Nhiều công ty trả cổ tức cao, nhưng không ít doanh nghiệp khác nợ cổ tức do lợi nhuận thấp

Nhiều công ty trả cổ tức cao, nhưng không ít doanh nghiệp khác nợ cổ tức do lợi nhuận thấp

Những đại hội cổ đông chưa vui

(ĐTCK) Từ đầu mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) 2018 đến nay, nhìn chung không khí cuộc gặp giữa “ông chủ” - cổ đông và những “người làm thuê” - ban lãnh đạo có nhiều nét vui hơn các năm trước. TTCK khởi sắc giúp nhiều dòng chứng khoán được cải thiện về thị giá khiến cổ tức không còn là nguồn thu chính của nhiều cổ đông. 

Tuy nhiên, bên cạnh những phương án phân phối lợi nhuận khiến cổ đông… mát mặt, thì vẫn có những đại hội, phương án chia cổ tức khiến cổ đông không khỏi… tức.

“Công ty đưa ra kế hoạch năm 2016 trả cổ tức 25%, nhưng không thực hiện chi trả do kinh doanh không hiệu quả. Năm 2017 đặt kế hoạch chia cổ tức 20% và đã chi trả. Phải chăng năm nào kinh doanh hiệu quả thì trả, còn năm nào không hiệu quả thì không trả. Chúng tôi muốn biết kế hoạch cụ thể của từng năm…”, cổ đông Hồ Văn Đoàn chất vấn tại ĐHCĐ thường niên năm 2018 của CTCP Giống cây trồng miền Nam (SSC) vừa diễn ra.

Câu trả lời từ phía chủ tọa chưa làm hài lòng cổ đông này vì không đả động đến khoản “nợ” cổ tức năm 2016. Tổng giám đốc SSC Bùi Quang Sơn cho biết, về tỷ lệ chia cổ tức năm 2017, HĐQT SSC đã tạm ứng và trình ĐHCĐ thông qua với mức 20% căn cứ vào kết quả lợi nhuận sau thuế đạt được, Công ty đã giải quyết hết các vấn đề tài chính tồn tại từ các năm trước.

Tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), trả lời chất vấn của cổ đông Nguyễn Giang Nhi rằng, nếu Đại hội (2018) thông qua thì khi nào Công ty chia 15% cổ tức còn lại (năm 2017 kế hoạch chia cổ tức 45%, đã tạm ứng 30% - PV), đại diện Công ty không nêu ra thời hạn cụ thể mà cho biết, FMC sẽ sớm chia cổ tức 15% còn lại.

Nghi ngờ lời cam kết trên của lãnh đạo FCM, cổ đông Chung Thanh Tâm chất vấn, chia cổ tức năm 2017 trình Đại hội là 45%, tương đương cần khoảng 148 tỷ đồng để chi trả, trong khi đó lợi nhuận năm 2017 của Công ty là 124 tỷ đồng, vậy lấy nguồn từ đâu ra chi trả? Theo giải trình của chủ tọa, tỷ lệ cổ tức năm 2017 quyết chi trả cao là do ý chí của cổ đông lớn lúc đó (CTCP Hùng Vương) muốn chia nhiều. Nguồn chia cổ tức lấy từ lợi nhuận chưa phân phối.

Tại một số doanh nghiệp, cổ đông “nóng mặt” vì tình trạng doanh nghiệp nợ cổ tức, trả cổ tức không rõ ràng, việc nhiều doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng chưa hẳn khiến cổ đông hài lòng.

Là cổ đông ngoại gắn bó lâu năm với CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API), tại ĐHCĐ 2018 của API mới đây, cổ đông David ONeil đề nghị Công ty trả cổ tức bằng tiền thay vì bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, lời đề nghị này không được đáp ứng, khi câu trả lời của chủ tọa đưa ra là API mong muốn trả cổ tức bằng tiền, nhưng Công ty đang thiếu tiền mặt để nộp tiền sử dụng đất cho các dự án… Chốt Đại hội, API đã thông qua kế hoạch chia cổ tức 10 - 20%, trong đó 7,5% bằng cổ phiếu trong năm 2018.

Ngoài không hài lòng với phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, cổ đông David ONeil còn bày tỏ không đồng ý với phương án thưởng cho Ban điều hành do lợi nhuận giảm, không đồng ý bổ sung ngành nghề kinh doanh 6810 do chưa đủ thông tin để xem xét; Tờ trình 16 (ủy quyền cho HĐQT quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ) không được cung cấp đủ thông tin để quyết định… Một điều khiến cổ đông này phiền lòng nữa là hiện có tới 45% cổ đông ngoại, nhưng kỳ đại hội năm nay của API không có bản tài liệu bằng tiếng Anh.

Liên quan đến cổ tức, cổ đông quan tâm nhiều hơn về tính minh bạch của kế hoạch phân phối lợi nhuận. Tại ĐHCĐ năm 2018 của CTCP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC), cổ đông chất vấn số liệu về lợi nhuận trước thuế năm 2017 trong báo cáo của HĐQT là hơn 96,1 tỷ đồng, nhưng trong phương án trích lập quỹ, phân phối lợi nhuận và tỷ lệ chia cổ tức là hơn 94,6 tỷ đồng.

Trả lời chất vấn của cổ đông vì sao có sự chênh lệch này, đại diện đoàn chủ tọa cho biết, lợi nhuận trước thuế 96,1 tỷ đồng là trong báo cáo hợp nhất của Công ty, bao gồm lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ và các công ty con. Trên thực tế, lợi nhuận của các công ty con chưa nộp về công ty mẹ, nên trước mắt sẽ chia lợi nhuận trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ, với lợi nhuận trước thuế là hơn 94,6 tỷ đồng.

Mỗi năm, doanh nghiệp thường tổ chức một lần gặp cổ đông để bàn thảo các vấn đề chiến lược và chốt phương án tài chính. Giá trị thương hiệu, thậm chí giá trị vốn hóa của mỗi doanh nghiệp được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là sự hài lòng của các cổ đông.

“Trong ấm thì ngoài mới êm”. Vì thế, để cải thiện giá trị trên sàn, điều cần nhất là doanh nghiệp có sự đồng thuận của cổ đông hiện hữu, hoặc ít nhất cũng cần thỏa mãn các nhu cầu thông tin của cổ đông tại mỗi kỳ đại hội.

Tin bài liên quan