Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng MobiFone chuẩn bị các điều kiện cần thiết để IPO vào năm 2019,

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng MobiFone chuẩn bị các điều kiện cần thiết để IPO vào năm 2019,

Những đợt IPO đáng mong chờ trong năm 2019

(ĐTCK) Sau nửa đầu năm nhộn nhịp của hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), thị trường trở nên tĩnh lặng hơn trong nửa cuối năm 2018 do thiếu vắng các thương vụ hấp dẫn. Thay vào đó, dòng tiền hướng đến các đợt chào bán lớn trong năm 2019 với những tên tuổi như Mobifone, VNPT, EVNGenco 1 và 2.

Những tháng đầu năm 2018, giới đầu tư đã háo hức tham gia vào các đợt IPO của nhiều tên tuổi lớn như Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPOWER), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco 3).

Tựu chung, Nhà nước đã thu về 28.100 tỷ đồng từ cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước trong nửa đầu năm 2018. Trong đó, 22.500 tỷ đồng thu về từ các đợt IPO và 5.600 tỷ đồng từ các đợt thoái vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa từ trước.

Tổng số tiền thu về từ các đợt IPO doanh nghiệp nhà nước trong nửa đầu năm nay đã gấp 4 lần số tiền thu về cùng kỳ năm 2017.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia chứng khoán cho biết, từ nay đến cuối năm dường như không còn đợt IPO nào hấp dẫn như những phiên đầu năm. Thay vào đó, dòng tiền sẽ hướng đến các đợt chào bán lớn trong năm 2019.

Những đợt IPO đáng mong chờ trong năm 2019 ảnh 1

Tổng công ty Viễn thông Mobifone

Theo kế hoạch ban đầu của Chính phủ, Mobifone sẽ phải hoàn tất cổ phần hóa trong năm 2018, tuy nhiên do còn vướng mắc trong việc mua bán - sáp nhập doanh nghiệp và thực hiện một số kết luận của cơ quan chức năng nên việc hoàn thành cổ phần hóa chưa thực hiện được.

Trên thực tế, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng MobiFone chuẩn bị các điều kiện cần thiết để IPO vào năm 2019 và xây dựng kế hoạch cổ phần hóa MobiFone trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trong đó, xác định rõ sự cần thiết của các nhà đầu tư chiến lược, tiêu chí cần thiết đối với nhà đầu tư chiến lược, tỷ lệ Nhà nước nắm giữ cổ phần, tỷ lệ bán đấu giá công khai và bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Tuy nhiên, tháng 7/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C46) đã quyết định khởi tố vụ án hình sự số 26/C46-P13 về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015, xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone - Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan liên quan đến những sai phạm trong việc Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG).

Điều này khiến thời gian thực hiện kế hoạch cổ phần hóa của Mobifone sẽ tiếp tục bị kéo dài.

Theo báo cáo tài chính riêng quý II/2018, trong 6 tháng đầu năm, Mobifone đạt 17.231 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm 26%, xuống còn 1.951 tỷ đồng. Hiện Mobifone có vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng. 

Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT)

Theo Quyết định số 2129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 29/12/2017) phê duyệt phương án cơ cấu lại VNPT giai đoạn 2018 - 2020, VNPT (công ty mẹ) phải bảo đảm hoàn thành cổ phẩn hóa Tập đoàn trong năm 2019 theo đúng quy định.

Mới đây, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, do Tập đoàn có quy mô rất lớn, trải khắp 63 tỉnh, thành phố với hơn 700 huyện, hơn 9.000 xã, nên việc kiểm kê tài sản cũng như chuẩn bị phương án cổ phần hóa là khối lượng khổng lồ, cần nhiều thời gian để tiến hành.

Hiện tại, về cơ bản, phương án sử dụng đất của VNPT đã được phê duyệt. Về kiểm kê tài sản được hình thành qua các thời kỳ, Tập đoàn vẫn đang tổ chức kiểm đếm và kiểm soát bằng hệ thống công nghệ thông tin.

Tập đoàn đang nỗ lực để cuối quý III/2018 sẽ hoàn thành cơ bản việc kiểm kê số lượng, sau đó xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp.

Được biết, doanh thu của Tập đoàn đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 80%. Lợi nhuận sau 4 năm tái cơ cấu tăng trưởng trên 25%.

Các chỉ số về tài chính đều trong ngưỡng an toàn, đồng vốn được bảo toàn. Đến năm 2017, VNPT không còn vay vốn và nợ nước ngoài. Dự kiến, Tập đoàn sẽ IPO vào cuối năm 2019. Nhà nước tiếp tục nắm giữ 65% và 35% sẽ được chào bán cho nhà đầu tư.    

Về công tác tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn cho biết đã báo cáo Bộ Công thương kế hoạch, tiến độ cổ phần hoá Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGenco 1) và Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGenco 2).

Đồng thời, Bộ Công thương đã báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép được thực hiện cổ phần hóa tại thời điểm ngày 1/1/2019. Trước đó, thậm chí có thời điểm việc cổ phần EVN Genco 1 được cho là sẽ kéo dài tới năm 2020.

Dự kiến, VNPT sẽ IPO vào cuối năm 2019. Nhà nước tiếp tục nắm giữ 65% và 35% sẽ được chào bán cho nhà đầu tư.  

Hiện tại, EVNGenco 1 và 2 có vốn điều lệ lần lượt là 17.943 tỷ đồng và 11.164 tỷ đồng. Bên cạnh 2 tổng công ty này, EVNGenco 3 đã thực hiện IPO vào tháng 2/2018.

Kết quả là 331 nhà đầu tư đấu giá trúng với tổng khối lượng mua hơn 7 triệu cổ phần, mức đấu giá trúng bình quân: 28.100 đồng/cổ phần. Hiện cổ phiếu Genco 3 đang giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán PGV. 

Chưa biết chờ tới bao giờ….

Bên cạnh các thương vụ IPO đã phần nào xác định được mốc thời gian kể trên, có một thực tế là còn nhiều kế hoạch cổ phần hóa của những tên tuổi lớn vẫn mịt mờ, sau thời gian trì hoãn kéo dài. 

Chẳng hạn, với Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), tuy kế hoạch ban đầu là thoái vốn nhà nước trong năm 2017, nhưng do khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản doanh nghiệp nên Bộ Xây dựng đã đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh kế hoạch cổ phần hóa vào Danh mục các doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2018. Hiện nay, với lý do tương tự, Bộ Xây dựng tiếp tục xin lùi lại tới năm 2019.

Theo phương án mà Bộ Xây dựng trình Chính phủ thời điểm đó, giá trị doanh nghiệp của HUD được xác định tại cuối năm 2014 vào khoảng 10.943 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hơn 3.405 tỷ đồng và dự kiến bán ra 49%.

Tổng công ty cổ phần Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) cũng là tên tuổi liên tục lỡ hẹn trong kế hoạch IPO. Với vốn điều lệ 12.360 tỷ đồng, VICEM thuộc hàng "bom tấn" của Bộ Xây dựng.

Vốn dĩ công tác IPO của VICEM đã được thực hiện trong năm 2015, nhưng do nhận trách nhiệm tái cơ cấu các doanh nghiệp ngành xi măng thua lỗ nên thời gian cổ phần hóa của Tổng công ty đã bị lùi lại và trì hoãn cho đến nay.

Trong khi đó, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) dù đã hé lộ thông tin IPO từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có thêm tín hiệu nào.

Dự định cổ phần hóa cuối năm 2016, nhưng tới đầu năm 2017, lãnh đạo Satra mới tiết lộ Tổng công ty đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp và sẽ lần đầu bán cổ phần ra công chúng trong quý II năm đó. Tuy nhiên, nhà đầu tư chờ mòn mỏi từ năm 2017, qua 2018 vẫn chưa thấy tín hiệu IPO của ông lớn này và lại tiếp tục đặt niềm tin vào năm 2019.

Theo số liệu tài chính mới nhất được công bố vào năm 2016, vốn điều lệ của Satra đạt 7.307 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận ròng thời điểm đó lần lượt là 10.231 tỷ đồng và 3.023 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhà đầu tư còn chờ đợi thêm thông tin rõ ràng từ các đợt IPO của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam...

Hay một số công ty cũng đang tìm kiếm đối tác chiến lược để thoái vốn nhà nước như Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW).

Cùng với đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng buộc phải đẩy mạnh quá trình thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp như Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC) và Công ty cổ phần Chứng nhận và Kiểm định Vinacontrol (VNC).

Các kế hoạch IPO, bán vốn nếu được thực hiện đúng lộ trình sẽ thu hút dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu tiếp tục chậm trễ, kéo dài thì đây là một trong các yếu tố làm suy giảm niềm tin thị trường.    

Tin bài liên quan