Nỗi lo ẩn sau giao dịch bùng nổ

Nỗi lo ẩn sau giao dịch bùng nổ

(ĐTCK-online) Phiên giao dịch cuối tuần qua khép lại với việc chỉ số chứng khoán trên cả hai sàn giảm điểm, nhưng dấu ấn mạnh mẽ nhất đối với các NĐT là giá trị giao dịch bùng nổ, trên 8.300 tỷ đồng. Tính chung cả tuần có 750 triệu đơn vị, trị giá trên 35.000 tỷ đồng được chuyển nhượng. Đây là tuần giao dịch sôi động nhất của TTCK Việt Nam từ trước tới nay. Khối NĐT nước ngoài vẫn mua ròng, nhưng giao dịch của họ chỉ chiếm xấp xỉ 10% thị trường; giá trị mua ròng chỉ hơn 2%.

Sẽ là rất khập khiễng khi nhìn lại tháng 2, đầu tháng 3, giá trị giao dịch mỗi phiên chưa đầy 200 tỷ đồng để so sánh về mức độ thanh khoản của thị trường hiện nay khi giao dịch tăng lên hàng chục lần. Tuy nhiên, khi gói kích cầu ngắn hạn sắp kết thúc, sẽ có nhiều vấn đề phải bàn.

Thứ nhất là thị trường thanh khoản như vậy có xuất phát từ nội lực, “tiền tươi, thóc thật” của NĐT? Đề cập đến chủ đề này, một quan chức Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thốt lên: “Khi có thể kiếm lời từ TTCK, không hiểu sao tiền ở đâu ùn ùn kéo đến”. Rồi vị quan chức này kết luận: “Tiền trong dân còn lớn lắm”. Song, theo một số người trong cuộc, có một thực tế là nhiều CTCK đã “vượt rào”, lách quy định pháp luật bằng cách cho phép NĐT được mua, bán khống với quy mô lớn. Trong hai phiên giao dịch cuối tuần qua, giới đầu tư kháo nhau về nhóm NĐT tại một CTCK tầm cỡ Top 5 trên thị trường kiếm bộn tiền khi phiên thứ Năm họ mua tới 500.000 cổ phiếu SSI, 500.000 cổ phiếu SAM... và bán ngay vào ngày T+1. Thật khéo tính và cũng thật may mắn khi những cổ phiếu trên đều tăng giá trần trong ngày hôm sau. Nếu sự việc này là đúng thì có thể thấy rõ là nhiều NĐT không mua cổ phiếu bằng “tiền tươi” và khi thị trường tăng nóng, cách thức kiếm tiền này quả thực siêu lợi nhuận. CTCK có thể lý luận, đó là những NĐT đã được kiểm nghiệm có thực lực trên thị trường, có khối lượng tài sản lớn và công ty có đủ năng lực “xử lý” trong trường hợp “có biến”. Nhưng với những người gắn bó với thị trường không thể không có cảm giác lo lắng khi một khối lượng lớn cổ phiếu được giao dịch với hình thức mạo hiểm như vậy.

Thứ hai, theo thống kê mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm, tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 40% GDP (ước khoảng 400.000 tỷ đồng - PV), trong khi đó giải ngân gói hỗ trợ kích cầu lãi suất ngắn hạn tính đến cuối tháng 9 là hơn 400.000 tỷ đồng. Không phải doanh nghiệp nào cũng được hỗ trợ lãi suất. Hơn nữa, có một số lượng lớn doanh nghiệp mới được thành lập. Ngoài ra, còn có đầu tư trong dân... Vì thế, có thể đặt ra câu hỏi là, một phần vốn kích cầu không được dùng cho đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ chảy vào đâu? Chứng khoán có thể là một giả thiết. Dù sao chăng nữa, không phải mỗi TTCK Việt Nam khởi sắc, sự liên thông với TTCK thế giới là điều có thể thấy rõ. Hơn nữa, chứng khoán bùng nổ, mọi thành viên tham gia thị trường đều được lợi, nỗi lo của những người cả nghĩ có lẽ thừa?