Nỗi lo hàng giải chấp từ “cổ đông ông chủ”

Nỗi lo hàng giải chấp từ “cổ đông ông chủ”

(ĐTCK) Sáng ngày 1/4/2020, Tập đoàn Hòa Bình (HBC) đã phát đi thông báo khẳng định: “Thông tin cổ phiếu của Chủ tịch HÐQT Tập đoàn bị bán giải chấp sẽ không xảy ra như một số bài báo/kênh thông tin xã hội có đưa tin”. Trước đó 1 ngày, một công ty chứng khoán có vốn ngoại đã thông báo bán giải chấp cổ phiếu của Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Hoà Bình.

Cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát đã chao xuống sát giá 15.000 đồng/cổ phiếu khi thị trường lo ngại về khả năng số cổ phiếu Chủ tịch HÐQT dùng làm tài sản thế chấp tại VCB bị bán ra.

Nhận được nhiều câu hỏi về việc này, Hoà Phát phải công khai trả lời rằng, không có chuyện VCB bán cổ phiếu, vì số cổ phiếu thế chấp chỉ được dùng bổ sung thêm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại VCB chứ không phải thể chấp để mua cổ phiếu.

Trước đó, nhà đầu tư rất lo ngại khi thị giá HPG chạm mức 17.000 đồng/cổ phiếu, giá mà thị trường đồn rằng, đó là mức định giá của ngân hàng khi nhận thế chấp cổ phiếu HPG.

Cổ phiếu LDG thì giảm sàn liên tiếp với thanh khoản thấp do áp lực giải chấp đã rất rõ ràng. Rất nhiều nhà đầu tư thừa nhận, mức giá 4.000 đồng/cổ phiếu LDG là rẻ khi nhìn vào tài sản và triển vọng lợi nhuận khi doanh nghiệp bàn giao dự án trong năm nay.

Tuy nhiên, hàng triệu cổ phiếu LDG bị các công ty chứng khoán chất bán giá sàn vì đến ngưỡng phải giải chấp, khiến các nhà đầu tư thấy rẻ cũng chưa vội “lao vào”.

Việc các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn bị bán giải chấp là thông tin rất nhạy cảm với nhà đầu tư, bởi khối lượng cổ phiếu được dùng để thế chấp, cầm cố thường rất lớn và việc này cũng phản ánh tiềm lực tài chính, uy tín của “cổ đông ông chủ”.

Thông thường không chờ đến khi thông tin giải chấp chính thức phát đi thị trường mới biết, mà trước đó ngưỡng giá phải giải chấp của các khoản vay đặc biệt này đã được lan truyền theo cách không chính thức, cũng khiến nhà đầu tư tăng áp lực bán mạnh.

Khi công ty chứng khoán công bố bán, nếu cổ đông lớn có động thái giãn nợ, nộp thêm tài sản đảm bảo hoặc dàn xếp mua thoả thuận, nhằm ngăn không cho cổ phiếu bị giải chấp thì làn sóng giảm giá có thể dừng lại như trường hợp của HBC hay ROS vừa qua.

Ngược lại, cổ phiếu sẽ bị chất bán sàn như trường hợp của LDG có thể tạo nên hiệu ứng “quả cầu tuyết”, khiến giá cổ phiếu sụt giảm sâu.

Bản thân những “cổ đông ông chủ” khi thế chấp cổ phiếu cũng không thể ngờ giá cổ phiếu có thể giảm thấp như thế vì không ai lường được dịch bệnh Covid 19 có thể gây hại đến mức này.

Về phía thị trường, khi các khoản giải chấp của “cổ đông ông chủ” bị công khai, nhà đầu tư đặt ra câu hỏi, việc các cổ đông nội bộ thế chấp cổ phiếu có nên là loại thông tin phải công bố? Ở đây, có một rủi ro lớn cho nhà đầu tư.

Cụ thể, khi giá cổ phiếu giảm mạnh, những nhà đầu tư khi nhìn vào giá trị doanh nghiệp để quyết định mua vào dễ bị hớ và có thể chịu lỗ nặng vì họ không ngờ được sẽ có nguồn cung lớn là số cổ phiếu giải chấp của cổ đông lớn.

Trừ HPG, hầu hết các trường hợp bị giải chấp, có nguy cơ bị giải chấp như vừa qua là cầm cố cổ phiếu tại các công ty chứng khoán để vay margin.

Nhà đầu tư không biết loại thông tin cầm cố của “cổ đông ông chủ” nhưng các công ty chứng khoán nhận cầm cổ phiếu lại có lợi thế thông tin này.

Sự bất cân xứng thông tin quanh câu chuyện cầm cố và giải chấp cổ phiếu của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ là điều đang diễn ra trên TTCK Việt Nam.

Chỉ số chứng khoán bật tăng 17 điểm, lên trên 680 điểm vào ngày đầu tháng 4/2020 -  ngày cả nước thực hiện cách ly xã hội để chống dịch và ngày Thủ tướng Chính phủ tuyên bố dịch trên toàn quốc, nhưng đà tăng chưa có gì chắc chắn khi dịch chưa dập được và lượng cung từ việc bán giải chấp của “cổ đông ông chủ” dễ ập ra thị trường.

Tin bài liên quan