Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những đợt bán vốn bị dòng tiền lãng quên

(ĐTCK) Sức hấp dẫn từ hàng loạt thương vụ lên sàn và thoái vốn nhà nước của SCIC tại doanh nghiệp quy mô lớn trên thị trường chứng khoán cơ sở, cùng sự mới lạ của thị trường chứng khoán phái sinh khiến dòng tiền “bỏ lơ” nhiều đợt IPO.

Tính từ đầu năm đến nay, thông qua Sở Giao chứng khoán TP.HCM (HOSE), 24 doanh nghiệp đã tiến hành bán đấu giá cổ phần. Thành công nhất có lẽ là thương vụ thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại CTCP Sữa Việt Nam (VNM) và đợt IPO của Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp – Idico, với sự tham dự của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hầu hết các cuộc đấu giá còn lại kém sức hút với giới đầu tư.

Điển hình là thương vụ IPO của Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp – Công ty TNHH MTV (Becamex). Theo phương án cổ phần hóa, Becamex có vốn điều lệ 13.170 tỷ đồng. Tổng công ty chào bán hơn 311 triệu cổ phiếu, tương đương 23,6% vốn điều lệ trong đợt IPO.

Với mức giá khởi điểm 31.000 đồng/cổ phần, Becamex dự kiến thu về 9.647 tỷ đồng trong đợt IPO. Tuy nhiên, theo công bố của HOSE vào ngày 28/11, chỉ có 158 nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá; trong đó, có 4 tổ chức trong nước, 5 tổ chức nước ngoài cùng 149 nhà đầu tư cá nhân. Các tổ chức nước ngoài đăng ký mua là 10.637.000 cổ phiếu. Tổng lượng đăng ký chào mua chỉ đạt hơn 18,9 triệu cổ phần, chiếm 6% tổng lượng cổ phiếu chào bán.

Tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính từ đầu năm tới nay, có 10/39 cuộc đấu giá thông qua HNX không bán hết lượng chào bán. Có nhiều cuộc đấu giá mức độ cạnh tranh gần như không có khi số lượng nhà đầu tư tham gia rất ít, số lượng cổ phần đăng ký mua thấp hơn nhiều so với khối lượng chào bán. Đợt IPO chào bán hơn 5,8 triệu cổ phần ra công chúng của Công ty TNHH MTV Việt Trung, chỉ có 27 nhà đầu tư cá nhân tham gia. Kết quả, chỉ có 3.600 cổ phần được đăng ký mua, giá trúng cũng là giá khởi điểm.

Tháng 11 vừa qua được coi là tháng thành công của hoạt động đấu giá cổ phần trên HNX với 6 phiên đấu giá diễn ra, hơn 25,9 triệu cổ phần (bằng 93% khối lượng chào bán) đã được bán cho nhà đầu tư trong tháng với tổng giá trị cổ phần trúng giá hơn 418 tỷ đồng, cao hơn 100 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Tuy nhiên, xem xét kỹ từng đợt đấu giá, có thể thấy, vẫn có những phiên rất trầm lắng. Cụ thể là phiên IPO của Công ty TNHH một thành viên 145. Chỉ có 321.000 cổ phần được chào mua trong tổng số 1,6 triệu cổ phần  đưa ra đấu giá, tương đương tỷ lệ 26%. Hay phiên IPO của Công ty TNHH một thành viên 532, cũng chỉ có khoảng 50% cổ phần trong tổng số 1,2 triệu cổ phần đưa ra đấu giá được chào bán thành công.

Sự sôi động của thị trường chứng khoán được kỳ vọng là điều kiện thuận lợi cho hoạt động bán đấu giá cổ phần, nhưng thực tế, không phải đợt bán vốn nào cũng nhận được sự quan tâm của giới đầu tư, nếu như đó không phải là thương hiệu được nhiều người biết đến.

Các đợt bán vốn “ế” cũng tập trung vào các đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu và nhiều trong số này có nguyên nhân từ việc các doanh nghiệp không biết hoặc không mặn mà thông tin về cổ phiếu chào bán. 

Trong bối cảnh thị trường đang tập trung cho các thương vụ lớn và diễn biến giá trên sàn để tận dụng cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn, thì việc tham gia vào các thương vụ IPO vốn mang tính dài hạn sẽ không phải là ưu tiên lựa chọn của giới đầu tư. Nhất là với các doanh nghiệp chưa cho thấy hiệu quả kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng thực sự hấp dẫn.

Sự lãng quên của nhà đầu tư cũng là một trong những lý do có tới 13 đợt đấu giá bị hủy trong 11 tháng đầu năm tại HOSE…

Theo dự kiến, từ nay đến hết năm 2017, thị trường chứng khoán dự kiến sẽ đón thêm khoảng 20 cuộc bán vốn tại hai sở giao dịch chứng khoán, đáng chú ý trong đó có đợt bán 343.662.587 cổ phần của Nhà nước tại Sabeco và đợt bán vốn của SCIC tại một loạt doanh nghiệp như DCM, FPT, NTP, BMP...

Dòng tiền trên thị trường là hữu hạn, các doanh nghiệp cần phải có chiến lược thông tin phù hợp trên cơ sở nội lực vững vàng mới mong thu hút được dòng tiền đầu tư.

Tin bài liên quan