu tiên khi thành lập năm 2007 là CTCK Gia Quyền, với cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và một số cổ đông khác. Do Công ty làm ăn thua lỗ, nên năm 2010, Vinatex và các cổ đông khác muốn phát hành tăng vốn, với hy vọng cải thiện hoạt động kinh doanh.

Khi đó, Tập đoàn Đầu tư Hàn Quốc (Korea Investment Holdings), công ty mẹ của Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Hàn Quốc đặt điều kiện muốn nắm quyền chi phối tại Công ty mới tham gia đợt phát hành tăng vốn. Thỏa thuận này được hai bên chấp thuận, nên năm 2010, khi Công ty tăng vốn từ 135 tỷ đồng lên hơn 263 tỷ đồng, cũng là thời điểm xuất hiện cổ đông lớn nước ngoài là Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Hàn Quốc.

Như vậy, đến nay, ngoại trừ CTCK Maybank Kim Eng là CTCK 100% vốn ngoại đầu tiên trên TTCK Việt Nam, do ông chủ Malaysia sở hữu, thì 2 CTCK 100% vốn ngoại còn lại đều do NĐT Hàn Quốc sở hữu. Ngoài ra, hiện một số CTCK Việt khác có NĐT Hàn Quốc sở hữu lượng lớn cổ phần như: CTCK Woori CBV, CTCK Golden Bridge… Với quy định nới room cho NĐT nước ngoài quy định tại Nghị định 60/2015 có hiệu lực từ ngày 1/9 tới, sẽ mở cửa rộng hơn cho NĐT nước ngoài nói chung, NĐT Hàn Quốc nói riêng sở hữu đến 100% vốn tại các CTCK Việt Nam khác.

Có thoát cảnh thua lỗ?

Với thành tích kinh doanh kém cỏi, câu hỏi đặt ra là sau khi “đổi chủ”, NASC, KIS Việt Nam và tới đây là những CTCK 100% vốn ngoại khác, liệu có cải thiện được tình trạng thua lỗ triền miên?

Nhìn vào kết quả kinh doanh của NASC trong nhiều năm gần đây, giới đầu tư không khỏi… nản, vì năm 2013, Công ty lỗ hơn 664 triệu đồng và lỗ thêm hơn 2,2 tỷ đồng trong năm 2014. Tại thời điểm quý II/2015, có nghĩa là trước khi nhóm cổ đông trong nước hoàn tất chuyển nhượng cổ phần cho đối tác Hàn Quốc, NASC lỗ lũy kế gần 76 tỷ đồng, nên vốn chủ sở hữu chỉ còn 64 tỷ đồng.

Mức lỗ này vượt quá 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu. Trong quý II/2015, NASC ghi nhận khoản doanh thu bèo bọt 13,3 triệu đồng, lỗ 801 triệu đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, NASC chỉ đạt 28 triệu đồng doanh thu, lỗ hơn 1,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 1,1 tỷ đồng.

Tình cảnh của KIS Việt Nam tuy có khá hơn, khi tại thời điểm quý II/2015, Công ty có lãi, nhưng vẫn còn lỗ lũy kế hơn 84,3 tỷ đồng.

Tin bài liên quan