Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch M&A, nhưng nhà đầu tư nhỏ lẻ rất khó tiếp cận thông tin về công ty mục tiêu để đánh giá cơ hội đầu tư

Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch M&A, nhưng nhà đầu tư nhỏ lẻ rất khó tiếp cận thông tin về công ty mục tiêu để đánh giá cơ hội đầu tư

Những đợt phát hành đình đám, nay tiền đi về đâu?: Sôi động M&A hậu tăng vốn

(ĐTCK) Thâu tóm, sáp nhập (M&A) được nhiều doanh nghiệp đưa ra làm cơ sở cho câu chuyện gọi vốn từ cổ đông, với kỳ vọng lợi thế mà các công ty mục tiêu sở hữu sẽ đem lại sự tăng trưởng đột phá. 

DNP: Liên tục M&A các doanh nghiệp ngành nước và nhựa

Một doanh nghiệp không thể bỏ qua khi nói đến những doanh nghiệp có hoạt động M&A sôi động gắn liền với huy động vốn “khủng” là Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP).

Trong vòng 4 năm, vốn điều lệ của DNP đã tăng 25 lần, từ 34 tỷ đồng lên 880 tỷ đồng, thông qua 3 đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông, 2 đợt chào bán riêng lẻ và 1 đợt phát hành ESOP cho cán bộ, công nhân viên, bên cạnh các đợt chia thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Trong đó, lần tăng vốn gần nhất của DNP kết thúc cách đây gần 1 tháng, Công ty chào bán thành công 21,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Cùng với quá trình tăng vốn nhanh và mạnh trong 4 năm qua, DNP đã thực hiện M&A nhiều doanh nghiệp trong ngành nước và nhựa.

Tính đến cuối tháng 6/2018, trong lĩnh vực nhựa, bên cạnh nhà máy Đồng Nai, DNP sở hữu 2 Công ty Nhựa Tân Phú (72,65%) và Công ty Nhựa Đồng Nai Miền Trung (99,33%).

Trong lĩnh vực nước, DNP sở hữu hơn 10 công ty con, công ty liên kết như Công ty cổ phần Bình Hiệp (53,06%), Nhà máy nước Đồng Tâm (39,5%), Công ty cổ phần Cấp thoát nước Long An (30,94%), Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ (16,89%)…

Riêng 6 tháng đầu năm 2018, DNP có 4 khoản đầu tư vào công ty liên kết ngành nước, với giá trị đầu tư 109 tỷ đồng. Ngoài ra, 2 dự án nhà máy nước tại Bắc Giang và Long An nhận được nguồn tiền đầu tư lên đến gần 296 tỷ đồng.

Tăng vốn, mở rộng đầu tư, lợi nhuận sau thuế của DNP theo đó tăng trưởng, từ mức hơn 22 tỷ đồng năm 2014 lên 45 tỷ đồng năm 2015 và 86,3 tỷ đồng năm 2016.

Tuy nhiên, năm 2017, lợi nhuận không duy trì được đà tăng khi đạt 83,3 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018, Công ty lãi 29,7 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. 

VRC: Thâu tóm ADEC

Trong tháng 9 và tháng 10/2017, Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC (VRC) tiến hành 2 đợt chào bán 35,5 triệu cổ phiếu (10,15 triệu cổ phiếu cho cổ đông và 25,34 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược), qua đó tăng vốn điều lệ 3,4 lần, từ 145 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.

Với mức giá chào bán 11.000 đồng/cổ phiếu, VRC kỳ vọng thu về 390,4 tỷ đồng. Trong đó, 345,9 tỷ đồng sẽ sử dụng để mua 65% vốn cổ phần của Công ty cổ phần ADEC, với giá tối đa 24.000 đồng/cổ phiếu; 44,5 tỷ đồng sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động.

ADEC là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, mức giá 24.000 đồng/cổ phiếu mà VRC chấp nhận mua cao gấp đôi giá trị sổ sách tại thời điểm cuối năm 2016, khi doanh nghiệp này có vốn điều lệ 221,7 tỷ đồng, quy mô tài sản 348,3 tỷ đồng.

So với nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, đây được xem là mức giá cao trong bối cảnh năm 2015, ADEC lỗ hơn 8 tỷ đồng và năm 2016, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 5 triệu đồng.

Có lẽ, VRC kỳ vọng vào 3 dự án mà ADEC đang triển khai là Khu dân cư Phú Mỹ (Quận 7, TP.HCM), Khu dân cư Nhơn Đức (huyện Nhà Bè, TP.HCM) và Khu dân cư Long An A (Long An).

Cơ cấu cổ đông của ADEC không được công bố chi tiết, nhưng có một điểm đáng chú ý là liên tiếp trong 2 ngày 4/5/2017 và 8/5/2017, tức vài tháng trước kế hoạch tăng vốn và thâu tóm của VRC được công bố, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, Chủ tịch Hội đồng quản trị trị kiêm Tổng giám đốc VRC đã được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc ADEC.

Đến ngày 17/10/2017, đợt chào bán cổ phiếu của VRC đã thành công. Hai ngày sau, VRC hoàn tất mua 13,3 triệu cổ phiếu, tương đương 60,06% vốn điều lệ ADEC, với giá trị 319,7 tỷ đồng. Dù thấp hơn lượng cổ phần mục tiêu, nhưng mức giá khá sát kế hoạch.

Số tiền huy động vốn còn lại sau đó được VRC thay đổi phương án sử dụng tại Đại hội đồng cổ đông 2018. Theo đó, VRC sẽ tăng vốn góp vào Công ty TNHH VRC Sài Gòn - công ty con 100% vốn do VRC thành lập tháng 6/2016 nhằm thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và thủ tục pháp lý cho dự án trên khu đất 5 ha tại Quận 7. TP.HCM.

Tuy nhiên, sau khi tăng vốn góp vào VRC Sài Gòn, trong quý II/2018, VRC đã chuyển nhượng 15% vốn góp tại công ty này và ủy quyền không hủy ngang 36% quyền biểu quyết cho nhóm cổ đông mới. Theo đó, VRC Sài Gòn chỉ còn được hạch toán là công ty liên kết của VRC.

Việc chuyển nhượng 15% vốn tại VRC Sài Gòn là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trong nửa đầu năm 2018 của VRC tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, không ít cổ đông VRC băn khoăn, nhóm cổ đông nhận chuyển nhượng vốn góp nêu trên là ai và vì sao Công ty lại ủy quyền biểu quyết không hủy ngang tại doanh nghiệp chiếm tới 38,2% tổng tài sản? 

HKB: M&A hai doanh nghiệp, dù mục đích sử dụng vốn ban đầu là bổ sung vốn lưu động

Công ty cổ phần Nông nghiệp Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB), chào bán 30 triệu cổ phiếu (gấp 1,5 lần lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho cổ đông trong tháng 3/2016.

Mục đích ban đầu là số tiền 300 tỷ đồng thu về sẽ được dùng bổ sung vốn lưu động nhằm thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sắn lát và hồ tiêu cho đối tác.

Không lâu sau khi phát hành cổ phiếu thành công, ngày 30/5/2016, HKB công bố hợp đồng đầu tư vào Công ty cổ phần Nông nghiệp Lumex Việt Nam và Công ty cổ phần Nông nghiệp Hưng Lộc Phát Gia Lai, với số tiền lần lượt là 220 tỷ đồng và 80 tỷ đồng.

Đến ngày 5/10/2016, HKB tiếp tục góp thêm 110 tỷ đồng vào Lumex Việt Nam, nâng tổng các khoản góp vốn vào đây lên 342 tỷ đồng (có 12 tỷ đồng được góp từ trước).

Qua đó, HKB nắm 83,42% vốn tại Lumex Việt Nam và 88,89% vốn lại Hưng Lộc Phát Gia Lai. Tính chung, 2 khoản đầu tư mới tương đương 70% giá trị vốn chủ sở hữu của HKB tại thời điểm cuối năm 2016. Vậy nhưng, thông tin về 2 doanh nghiệp mục tiêu được HKB góp vốn khủng đều không được công bố chi tiết.

Đáng chú ý, ngay sau khi được góp vốn, cả Lumex Việt Nam và Hưng Lộc Phát Gia Lai đã dùng toàn bộ vốn điều lệ, tổng cộng 500 tỷ đồng, để mua 4,17 triệu cổ phần của một doanh nghiệp khác với giá 120.000 đồng/cổ phiếu.

Trong 2 năm trở lại đây, sau khi huy động vốn thành công, doanh thu và lợi nhuận của HKB liên tục đi xuống, với 5 quý thua lỗ liên tiếp. Thị giá cổ phiếu HKB trên thị trường chứng khoán liên tục lao dốc, từ hơn 30.000 đồng/cổ phiếu khi Công ty hoàn tất tăng vốn giữa năm 2016 xuống 1.500 đồng/cổ phiếu ngày 7/9/2018.

Lợi thế hay “bánh vẽ”: Chờ thời gian trả lời

Gọi vốn từ cổ đông với kế hoạch M&A khá phổ biến trong các phương án huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Phương án chào bán nào cũng chỉ ra viễn cảnh kinh doanh tươi sáng, kỳ vọng đột phá từ lợi thế mà công ty mục tiêu sở hữu.

Vậy nhưng, trong những câu chuyện này, cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài rất khó tiếp cận thông tin chi tiết về công ty mục tiêu, ngoài các thông tin mà ban lãnh đạo doanh nghiệp công bố.

Với trường hợp công ty mục tiêu là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần nhưng chưa phải là công ty đại chúng, thì không ít trường hợp không có thông tin, ngay cả website của công ty mục tiêu cũng không có.

Cá biệt, có công ty mục tiêu mà tại thời điểm doanh nghiệp công bố M&A vẫn chưa được thành lập, chưa góp đủ vốn, nhưng vẫn được mua với giá cao gấp nhiều lần so với vốn điều lệ.

Đó là trường hợp Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (YEG) dự kiến chi 117,6 tỷ đồng để mua cổ phần chi phối Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Quảng cáo Truyền thông BluesX (BluesX), trước khi công ty này được thành lập cuối tháng 5/2018, với vốn điều lệ 10 tỷ đồng.

Tại sao ban lãnh đạo doanh nghiệp lại dễ dàng bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư vào công ty quy mô nhỏ, triển vọng tăng trưởng chưa rõ ràng?

Theo thời gian, lợi thế của những thương vụ M&A sẽ dần bộc lộ, nhưng cũng có thể, kết quả sẽ không như mong đợi.

Không thể phủ nhận, thông qua M&A, nhiều doanh nghiệp đã có sự bứt phá trong hoạt động sản xuất - kinh doanh nhờ lựa chọn đúng công ty mục tiêu giàu tiềm năng phát triển, kết hợp với năng lực quản trị, tài chính và hệ sinh thái kinh doanh vốn có.

Trường hợp Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) sau khi mua lại Công ty Tài chính SGVF, tiền thân của HD SAISON ngày nay và sáp nhập DaiABank là một ví dụ.

Tuy vậy, có ý kiến cho rằng, trong một số trường hợp, M&A chỉ là cái cớ để doanh nghiệp huy động vốn từ cổ đông nhằm mua những khoản đầu tư kém hiệu quả với mức giá cao, mang lại lợi ích cho lãnh đạo doanh nghiệp và một số người liên quan.

Trong vị thế bất cân xứng thông tin giữa lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn và cổ đông/nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tư nhỏ lẻ rất cần sự cảnh báo, giám sát của cơ quan quản lý đối với các phương án huy động/sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan