Những mã tăng giá trên 50% kể từ đầu năm

Những mã tăng giá trên 50% kể từ đầu năm

(ĐTCK) 8 tháng đầu năm nay, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu Việt Nam giảm gần 30% khiến cho tâm lý chung của các thành viên thị trường cảm thấy rất khó kiếm lãi. Tuy nhiên, thống kê thực tế cho thấy, sàn chứng khoán có không ít mã cổ phiếu tăng giá, mức tăng từ 50% đến 3 con số kể từ đầu năm đến nay.

8 tháng, VN-Index tăng 9%, gần 50% cổ phiếu tăng giá

Tính đến hết 8 tháng đầu năm 2019, chỉ số VN-Index ghi nhận tăng 9% so với mốc 891 điểm hồi đầu năm 2019.

Trên sàn giao dịch, có gần 50% số cổ phiếu tăng giá so với đầu năm, trong đó có 70 mã tăng trên 50%, không tính những mã tăng giá cao nhưng có thanh khoản quá thấp. Nhiều mã tăng giá 2 đến 4 lần như CCL, MBG, VCR, C69 và khá nhiều gương mặt quen thuộc có mức tăng trên 100% như L14, TIP, D2D, HNM, SNZ, CTR, VGI…   

Những cổ phiếu tăng phi mã trong 8 tháng đầu năm chủ yếu nằm trong nhóm bất động sản khu công nghiệp hoặc những cổ phiếu có thị giá quá thấp, có câu chuyện riêng và có cả những mã được gọi tên trong nhóm đầu cơ.

Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đến từ giá thuê đất tăng mạnh kể từ đầu năm 2019 và có thể sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu thuê đất của các doanh nghiệp (DN) ngoại. Ðiều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực cho thuê đất công nghiệp.

Giới đầu tư cũng đã đưa ra quan điểm tích cực với ngành bất động sản công nghiệp trong giai đoạn 2019 - 2020. Trong số những cổ phiếu tăng giá trên 50% kể từ đầu năm, có tới 37% cổ phiếu liên quan bất động sản và xây dựng (xem bảng thống kê).

Trong khi đó, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy, lợi nhuận chung năm nay chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018. 1/3 số doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh 6 tháng thấp hơn cùng kỳ, dù vẫn báo lãi.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS) cho rằng, kết quả này thấp hơn so với 2 năm gần đây.

Lý do là các DN năm nay chịu ảnh  chịu nhiều tác động cả trong nước và quốc tế nên nhiều DN đã không giữ được nhịp tăng trưởng cao như năm 2018.

Ngành ngân hàng không còn tăng trưởng mạnh như năm trước, mà chỉ đạt mức tăng chung 18% về lợi nhuận. Hai nhóm ngành có kết quả khả quan nhất là bất động sản công nghiệp và bán lẻ với mức tăng trưởng lần lượt 38% và 30%.

Tương ứng với hiệu quả kinh doanh của các DN theo ngành, giá cổ phiếu trên sàn đã phản ánh khá rõ nét. Ðặc biệt, có hai mã cổ phiếu mặc dù thuộc họ cao su, nhưng do có lợi thế đất làm khu công nghiệp nên cũng tăng giá không nhỏ kể từ đầu năm là PHR và GVR.

Những câu chuyện cụ thể

Cổ phiếu PHR của CTCP Cao su Phước Hòa ghi nhận mức tăng hơn 84% trong 8 tháng đầu năm 2019. Lý do không chỉ nằm ở kết quả kinh doanh của PHR tăng trưởng tốt so với năm cùng kỳ năm 2018, mà là câu chuyện bàn giao đất khu công nghiệp cho VSIP và Nam Tân Uyên.

Việc chuyển giao này giúp Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2019-2021 không dưới 1.000 tỷ đồng/năm (PHR đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 997 tỷ đồng trong năm 2019, tăng gần 60% so với năm trước). PHR đang là cổ đông lớn, sở hữu 32,85% cổ phần của CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC).

Ở góc nhìn thận trọng, anh Trần Anh Minh, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, những yếu tố hưởng lợi trong ngắn hạn có thể tạo ra một vài năm tăng trưởng đột biến cho doanh nghiệp và giá cổ phiếu có thể tăng mạnh theo diễn biến này.

Tuy nhiên, nếu dùng kết quả của doanh nghiệp ở năm tốt nhất để định giá cho triển vọng tương lai nhiều năm sau thì nhà đầu tư có thể phải chịu rủi ro “bong bóng” giá. Theo nhà đầu tư này, các doanh nghiệp cần phát triển trên một nền tảng ổn định dài hạn mới đáng được trả giá cao.

Một số DN có cổ phiếu tăng mạnh do có câu chuyện riêng. Chẳng hạn, mã DCL của CTCP Dược Cửu Long có mức tăng hơn 80% (tính từ đầu năm 2019 đến ngày 5/9), cổ phiếu này tăng mạnh nhất trong quý I/2019.

Anh Trần Vũ Long, nhà đầu tư tại sàn MBS cho biết, anh cũng đã “ăn theo” và chốt lãi thành công cổ phiếu DCL. Ðiều khiến cổ phiếu này tăng mạnh đến từ việc nhà đầu tư kỳ vọng vào kế hoạch chuyển đổi trái phiếu quốc tế thành cổ phiếu tại Dược Cửu Long.

Cụ thể, DN này đã  phát hành 20 triệu trái phiếu chuyển đổi quốc tế riêng lẻ cho nhà đầu tư Rhinos Vietnam Convertible Bind Private Investment Fund No.3 do Rhino Asset Management Co., Ltd (RAM) với giá chuyển đổi là 25.000 đồng/cổ phiếu trong trường hợp không bị pha loãng trước thời gian chuyển đổi. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về việc chuyển đổi này vẫn chưa được DCL công bố.

Nói đến những mã có câu chuyện riêng không thể không nhắc đến cổ phiếu GTN của CTCP GTN. Cổ phiếu GTN ghi nhận tăng gần 100% trong 8 tháng đầu năm, mà lý do chính đến từ  thương vụ Vinamilk thâu tóm GTN foods - công ty sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu.

Ðến nay, Vinamilk đã sở hữu trên 40% cổ phần GTN và hai bên vẫn đang trong quá trình “thương thảo” quyền lực lãnh đạo. Cuộc thâu tóm GTN của Vinamilk chưa đến hồi kết, nhưng những cổ đông của GTN kiên trì nắm giữ cổ phiếu đã được hưởng lợi lớn khi giá cổ phiếu tăng gần gấp đôi trong 8 tháng qua.

Trên sàn cũng có những cổ phiếu ghi nhận tăng giá mạnh do nhà đầu tư kỳ vọng về lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ cải thiện tốt, trong khi thị giá thấp như BCG. Nhìn chung, các cổ phiếu tăng giá mạnh đều có lý do và những nhà đầu tư thông minh vẫn có nhiều cơ hội kiếm lãi từ TTCK.               

Những mã tăng giá trên 50% kể từ đầu năm ảnh 1
Tin bài liên quan