Nỗ lực thoái vốn nhà nước khỏi OceanBank bất thành

Nỗ lực thoái vốn nhà nước khỏi OceanBank bất thành

(ĐTCK) Trước khi các lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) bị truy tố và ngân hàng này bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) từng có kế hoạch thoái 20% vốn tại ngân hàng này, nhưng bất thành.

Tháng 10/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra ở OceanBank.

Sau 3 năm truy tố, điều tra, hiện vụ án đang được xét xử sơ thẩm với 51 bị cáo và hàng trăm người có liên quan. Một trong những vấn đề khiến dư luận quan tâm trong vụ án này là số phận của khoản vốn góp 800 tỷ đồng của PVN tại OceanBank. Sau khi Ngân hàng Nhà nước mua lại OceanBank với giá 0 đồng, khoản góp vốn của PVN bị mất hoàn toàn.

Lời khai của bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank cho thấy, giữa OceanBank và PVN từng có nỗ lực thoái vốn, đảm bảo tỷ lệ vốn góp của PVN theo đúng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, nhưng không thành công.

Việc góp vốn có chủ trương từ năm 2008, hai bên thỏa thuận PVN góp 20% vốn điều lệ OceanBank, việc góp vốn được thực hiện làm 3 đợt. Sau đó, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có quy định, một cổ đông tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn  điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Theo lời khai của bị cáo Hà Văn Thắm, sau khi nghị định hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng được ban hành, Thắm đã trao đổi với đại diện của PVN về việc không thoái vốn, mà nâng vốn điều lệ của Ngân hàng lên 5.300 tỷ đồng. Như vậy, số vốn góp 800 tỷ đồng giữ nguyên, nhưng tỷ lệ vốn góp giảm xuống đúng theo quy định.

OceanBank cũng xin đại hội đồng cổ đông thông qua phương án này, nhưng khi chào bán thì không thành công. Sau đó, hai bên thống nhất: Để đảm bảo cân đối tỷ lệ vốn góp, OceanBank tăng tạm vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng và PVN góp thêm 100 tỷ đồng.

Số tiền 100 tỷ đồng này đã được OceanBank gửi ngân hàng khác và phong tỏa làm căn cứ báo cáo với cơ quan cấp phép.

Khi có kết luận của thanh tra nhắc nhở về việc góp vốn này, phía PVN có chủ trương thoái vốn khỏi OceanBank. Hà Văn Thắm khai, bản thân bị cáo cũng trực tiếp đi tìm người mua và đã mời một công ty của Việt Nam, một công ty của Singapore vào kiểm tra và đồng ý mua lại vốn góp của PVN bằng mệnh giá (có văn bản gửi cho PVN). Thắm đã báo cáo việc thoái vốn này, nhưng theo chỉ đạo thì phải chào bán công khai, nếu không được mới bán thỏa thuận.

Tại tòa, đại diện uỷ quyền của PVN giải trình, PVN có ba lần góp vốn thì chỉ có lần sau cùng góp 100 tỷ đồng là sai khung pháp lý do Luật Các tổ chức tín dụng được sửa đổi năm 2010. Nhưng lần thứ 3 thực hiện góp vốn là do triển khai từ hệ quả từ thỏa thuận ban đầu, theo chủ trương của Chính phủ từ năm 2008.

Về việc thoái vốn khỏi OceanBank, ông Hoàng Văn Dũng, đại diện theo ủy quyền của PVN cho biết: “Ngày 5/1/2013, Đề án Tái cấu trúc PVN được phê duyệt, trong đó có nội dung thoái vốn tại ngân hàng. Ngày 7/5/2014, PVN có báo cáo lên Chính phủ đề nghị xem xét chuyển nhượng lại cổ phần tại OceanBank cho các đối tác tiềm năng. Chính phủ đã đồng ý theo Công văn số 4327 ngày 12/6/2014 gửi PVN.

Theo đó, Phó thủ tướng Chính phủ nêu ý kiến chuyển nhượng cổ phiếu của PVN bằng cách đấu giá công khai. Trường hợp đấu giá không thành công sẽ chuyển nhượng cho đối tác khác. Hơn 1 tuần sau đó, Văn phòng Chính phủ lại có công văn gửi thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng dừng việc góp vốn lại và chờ ý kiến của Thủ tướng, sau đó thì Ngân hàng Nhà nước mua lại OceanBank với giá 0 đồng”.

Tin bài liên quan