Nhịp kiếm lời của nhà đầu tư ngoại

Nhịp kiếm lời của nhà đầu tư ngoại

(ĐTCK) Năm 2017 và đầu năm 2018, thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt dẫn đến việc huy động vốn của các công ty quản lý vào Việt Nam khá thuận lợi. Thế nhưng, trong mấy tháng gần đây, dòng vốn vào quỹ đầu tư đã trở nên khó khăn, thậm chí có quỹ bị rút ròng. Điểm tích cực là, nhà đầu tư ngoại vẫn nhìn nhận thị trường chứng khoán Việt Nam là một cơ hội và sẵn sàng mua vào khi thị trường giảm mạnh.

Quỹ ETF nội: Nhà đầu tư ngoại đang tăng trở lại

Có thể thấy rõ điều này tại Quỹ ETF FMVN30 (E1VFVN30), quỹ ETF nội lớn nhất do CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý.

Tại thời điểm 31/12/2017, tổng giá trị tài sản ròng của Quỹ đạt 2.749,145 tỷ đồng, tương ứng giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ E1VFVN30 là 16.105,12 đồng.

Tháng 2/2018, E1VFVN30 tăng quy mô lên mức cao nhất kể từ khi thành lập, với giá trị tài sản ròng của Quỹ tại thời điểm báo cáo (ngày 28/2/2018) là 5.454,944 tỷ đồng. Trong đó, giá trị tài sản ròng mỗi chứng chỉ quỹ tại thời điểm trên là 18.146,85 đồng.

Tại báo cáo giá trị tài sản ròng ở thời điểm gần nhất, ngày 13/9/2018, tổng giá trị tài sản ròng của Quỹ là 4.268,546 tỷ đồng, tương ứng giá trị một chứng chỉ quỹ E1VFVN30 là 15.762,72 đồng.

Dù quy mô tài sản và giá trị mỗi chứng chỉ quỹ có sụt giảm so với hồi tháng 2, nhưng Quỹ ETF FMVN30 vẫn đang nhận được sự quan tâm tích cực từ nhà đầu tư, khi quy mô chứng chỉ quỹ tăng lên khá mạnh.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Lương Thị Mỹ Hạnh, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc VFM cho biết, hiện tại, việc huy động vốn từ các nhà đầu tư của các công ty quản lý quỹ không thuận lợi bằng cuối năm 2017, nhưng điểm tích cực là nhà đầu tư nước ngoài lại mua vào khi thị trường đi xuống.

Dữ liệu của VFM cho thấy, cuối năm 2017, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài là 95,76%, nhưng ở thời điểm cuối tháng 8, con số này đã tăng lên mức 97,38%.

Tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng nhiều nhất vào tháng 3, khi chỉ số VN-Index gần đạt mức 1.200 điểm, sau đó có thêm một lần rút ròng vào tháng 6/2018 và mua ròng trở lại từ tháng 7.

Nếu coi diễn biến quá khứ là một căn cứ để dự báo tương lai, thì diễn biến giao dịch của nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư ngoại nói riêng tại Quỹ ETF FMVN30 có thể là một gợi ý về kỳ vọng khả năng tăng điểm trở lại của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. 

Nhà đầu tư ngoại chờ cơ hội, nhà đầu tư nội chờ… lôi kéo

Trong nửa cuối năm 2017, các công ty quản lý quỹ lớn của Việt Nam đã đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư tại các thị trường lớn, đặc biệt là thị trường Mỹ, châu Âu và một vài nước lớn tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Giám đốc đầu tư một công ty quản lý quỹ cho biết, đó là thời điểm vàng để hút nhà đầu tư ngoại đến đầu tư tại Việt Nam.

Sang tháng 3/2018, giữa lúc thị trường chứng khoán Việt Nam đang hưng phấn cao độ, thì dòng vốn nước ngoài có phần chững lại, thậm chí bị rút ở một số công ty quản lý quỹ, nhất là các dòng vốn đầu tư dưới dạng ủy thác, quỹ mở. Chỉ từ tháng 6/2018, dòng vốn ngoại quay trở lại có xu hướng tăng mạnh lên.

Trao đổi với phóng viên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, trong tầm nhìn dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng và vẫn là cơ hội đầu tư hấp dẫn vượt trội so với các thị trường chứng khoán khác.

“Không còn nghi ngờ gì về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung. Điều chúng tôi quan tâm là thời điểm đầu tư và những cơ hội đầu tư rõ ràng hơn của các công ty quản lý quỹ.

Có 3 lĩnh vực chúng tôi đặc biệt quan tâm tại Việt Nam là tiêu dùng bán lẻ, bất động sản, năng lượng và chúng tôi cũng đồng thời sẵn sàng dành vốn đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp start-up”, ông Micheal Lee, nhà đầu tư Mỹ gốc Hàn chia sẻ bên lề một cuộc xúc tiến đầu tư do nhóm các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ tổ chức hồi đầu năm nay.

Việc đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là một trong những nguyên nhân nhà đầu tư ngoại đổ xô vào lĩnh vực công ty chứng khoán.

Mỗi nhà đầu tư lớn khi vào Việt Nam, đều kéo theo khách hàng của mình tại nước sở tại, qua đó thúc đẩy mạnh hơn dòng vốn ngoại vào Việt Nam.

Thế nhưng, ở trong nước, các quỹ đầu tư nội bắt đầu gặp khó khi thị trường đi xuống. Năm 2017, khi các quỹ mở làm ăn phát đạt, phong trào đầu tư quỹ mở đã nhen nhóm lan rộng ra với cả những nhà đầu tư chưa từng giao dịch chứng khoán.

Mức tăng trưởng ngoài 40%/năm, thậm chí hơn hơn 50%/năm đủ hấp dẫn nhà đầu tư nội và cũng là lý do, nhiều nhân viên giao dịch ngân hàng trở thành… nhân viên bán chứng chỉ quỹ đầu tư mở.

Sang năm 2018, kể từ giai đoạn tháng 4/2018, khi thị trường sụt giảm, dòng vốn mới từ các nhà đầu tư nội đổ vào các quỹ mở bị giảm đáng kể. Mức lỗ, nhất là với những nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ ở thời kỳ đỉnh cao không phải 10%, mà thậm chí lên tới 30%, khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân không chịu nổi đành chấp nhận rời cuộc chơi.

Nếu nhà đầu tư ngoại luôn chờ mỗi khi thị trường đi xuống để tăng giải ngân các quỹ, thì nhà đầu tư nội, dường như chờ có sự lôi kéo, dù thị trường đang trong xu hướng tăng điểm trở lại.

Tin bài liên quan