Dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Quân đội đạt 200.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2017

Dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Quân đội đạt 200.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2017

Những doanh nghiệp “ghi điểm” lợi nhuận nửa đầu năm 2018

(ĐTCK) Trong bối cảnh các chỉ tiêu vĩ mô 6 tháng đầu năm 2018 khả quan, nhiều doanh nghiệp niêm yết, nhất là các doanh nghiệp lớn, thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh, với ước tính doanh thu, lợi  nhuận đạt mức tăng trưởng cao.

Nhóm ngân hàng: Tăng trưởng ấn tượng

Là nhóm doanh nghiệp chiếm tỷ lệ vốn hóa cao nhất toàn thị trường chứng khoán, với mức đóng góp của 12 ngân hàng chiếm 24% tỷ trọng vốn hóa, 32% tỷ trọng lợi nhuận, nên có ảnh hưởng lớn đến xu hướng của thị trường. Đây là nhóm công bố ước tính lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 sớm nhất thị trường, với mức tăng trưởng cao vượt trội.

Chẳng hạn, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) công bố con số ước tính lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 là 7.722 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành 55,2% kế hoạch năm. VCB cho biết, hệ số NIM của Ngân hàng đạt 2,76%, ROA đạt 1,24% và ROE đạt 22,71%.

Ngân hàng Quân đội (MBB) công bố con số ước tính khoảng hơn 3.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của nhóm Ngân hàng và các công ty con. Theo MBB, dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm của Ngân hàng đạt 200.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2017, nợ xấu ở mức thấp, khoảng 1,23%.

Với Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTG), Ngân hàng ước tính lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 5.200 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Điểm nhấn của CTG trong nửa đầu năm nay là việc hoàn thành mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Ngành điện: Kết quả kinh doanh quý II dự báo đột biến

Theo nguồn tin từ một thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC), 6 tháng đầu năm, PPC ước lợi nhuận sau thuế đạt 715 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với Công ty cổ phần Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2), theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, lợi nhuận quý II/2018 của NT2 có thể tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 362 tỷ đồng do không bị ảnh hưởng bởi tỷ giá (Công ty có vay nợ bằng EUR) và lợi nhuận cả năm 2018 ước đạt 821 tỷ đồng.

Trong thời gian vừa qua, do yếu tố thời vụ, nhu cầu tiêu thu điện tăng đột biến là một trong những yếu tố dẫn đến kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp trong ngành. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp cũng ít chịu rủi ro về biến động tỷ giá, giúp lợi nhuận đạt cao hơn giai đoạn trước đó.

Doanh nghiệp bất động sản: Bán hàng tốt, nhưng lợi nhuận có thể phải chờ cuối năm

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hà Đức Hiếu, Quyền Giám đốc Tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cho biết, Đất Xanh đang làm việc với đơn vị kiểm toán để ra số liệu chính xác về doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018.

Tuy nhiên, ước tính lợi nhuận sau thuế 6 tháng của Tập đoàn đạt khoảng 430 tỷ đồng. Con số này dù bằng 212% cùng kỳ năm ngoái, nhưng chiếm tỷ lệ không cao trên tổng lợi nhuận dự kiến của Đất Xanh cả năm 2018 và thấp hơn dự kiến ban đầu.

Theo ông Hiếu, lý do là Công ty đã lùi thời gian hạch toán doanh thu, lợi nhuận của Dự án Opal Garden sang quý III/2018. Bên cạnh đó, các dự án khác của Đất Xanh cũng có “điểm rơi” hạch toán lợi nhuận vào nửa cuối năm 2018.

“Từ quý III/2018, lợi nhuận của Đất Xanh sẽ tăng mạnh, vì đó là điểm rơi hạch toán doanh thu các dự án”, ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, trong 6 tháng đầu năm nay, Đất Xanh đã bán được 10.017 sản phẩm bất động sản, trong đó gần 50% là các dự án do Tập đoàn đầu tư sơ cấp và thứ cấp, hơn 50% là sản phẩm môi giới. Với kết quả này, số sản phẩm bán thông qua Đất Xanh tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về việc bán hàng, ông Hiếu cho hay, lo ngại thanh khoản thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại là có, nhưng đó là ở từng phân khúc khác nhau và theo địa bàn. Các dự án do Đất Xanh đầu tư và phân phối đều có tỷ lệ hấp thụ cao, bán hết hàng chỉ trong thời gian ngắn. Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch chuyển dịch phân khúc nhằm đảm bảo duy trì tăng trưởng trong dài hạn.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận của Hà Đô ước đạt khoảng 80 tỷ đồng, thấp so với kế hoạch 734 tỷ đồng cả năm. Bởi lẽ, nửa cuối năm nay, Tập đoàn mới đủ điều kiện hạch toán doanh thu, lợi nhuận từ Dự án Centrosa. Đây là dự án đã được Tập đoàn hoàn thành công tác bán hàng từ trước, nhưng vẫn đang trong giai đoạn triển khai và bàn giao.

Với Tập đoàn FLC, Tập đoàn đang trong giai đoạn lập báo cáo tài chính bán niên, hiện chưa có con số chính xác, do phải hợp nhất nhiều bộ phận và các dự án khác nhau. Nguồn tin từ FLC cho biết, mặc dù kết quả bán hàng rất tốt, với con số hơn 2.000 sản phẩm bất động sản bán ra từ các dự án FLC Quy Nhơn (Bình Định), FLC Quảng Bình, FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa) trong 2 tháng gần đây, nhưng việc hạch toán doanh thu, lợi nhuận chịu những ràng buộc riêng, nên sẽ chậm hơn. 

Dầu khí: Hưởng lợi nhờ giá dầu tăng

Với giá dầu khí tăng lên mức cao hơn nhiều so với dự kiến đầu năm, hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp ngành dầu khí ước đạt kết quả kinh doanh khả quan. Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho thấy, tổng kết 6 tháng đầu năm nay, PVN đã có 10 doanh nghiệp thành viên hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận hợp nhất 6 tháng, trong đó có Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW), Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM).

Trong số này, GAS ước tổng doanh thu đạt 37.455 tỷ đồng, vượt 135% kế hoạch 6 tháng và bằng 66% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 6.602 tỷ đồng, bằng 82% kế hoạch năm.

Với PVS, doanh thu hợp nhất ước đạt 6.700 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm; lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 340 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch năm.

Tin bài liên quan