Những doanh nghiệp “hồi sinh” từ vực thẳm

Những doanh nghiệp “hồi sinh” từ vực thẳm

(ĐTCK) Từng lâm vào cảnh thua lỗ nặng nề nhưng một số doanh nghiệp trên sàn UPCoM ghi nhận sự khởi sắc trong hoạt động kinh doanh các năm gần đây.

Từ đầu năm 2017 đến nay, có 4 cổ phiếu nhận “án” hủy niêm yết và gần 20 doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ rời sàn, “rơi” xuống UPCoM, chủ yếu vì thua lỗ kéo dài. Tuy nhiên, cổ đông của các doanh nghiệp này có thể níu giữ hy vọng khi nhìn vào sự hồi sinh của những cái tên dưới đây.

TVB: “lật ngược” tình hình tài chính

Trải qua năm 2016 khởi sắc của thị trường chứng khoán, Công ty Chứng khoán Trí Việt (TVB) công bố đạt hơn 20 tỷ đồng lợi nhuận, vượt xa con số 637 triệu đồng năm 2015.

Khoản lãi này giúp TVB “lật ngược” tình hình tài chính của doanh nghiệp. Cụ thể, tính đến cuối năm 2015, dù trải qua 3 năm liên tiếp có lãi, nhưng TVB vẫn còn lỗ lũy kế hơn 14 tỷ đồng. Nhưng sau năm 2016, TVB đã xóa hết lỗ và có hơn 6 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Công ty đã quyết định trích gần như toàn bộ khoản lợi nhuận trên (xấp xỉ 5,4 tỷ đồng) để thanh toán cổ tức năm 2016, tỷ lệ 5,6%.

Theo lãnh đạo TVB, năm 2011, 2012, trước hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì vướng phải nợ xấu, TVB chỉ đặt trọng tâm cho việc đòi nợ, các nghiệp vụ khác duy trì ở mức tối thiểu, đảm bảo “nuôi quân”.

Năm 2016, động lực chính giúp TVB đạt kết quả lợi nhuận khả quan là sự khởi sắc của nghiệp vụ môi giới: doanh thu môi giới đạt 19,4 tỷ đồng, tăng 176,3% so với năm 2015. Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn tài chính đạt doanh thu 12,2 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần năm trước.

TIS: lợi nhuận 2016 xóa lỗ lũy kế nhiều năm

Cũng hưởng lợi từ sự khởi sắc chung của ngành hoạt động, năm 2016, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TIS) đạt 205,8 tỷ đồng lợi nhuận (năm 2015 đạt 60,1 tỷ đồng). Số lãi này giúp TIS xóa khoản lỗ lũy kế 187,8 tỷ đồng “chồng chất” từ nhiều năm trước.

Theo giải trình của TIS, năm 2016, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty có nhiều thuận lợi, đáng kể nhất là quyết định áp thuế tự vệ với thép nhập khẩu của Bộ Công thương. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ thép tăng 20% so với năm 2015, giúp doanh thu tăng gần 700 tỷ đồng (đạt 8.578 tỷ đồng). Ngoài ra, Công ty giảm lỗ chênh lệch tỷ giá, giảm đáng kể các chi phí nhờ quản lý tốt dòng tiền (giảm lãi vay ngân hàng, lãi trả chậm khách hàng).

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sắp tới, TIS dự kiến trình kế hoạch kinh doanh năm 2017 với chỉ tiêu doanh thu 8.940 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 160 tỷ đồng. Trong năm nay, TIS dự kiến triển khai 13 dự án, với tổng giá trị kế hoạch thực hiện là 1.256,86 tỷ đồng.

SDJ: tốt dần lên

Công ty cổ phần Sông Đà 25 (SDJ) chưa xóa hết lỗ lũy kế nhưng ghi nhận triển vọng tích cực so với giai đoạn bết bát trước đó. SDJ có hoạt động chính trong ngành xây dựng. Trước khi lên sàn UPCoM (tháng 12/2014), SDJ từng bị hủy niêm yết tại HNX do ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 50 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp (43,4 tỷ đồng) tại thời điểm cuối năm 2012. Sau khi bị hủy niêm yết, SDJ bắt đầu kinh doanh có lãi, dù lợi nhuận chỉ đạt vài trăm triệu đồng/năm.

Năm 2016, hoạt động kinh doanh của SDJ chuyển biến rõ rệt. Doanh thu đạt 155,8 tỷ đồng, tăng gần 50 tỷ đồng; lợi nhuận đạt hơn 1,5 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2015. Công ty đã thu hồi được một phần công nợ (còn hơn 50 tỷ đồng chưa thu hồi), thanh lý một số tài sản có giá trị và quyết toán nhiều công trình thi công trước đó như công trình Đường tránh Hà Tĩnh, Cầu Phú Sơn, các trạm phát sóng Viettel...

Năm 2017, SDJ đặt kế hoạch doanh thu 152,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2 tỷ đồng. Kế hoạch này được đánh giá là khả thi khi giá trị công trình chuyển tiếp từ năm 2016 sang năm 2017 của Công ty khoảng 140 tỷ đồng.

Cổ phiếu trở lại mệnh giá

Trước đây, cổ phiếu TVB, TIS, SDJ được giao dịch ở dưới mệnh giá, thậm chí rơi xuống mức 2.000 - 3.000 đồng/CP. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2016, các cổ phiếu này có sự cải thiện đáng kể về giá và tính thanh khoản. Cụ thể, cổ phiếu TVB tăng từ 5.500 đồng/CP phiên 22/12/2016 lên 28.600 đồng/CP phiên 3/2/2017. Hiện tại, cổ phiếu này đã hạ nhiệt, giá dao động quanh mệnh giá 10.000 đồng/CP, thanh khoản duy trì hàng trăm nghìn đơn vị mỗi phiên.

Cổ phiếu SDJ cũng có mức tăng giá mạnh, từ 2.400 đồng/CP ngày 9/1/2017 lên 13.400 đồng/CP ngày 21/3/2017. Từ tình trạng gần như “trắng giao dịch”, SDJ có trung bình trên 10.000 cổ phiếu được chuyển nhượng mỗi phiên.

Đối với TIS, cổ phiếu này bắt đầu đà tăng giá từ đầu tháng 12/2016 (6.400 đồng/CP) và duy trì xu hướng tăng đến nay. Kết thúc phiên 10/4/2017, TIS đạt mức giá 11.200 đồng/CP. Thanh khoản của TIS dẫn đầu trên UPCoM trong 3 tháng gần đây, nhiều phiên được giao dịch hàng triệu đơn vị.

Thời gian gần đây, sàn UPCoM ghi nhận một số ý kiến nên loại bỏ những cổ phiếu được ví như “giấy lộn” vì giá ở mức rất thấp và hầu như không có thanh khoản. Mặc dù vậy, thực tế “qua cơn bĩ cực” của không ít doanh nghiệp cho thấy, không nên quá khắt khe với những cổ phiếu dạng này, để cổ đông không mất hy vọng giá phục hồi và cơ hội được giao dịch, được tiếp nhận thông tin về doanh nghiệp. 

Tin bài liên quan