Những “điểm sáng” quý II/2019

Những “điểm sáng” quý II/2019

(ĐTCK) Trong bối cảnh đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán có dấu hiệu chậm lại do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, các nhóm ngành bảo hiểm phi nhân thọ, bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, công nghệ - bưu chính, dệt may, điện, ô tô và tiêu dùng vẫn được đánh giá triển vọng.

Quý I/2019: 12/22 ngành, 844 doanh nghiệp báo lãi

Trong 3 tháng đầu năm 2019, nhờ tình hình vĩ mô tích cực, TTCK Việt Nam tăng trưởng khả quan so với quý IV/2018 khi 2 sàn HOSE và HNX tăng lần lượt 88,22 điểm (+9,88%) và 3,21 điểm (+3,08%).

Tính đến 13/5/2019, có tổng cộng 1.006 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý I/2019 (chiếm 88,7% vốn hóa trên 3 sàn). Theo đó, kết thúc quý đầu năm, tổng doanh thu thuần của các doanh nghiệp đạt khoảng 637.000 tỷ đồng, tăng trưởng 6,1% so với cùng kỳ 2018. Cần lưu ý rằng, con số này không tính đến nhóm ngành bảo hiểm, ngân hàng do các ngành này không có khoản mục doanh thu.

Tổng lợi nhuận ròng đạt gần 67.800 tỷ đồng, tăng trưởng 1,97%, nhưng nếu loại trừ lợi nhuận của nhóm ngân hàng thì lại tăng trưởng âm 1,91%. Sự sụt giảm lợi nhuận ròng mạnh nhất diễn ra ở các ngành cảng biển (-57%), thép (-38,3%), phân bón (-28,5%), bất động sản (-14,6%). Tính chung toàn thị trường, tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 14,77%; tỷ số lợi nhuận ròng trên tổng tài sản (ROA) đạt 2,44%.

Có 844 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận dương, chiếm 83,8% số doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh. Trong đó, có 498 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương, chiếm 49,5% trên tổng số doanh nghiệp công bố. Top 5 doanh nghiệp vốn hóa lớn có mức tăng trưởng cao nhất là DGC (1.027%), NLG (358%), VHC (214%), NVL (130,5%) và STB (112,8%).

Về các nhóm ngành, tính đến hết quý I/2019, toàn thị trường có 12/22 ngành ghi nhận mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ, trong đó nổi bật có thể kể đến nhóm xi măng (+181%), nhựa (+76%), thủy sản (+147%), hóa chất (+26,3%), công nghệ thông tin - viễn thông (+18,2%), dầu khí (+27,1%), ngân hàng (+12,8%). Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành có kết quả kinh doanh giảm mạnh là cảng biển (-57%), phân bón (-51%), thép (-38,3%), săm lốp (-28,5%), bất động sản (-14,6%). 

Về một số nhóm ngành tác động mạnh đến chỉ số, chẳng hạn ngân hàng, diễn biến khả quan. Cụ thể, tính đến hết quý I/2019, lợi nhuận hoạt động (TOI) của 14 ngân hàng đang niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán đạt 66.934 tỷ đồng, tăng trưởng 10%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất (PBT) đạt 25.514 tỷ đồng, tăng trưởng 12,8%; thu nhập lãi thuần đạt 52.869 tỷ đồng, tăng trưởng 16,8% và chiếm 79% TOI nhờ tăng trưởng tín dụng trong kỳ (tính đến 20/3/2019) đạt 2,28% (cùng kỳ là 2,23%) và tỷ lệ lãi cận biên (NIM) giảm nhẹ, trung bình đạt 3,08% (cùng kỳ là 3,11%). Thu nhập từ hoạt động phi tín dụng tăng trưởng tốt, chủ yếu đến từ tăng phí dịch vụ (+48%).

Chất lượng tài sản của các ngân hàng được cải thiện: Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ xuống 1,36%, tỷ lệ bao nợ xấu ở mức trung bình 74%. Nhiều ngân hàng đã xử lý xong nợ xấu đã bán cho VAMC (MBB, ACB, VCB, TCB, VIB...) giúp làm giảm chi phí dự phòng, cải thiện lợi nhuận. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã áp dụng thành công Basel II trước hạn (MBB, VIB, TPB, VCB, OCB) và dự kiến sẽ có cơ chế quản lý, tăng trưởng tín dụng riêng trong thời gian tới. 

Tại nhóm ngành bất động sản, hết quý I/2019, có 57 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh. Theo đó, tổng doanh thu thuần và lãi ròng công ty mẹ đạt lần lượt 52.094 tỷ đồng và 6.210 tỷ đồng, giảm tương ứng 6,6% và 14,6% so với cùng kỳ chủ yếu do lãi ròng Công ty mẹ VHM tăng trưởng âm 35%. Cần lưu ý là, mức lãi ròng Công ty mẹ VHM chiếm đến 41% tổng lãi ròng công ty mẹ của toàn ngành bất động sản. Do đó, nếu loại trừ VHM, chỉ tiêu này tăng trưởng 9,1% chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của VIC (+12,9%), VRE (+13,1%), NLG (+358%), HDG (+1.067%), NVL (+130,5%).

Với nhóm ngành dầu khí, có 14 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tính đến cuối quý I/2019, với tổng doanh thu thuần đạt 71.707 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ, nhưng lãi ròng đạt 4.600 tỷ đồng, tăng trưởng 27,1%  nhờ sự phục hồi của giá dầu và các dự án dầu khí được tái triển khai. Trong đó, đóng góp chính vào tăng trưởng lợi nhuận là GAS (+16%), PVS (+46%) và PVD.

Những “điểm sáng” quý II/2019 ảnh 1

 Kết quả kinh doanh các ngành quý I/2019.

Quý II: Nhiều nhóm ngành được đánh giá triển vọng

Hiện tại, nửa quãng đường quý II/2019 đã đi qua, thị trường cổ phiếu Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp do đang tiến vào vùng trũng thông tin khi mùa Ðại hội đồng cổ đông và công bố kết quả kinh doanh quý I qua đi. Những số liệu kết quả kinh doanh được công bố trong quý đầu năm cho thấy dấu hiệu đà tăng trưởng đang chậm lại và khá khiêm tốn nếu so sánh với mức tăng trưởng lợi nhuận 2 con số của cùng kỳ trong 2 năm gần nhất.

Những nguyên nhân tác động được chỉ ra, về yếu tố vĩ mô, đó là sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu hay chiến tranh thương mại leo thang. Dù vậy, triển vọng tăng trưởng sẽ phục hồi dần trong nửa cuối năm 2019 và năm 2020 nhờ việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở các quốc gia lớn.

Trong giai đoạn còn lại của năm 2019, một số ngành, nhóm ngành được đánh giá khả quan là bảo hiểm phi nhân thọ, bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, công nghệ - bưu chính, dệt may, điện, ô tô và tiêu dùng. Ðây là những nhóm ngành dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2019 nhờ nhu cầu tăng trưởng bền vững, hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển các ngành sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng.

Các ngành, nhóm ngành được đánh giá trung lập bao gồm ngân hàng, dầu khí, bất động sản thương mại, xây dựng, thép, gạch men, nhựa, xi măng, dược, phân bón, vận tải biển, săm lốp, cao su và thủy sản. Ðây là những ngành có dấu hiệu chững lại về tăng trưởng lợi nhuận (xây dựng, bất động sản và các ngành vật liệu xây dựng), hay đã có mặt bằng lợi nhuận cao năm ngoái (ngân hàng, thủy sản, dầu khí), hoặc gặp bất lợi về giá nguyên liệu (nhựa, phân bón, vận tải biển) khi giá dầu có xu hướng tăng trở lại. Riêng với xi măng, ngành này được nâng lên mức trung lập dựa trên tăng trưởng khả quan của tiêu thụ và hoạt động xuất khẩu.

Về phía kém khả quan, mía đường vẫn là ngành gặp nhiều khó khăn nhất trong năm 2019 do tình trạng dư cung, giá hàng hóa vẫn chưa hồi phục từ xu hướng giảm trước đó.

Tin bài liên quan